Nghề tay trái của tôi là: làm chồng
Tôi vẫn tin hôn nhân không phải lúc nào cũng đầy rẫy những chuyện tiêu cực.
Mấy anh bạn tôi lúc uống bia thường rất hay đưa ra tuyên ngôn và chân lý. Mà lời nào nghe chừng cũng vô cùng quan trọng, tầm cỡ sâu sắc đến độ thỉnh thoảng có thể đăng làm status trên Facebook câu like. Những lúc đấy tôi đều tấm tắc, vừa nhau lại vừa chép miệng gật gù khen hay… xong rồi quên mất. Chỉ duy nhất có lần nọ, một anh cao hứng bảo rằng: “Đàn ông thật ra chỉ cần về nhà đầy đủ trách nhiệm với vợ, với con, ăn vụng biết chùi mép, thế là đủ chuẩn!”. Các anh bên cạnh, người là nhà báo, người là doanh nhân, toàn thể đều có gia đình sung túc ấm cúng, nhất loạt gật đầu tán thưởng, cụng ly dzô một phát rõ to. Ô hay, hóa ra bây giờ não trái và não phải của đàn ông đều tiến hóa đến độ rạch ròi thế hay sao?
Tình yêu chết rồi ư?
Với tâm trạng rất mơ hồ, đầy băn khoăn ái ngại của một phụ nữ chưa chồng, tôi đem “tuyên bố” đấy đi hỏi những người phụ nữ đã có gia đình để xem phản ứng ra sao. Trong lòng vẫn cứ đinh ninh thế nào các chị cũng hét ầm lên bức xúc. Ơ cơ mà không, tôi lại được một phen ngạc nhiên tập hai. Các chị bảo: “Ừ, miễn sao biết đường về nhà và làm tròn trách nhiệm là được”. Nhìn các chị, tôi thật lòng muốn đặt câu hỏi: “Tình yêu đã chết rồi ư?”
Ở đâu người ta cũng tuyên truyền “trong hôn nhân, tình yêu sẽ chuyển thành tình thương, thành cái ân cái nghĩa và đó mới là thứ tình cảm bền vững ràng buộc hai con người”. Cho đến bây giờ tôi vẫn hết sức đồng ý với suy nghĩ này bởi chẳng ai có thể say mê đắm đuối ai mãi được. Cuộc đời còn biết bao điều phải lo nghĩ nữa như con cái, bố mẹ, họ hàng, nhà cửa, đất đai… Chúng hữu hình và cụ thể hơn rất nhiều. Tôi cũng tin tình thương đôi khi có sức mạnh hơn tình yêu, đủ lớn để hi sinh, để che chở và bao dung. Tuy nhiên, khi nhìn lại châm ngôn kia và cả sự đồng thuận của không ít người vợ, tôi lại không nghĩ đó là bước chuyển hóa của tình yêu nữa. Mà ngược lại, có vẻ như đàn ông thì bước vào phân tầng thỏa mãn “trái tim nhiều ngăn” còn phụ nữ thỏa hiệp để được yên ổn.
Sự đáng sợ của ký ức
Tôi có đang quá khắt khe không? Khi đọc đến đây, có lẽ bạn sẽ chép miệng “chỉ là một lời nói nơi bàn nhậu thôi mà!”. Tôi cũng hi vọng vậy cho đến lúc nói chuyện với một người đàn ông “đang tỉnh táo” bên bàn cà phê. Anh ấy là người chồng, người cha khá mẫu mực, lo lắng hết lòng cho tổ ấm của mình. Trong mắt mọi người, vợ và con luôn là tâm điểm của đời anh. Nhưng tôi lại là một trong số ít người được biết anh còn có những mối quan tâm “ngoài luồng” khác nữa cũng thiết tha đắm đuối vô cùng. Anh bảo “mình không cảm thấy cắn rứt gì vì với ai anh cũng tận tụy. Phụ nữ rốt cuộc là cần gì? Cần một người che chở, có trách nhiệm, luôn sẵn sàng bảo vệ. Anh cung cấp chu toàn. Có gì để trách anh nữa?”.
