BĐVN: Xa rồi thời thảnh thơi
Bóng đá trước khi là một môn thể thao và được ví như ngành công nghiệp không khói hái ra tiền, nó đơn thuần chỉ là trò chơi, chơi để rèn luyện sức khỏe, tìm kiếm niềm vui, tạo hưng phấn làm việc. Đã là trò chơi, phải vui và phải thoải mái mới chơi được, chứ không thể miễn cưỡng. Nhưng…
Sau khi lần lượt các ông bầu đình công, thôi không đầu tư bóng đá; sau dăm bảy đội bóng hoặc phải giải thể hoặc sang nhượng…, cảm giác như bóng đá Việt Nam hiện đang phải oằn mình, gồng gánh và vá víu cho một cuộc chơi được báo hiệu là tiền mất tật mang.
1. Những nhà điều hành nền bóng đá (VFF) hay đơn vị tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vẫn tự tin rằng họ có đủ cơ sở để tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp cho nền bóng đá cũng như các giải đấu. Tuy nhiên, chỉ cần liếc vội số lượng CLB phải giải thể hoặc sang tên đổi chủ; một số khác xin tự rút lui vì thiếu kinh phí hoặc do điều lệ không cho phép (CLB Hà Nội xin không thăng hạng V-League 2013 dù đã đủ tiêu chuẩn)…, có thể thấy ngay bước thụt lùi. Cụ thể, V-League từ số lượng 14 sẽ chỉ còn 12 CLB ở mùa bóng 2013; hạng Nhất thậm chí còn thiệt hại nặng hơn, với chỉ 8 CLB tranh nhau 3 suất thăng V-League 2014…
Mới năm trước còn có giá chuyển nhượng hơn chục tỷ đồng nhưng giờ thì Công Vinh không được như trước
Đứng trước cuộc khủng hoảng trên diện rộng về tài chính và niềm tin, tác động trực tiếp lên địa hạt bóng đá, hết thảy các CLB Việt Nam còn tồn tại cho đến thời điểm này đều phải chủ động cắt giảm chi tiêu, hạ lương, và treo thưởng cũng rất dè dặt. Một quy tắc ứng xử bất biến trong mối quan hệ công việc: khi đơn vị chủ quản gặp khó khăn, tinh giản biên chế là việc phải làm ngay. Nhưng ngay cả khi đã rất quyết liệt thì một số CLB như K.KG, XMXT.SG, thậm chí cả XM V.HP…, hiện vẫn đang còn nợ lương thưởng nhân viên (HLV và cầu thủ) với những tranh chấp quyền lợi tưởng như không bao giờ có hồi kết.
2. Trên số báo mới nhất của Thể thao 24h có một thống kê khá thú vị về đội hình (HLV và cầu thủ) thất nghiệp, có thể là ứng viên số một cho chức vô địch V-League 2013, tất nhiên với điều kiện họ được tập hợp lại và tham dự giải đấu. Không đùa, khi bộ đôi tiền đạo của đội-hình-trong-mơ này nguyên là cặp “song sát” của ĐT Việt Nam hiện vẫn còn đương thời: Công Vinh-Quang Hải. Đấy là chưa kể Antonio, chân sút số một trong lịch sử V-League hiện đang thử việc tại XM V.HP. Tuyến 2 có Philani, Trọng Lộc, Johnny Ngọc Anh…; phía dưới, những Minh Đức, Ngọc Anh, Như Thành, Phong Hòa…, đều thuộc tầm sao số cả. HLV là ông Lê Thụy Hải.
Nói là thú vị, nhưng thực tế đó là sự chua chát, là bi kịch và thậm chí là cú sốc với nền bóng đá xứ sở, với những ông chủ đầu tư theo kiểu ăn xổi, cùng cả nhà điều hành, nhà tổ chức giải đấu mải ngủ quên trên chiến thắng. Mà thực tế, chúng ta cũng chưa từng chiến thắng, dù người trong cuộc có đôi lần lộng ngôn rằng, V-League là giải đấu số một khu vực về tính hấp dẫn và sự cạnh tranh. Các đội bóng Việt Nam khi bước ra sân chơi khu vực hay châu lục vẫn thua liểng xiểng đấy thôi! Chúng ta chỉ (từng) vô địch về tiền, với “nền bóng đá nghiệp dư hưởng lương chuyên nghiệp”, như câu nói để đời của một vị chuyên gia có thâm niên dày dạn.
Khi phải miễn cưỡng tham gia cuộc chơi, hẳn không thể loại trừ khả năng sẽ có thêm một (hay vài) đội bóng nữa bỏ cuộc giữa chừng. Tất nhiên, đấy lại là điều không ai mong đợi cả!