Tâm tình người đàn ông không đi bước nữa

Nhiều lúc trà dư, tửu hậu, bạn bè tếu táo rằng anh là “điện tích tự do”, hối thúc anh “đi bước nữa”.

Tôi có anh bạn ngoại ngũ tuần thì vợ mất. Trong dòng người lặng lẽ tiễn đưa chị, đã có ai đó nhấm nháy: Thế nào ông ấy chả kiếm bà kế. Thế gian từng có người vợ chết, đắp chiếu lấy vợ khác.

Dáng vạm vỡ, lại chuyên trách công tác thi đua, mang niềm vui cho mọi người, anh thường có mặt nơi linh đình, luôn tươi cười ăn ảnh. Nhiều lúc trà dư, tửu hậu, bạn bè tếu táo rằng anh là “điện tích tự do”, hối thúc anh “đi bước nữa”. Có người xăng xái nhận làm mối cho anh chị goá chồng, cô lỡ thì. Về quê, ông chú, bà cô gán cháu này, cháu kia. Áp lực làm cho anh lâng lâng nghĩ mình còn “có giá” lắm.

Hai cơ hội vàng

Một lần, làm trưởng đoàn công tác của cơ quan về địa phương miệt vườn thẩm định báo cáo thi đua, anh được đích thân nữ giám đốc hồ hởi tiếp và cảm tình ngay. U40 nhưng ưa nhìn, đúng ra là hãy còn “ngon”, song vào việc khá đĩnh đạc, cấp dưới răm rắp tuân lệnh, sau đó mới giật mình biết “đối tác” hãy còn “son”.

Số là vào giờ nghỉ, nữ giám đốc đến thăm xã giao trưởng đoàn. Chuyện rôm rả tưởng không dứt ra được, song đến khi vô tình hỏi thăm chồng con, anh mới chợt nhận ra chị sững lại. Cái sắc sảo của vị nữ giám đốc từng trải “sơ tán” rất nhanh nhường chỗ cho nét thoáng buồn, lúng túng, vội “chuyển làn” sang đề tài vô bổ. Chả là lúc đang xuân, nàng quá hăng hái: Ra trường lăn lưng vào việc - đào tạo - được đề bạt - càng mải mê - lại được bồi dưỡng - rồi lại được cất nhắc. Chưa ngồi nóng chỗ này, đã được điều lên vị trí khác. Đã có ghế trong “hội đồng lãnh đạo” là bao nhiêu chức ào đến, nào là trưởng, phó ban này đến thành viên hội đoàn kia. Họp hành, long trọng viên, tiếp khách, đãi đằng tối ngày. Ban đầu còn phải tự đi, sau xe đưa đón, lúc nào cũng bị o bế trong vòng khánh tiết. Thời gian vùn vụt, mới hơ hớ đôi mươi ngày nào, vù một cái tuổi băm ập đến, gia nhập “câu lạc bộ phòng không” hồi nào không hay. Người đời bảo như chị thì “cao không tới, thấp không thông”. Chỉ có người gặp thưa gửi, công văn báo cáo, điện thoại xin ý kiến, chẳng có người tri kỷ để e ấp, dòng thư hẹn hò, nhắn tin dè dặt. Bạn trang lứa, nhiều đứa con đã đi học, sắp có dâu có rể. Đến đám cưới lặng lẽ một mình, dự cỗ bàn bị đẩy lên ngồi mâm cao.

Sinh thời, cha mẹ thấy chị lúc nào cũng tất bật, khách khứa toàn thấy ông nọ bà kia mặt mày nghiêm trọng, dáng vẻ oai vệ, không biết lựa lời thế nào, chỉ nhíu mắt nhìn nhau, bấm bụng thở dài… Buổi giao lưu chia tay với đơn vị, anh em hát nhái câu quan họ “Anh còn son, em cũng còn ngon, ước gì ta được làm con một nhà…”, cứ như riết hai người với nhau. Anh cũng đã xiêu lòng, nhưng ngại nước cả sông sâu, cơ hội lờ lững trôi qua.

Cơ hội thứ hai, là trưởng họ, lại có lực, anh thuê thợ Kinh Bắc tôn tạo nhà từ đường ở quê, sắm đồ thờ xịn, mua nội thất cũng xịn. Mỗi kỳ anh về hương khói các cụ ở lại cả tuần, không ngày nào vắng bà con lối xóm ngồi đến tận khuya. Anh phát hiện có một cô đã cứng tuổi nhưng vẫn phảng phất nét xuân sắc thường lui tới, thi thoảng đụng chân tay giúp anh dọn dẹp, ngồi chầu rìa nghe anh tiếp khách, cứ ngỡ họ hàng, hỏi thăm mới biết chỉ là người làng, đang chân son mình rỗi. Lúc mười tám đôi mươi cô cũng có đôi ba đám hỏi, nhưng lo cha mẹ yếu, em đang đi học, cô nén chịu, thế là lỡ thì. Cha mẹ “đi”, em thành thân, cô đánh liều lên thị xã làm công nhân, thâm nhập “thị trường mới, tìm đối tác”, nhưng chả được mấy năm xí nghiệp giải thể đành quay về vạch xuất phát. Anh xem đây như thời cơ mới, song lại phân vân, cứ loanh quanh, chẳng bắt chuyện. Cô đến thưa dần và chấm hết.