Sự thỏa hiệp vẫn luôn là một trong những thứ tạo nên tiền đề của hòa bình (Ảnh minh họa)
Vậy đấy, đàn ông thật quá thông minh trong “trận chiến cảm xúc” này. Họ mang đến cho phụ nữ những điều mà phụ nữ luôn hướng đến, luôn khát khao rồi xây dựng chúng thành thói quen, thành niềm tin. Họ cũng hiểu điểm yếu của phụ nữ là yếu đuối, là sợ thay đổi, sợ chông chênh. Có những người vợ, người mẹ trong lúc bình thản có thể mạnh dạn tuyên bố rằng mình không chấp nhận thứ tình yêu 90%, họ sẽ bỏ đi, sẽ tìm đến nơi mà ở đó họ được trọn vẹn. Lý thuyết hiển nhiên tuyệt vời và có phần… duy mĩ. Nhưng thực tế lại khác, nhất là khi chồng của họ đã từng “đóng vai” của mình hoàn hảo. Kí ức là thứ vừa đẹp vừa đáng sợ bởi lúc xuất hiện chúng ta đã buộc một sợi dây vô hình vào trái tim của mỗi người phụ nữ rồi.
Sự thỏa hiệp vẫn luôn là một trong những thứ tạo nên tiền đề của hòa bình. Đàn ông cũng biết thỏa hiệp chứ, tôi không phủ nhận, nhưng thật thà mà nói xét về xác suất thống kê, có lẽ phụ nữ sẽ thỏa hiệp nhiều hơn. Đàn ông khi đọc sẽ hỏi “tôi dựa vào đâu mà dám khẳng định thế?” (phụ nữ thì không hỏi rồi, chắc chắn!). Đúng là chẳng có nghiên cứu khoa học hay bất kì cuộc trưng cầu dân ý nào về vấn đề này cả. Nhưng đàn ông khi không hài lòng, họ rất biết hướng mình đến những điều khác khiến họ hài lòng còn phụ nữ thì bị bí bách trì trệ ở nguyên tại chỗ và học cách quen với điều khiến mình “không thỏa mãn” đấy. Phụ nữ rất biết cách “chấp nhận” cái không tốt trong khi đàn ông lại giỏi đi tìm những cái tốt hơn, dễ chịu hơn, hay thậm chí là “khác lạ hơn”, và đó là cách mà đàn ông gọi là “thỏa hiệp”.
Các ông chồng sẽ không bỏ vợ theo người tình. Đó là chân lý. Bạn có biết tại sao không? Vì họ tự tin vào khả năng duy trì hiện tại “não trái, não phải” của mình, tự tin ngay cả khi đổ vỡ, vợ cùng lắm từ nay mất lòng tin thôi chứ không đành lòng mà cắt đứt và vợ là nhà. Nhà thì dù gì cũng kiên cố hơn là các cô nhân tình bé nhỏ, cho dù đôi khi các cô có là “resort 5 sao” thì cũng mang tính du lịch mà thôi. À đấy, phụ nữ cũng biết vậy nên các cô vợ luôn nghĩ “kiểu gì chồng mình cũng về”. Nhất là vợ đã có thêm con thì lại càng nghĩ thế, hoặc là “thôi có con là được”. Nếu bạn đang làm vợ, bạn có buồn không? Chứ tôi, với vị thế của một người chưa chồng thì… buồn lắm!
Nhưng thực ra tôi không viết bài này để trách móc các ông chồng ích kỷ hay là chê các chị vợ quên mất cách yêu chính mình. Nó giống như sự phát triển bình thường của cuộc sống và mỗi người đều tự lựa chọn con đường của riêng mình. Nó giống như sự phát triển bình thường của cuộc sống và mỗi người đều tự lựa chọn con đường của riêng mình. Nếu bạn cho rằng điều đó là tốt nhất cho… mọi bên thì đó là quyết định của bạn bởi không ai phán xét được, một mình bạn phải sống và có trách nhiệm với nó thôi. Khi bạn không thể thương chính bản thân, còn ai có thể làm được nữa? Tôi vẫn tin hôn nhân không phải lúc nào cũng đầy rẫy những chuyện tiêu cực, hôn nhân cũng là sự tiến lên cùng nhau dựa trên những thỏa hiệp ngọt ngào. Ừ vẫn phải tin như thế, tin vào tương lai tích cực hơn vì chẳng phải đó là cách duy nhất để thấy mình cần phải sống đó sao? Còn bạn, bạn có tin không? Hay là đang quay sang nhìn người đàn ông của mình và hỏi “não trái, não phải của anh thuộc về ai” mất rồi?