Có lẽ đã đạt tới hai cơ hội đỉnh cao, nên những lần khác được mối manh, anh đều cảm ơn nhưng tế nhị: “Xin để hội thảo”.

Tâm tình người đàn ông không đi bước nữa - 1

Những lần khác được mối manh, anh đều cảm ơn nhưng tế nhị: “Xin để hội thảo” (Ảnh minh họa)

Dừng lại thôi

Qua giỗ hết vợ anh, không thấy động tĩnh, tôi dè dặt:

- Chuyện ấy tính thế nào.

- Còn thế nào nữa. Xì-tốp (stop - dừng lại) thôi.

- Thật thế không!?

- Còn thật bỡn gì nữa. Vắng bà ấy, song con cái nếp, tẻ đủ cả, rồi dâu, rể, cháu nội, ngoại sum vầy, bỗng dưng một người lạ xen vào, phá vỡ không gian ấm cúng này thấy không đành lòng(!). Con cháu vẫn quý mình, song thấy ông quấn quýt tổ ấm mới chắc sẽ lảng ra, khác nào như tham bát bỏ mâm. Thời trẻ nuôi con vất vả rồi, nay lên ông nội, ông ngoại rồi há gì lại phải vướng vào lít nhít con mọn, đeo kính bón cơm, nửa đêm dậy thay tã.

Còn nếu vợ chồng không sinh nở, chỉ như góp gạo thổi cơm chung. Không có gì kết dính, tuổi già dễ dở chúng, chia tay như bỡn, thành tai tiếng. Nhạc phụ, nhạc mẫu mới có khi tuổi chỉ ngang mình, rồi thêm họ thêm hàng… không chu tất lại mang tiếng chỉ biết đến cái... Ở tuổi này, sống thêm ngày nào đều là ngày trời cho, chả biết được mấy nả, vạ lại chui vào “túp lều tranh khi cả hai trái tim vàng đã bắt đầu héo”.

Anh kể, ở cơ quan anh, có một cô chia tay chồng sớm, tính tình bay nhảy, thấy thế có vị muốn sà vào, liền bị từ chối thẳng thừng: Gá bạn với các ông tim khô, phổi thối, đầu gối lung lay, có hoạ làm ô-sin không công (!).

- Nhưng người đời có câu: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông” - Tôi phản biện.

- Có bao giờ ông và bà cùng “đi” một lúc không - anh thẳng băng -  Nay mai bà vợ kế này lại “đi” trước hoá ra tôi là người sát vợ và ai sẽ chăm tôi. Còn nếu tôi “đi” trước, chắc các cháu cũng phụng dưỡng bà ta, nhưng sao bằng mẹ nó được. Sơ suất thành tiếng để đời, tội cho con cái.

Ngẫm cũng phải

Bẵng một dạo gặp lại mới biết anh đã nghỉ được dăm năm. Không đợi dò hỏi, anh tâng tẩng: Thú thật, thi thoảng cũng có “nhu cầu” nhưng bước qua lục tuần, bề ngoài vậy thôi chứ “nội thất” bắt đầu rệu rã, các “cơ quan đoàn thể” lần lượt về hưu, sức mấy mà ham, nghỉ luôn cho khoẻ, con cái khỏi lăn tăn. Bấy giờ tôi mới vỡ ra cái dí dỏm của anh muốn hoãn binh, bằng câu ỡm ờ cửa miệng không mất lòng ai, xin để “hội thảo”. Hội thảo là đưa ra bàn thảo, bàn cho nát nước, khuyến nghị rõ nhiều nhưng không để làm gì, chỉ biết tiệc ăn, tiền lĩnh.

Bây giờ anh lúc Sài Gòn, khi Nha Trang, Đà Lạt, vẫn nói cười ha hả: điện tích tự do mà! Nhìn anh lúc nào cũng vô tư. Song anh tự bạch: Đi đâu thì chớ, về đến nhà ngước lên ban thờ, thấy chị như trong ảnh bước ra, nhìn xuống bắt gặp ánh mắt thăm dò của các con, nhất là cô con gái út, nàng dâu cả, suy tư lại ập đến. Tôi đã bắt gặp giây phút anh lặng người, rơm rớm mắt, chắc lại hồi tưởng về người vợ trước lúc đi xa. Bệnh tật giày vò làm gương mặt chị héo hắt, đôi mắt hằn rõ nét ưu tư, cặp môi mấp máy không thành lời. Anh hiểu sự trăn trở của người bạn trăm năm khi biết mình phải đứt gánh giữa đường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Duy Nghĩa ([Tên nguồn])
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN