"Học CNTT phải giỏi ngoại ngữ"
Ông Nguyễn Long – Tổng thư ký hội Tin học Việt Nam cho biết, sinh viên học CNTT nhất thiết phải giỏi ngoại ngữ
“Sự kết nối giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp ở Việt Nam gần như chưa có tiền lệ, theo tôi nếu không giải quyết được vấn đề này thì vẫn còn những chê trách từ phía đào tạo và phía tiếp nhận”. - Đó chính là ý kiến của Ông Nguyễn Long- Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam trong buổi giao lưu trực tuyến “Ngành khát nhân lực và lựa chọn nghề nghiệp” được tổ chức mới đây.
Tại buổi giao lưu, đại diện của Hội tin học Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Long đã trả lời nhiều thắc mắc liên quan đến xu hướng ngành Công nghệ thông tin cũng như cơ hội phát triển của ngành.
Em xin được hỏi là nhu cầu nhân lực của nước ta hiện nay trong lĩnh vực Công nghệ Thông Tin (CNTT), đặc biệt là trong ngành phát triển phần mềm hiện nay như thế nào?. Em xin cảm ơn.
(Nguyễn Anh Tiến, Tp.HCM)
Thạc sĩ Nguyễn Long: Ngành CNTT là một trong những ngành phát triển nhanh nhất trong các ngành kinh tế, ví dụ như : Sự phát triền của các công nghiệp phần mềm và các ngành các ngành viễn thông - internet trong 10 năm gần đây đã cho thấy nhu cầu nguồn nhân lực để đáp ứng cho sự phát triển này. Cách đây 5- 7 năm, có chưa đến 100 trường đại học và cao đẳng có đào tạo về CNTT thì đến nay đã có gần 300 trường có đào tạo chuyên ngành CNTT. Cả nước hiện nay có khoảng 300 ngàn người đang làm việc trong lĩnh vực CNTT và nhu cầu hiện nay có khoảng 50 – 60 ngàn người có nhu cầu tuyển dụng. Riêng đối với lĩnh vực phần mềm và dịch vụ xuất khẩu phần mềm thì nhu cầu nguồn lực hàng năm ngày càng tăng, ví dụ như FPT Softwave, nguồn nhân lực đã tăng 40% năm 2002 và vẫn tiếp tục gia tăng nguồn nhân lực ngành này. Trong ngành CNTT, không chỉ phần mềm còn có rất nhiều lĩnh vục như Công nghệ nội dung số và phát triển phần mềm di động, game, …đều là những lĩnh vực phát triển rất nhanh và có nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực.
Cháu xin được hỏi thị trường của ngành CNTT tại Việt Nam trong những năm qua có thay đổi ra sao? Và ngành nào của CNTT đang là hot nhất?
(Bàng Mạnh, Hà Nội)
Thị trường ngành CNTT thay đổi hàng năm. Nếu trước đây chúng ta chỉ biết về phần cứng, phần mềm và mạng máy tính thì ngày nay đã có nhiều lĩnh vực mới được mở rộng như tích hợp hệ thống, công nghệ di động, thương mại điện tử, game,… Và thị trường CNTT ngày càng mở rộng, doanh số của ngành CNTT tăng trung bình 20% hàng năm. Trong CNTT thì không có khái niệm ngành hot nhưng vì theo kiến thức và hiểu biết của từng người thi có thể lựa chọn những lĩnh vực công nghệ mới và đang phát triển gần đây như : điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu lớn, công nghệ di động … là những lĩnh vực đang được quan tâm hiện nay.
Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của ngành Công nghệ nội dung số tại Việt Nam hiện nay?
(Nguyễn Đình Tiệp, Hà Nội)
Công nghiệp nội dung số Việt Nam đang thay đổi và phát triển hàng ngày có tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm ước chừng từ 20 -30% . Hiện nay, có khoảng 70 ngàn người đang làm việc trong lĩnh vực này và công nghiệp nội dung số cũng mang lại hiệu quả cao trong các dịch vụ CNTT. Việt Nam có trên 30 triệu người dùng internet, các thiết bị di động kết nối wifi ngày càng phổ cập. Đấy chính là môi trường cho ngành công nghiệp nội dung số sẽ phát triển nóng trong vài năm tới.
Cho em được hỏi mức lương bình quân của ngành Công nghệ thông tin hiện nay như thế nào?
(Thế Hoàng, Đà Nẵng)
Từ 300 – 1000 USD, tùy năng lực và nhu cầu công việc.
Ông Long cho biết, sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT khi ra trường có thể kiếm được 300-1000USD/tháng
Theo ông, tại sao sinh viên đào tạo về ngành CNTT hàng năm tốt nghiệp ra trường tại Việt Nam nhiều nhưng các doanh nghiệp CNTT tại Việt Nam vẫn lên tiếng về việc khan hiếm nhân lực?
(Hoàng Lâm, Tp.HCM)
Số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm khoảng 15 ngàn người. Với số lượng có nhiều nhưng chất lượng thì chưa đồng đều. Các doanh nghiệp CNTT lên tiếng về việc khan hiếm nguồn nhân lực theo nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là kỹ năng của người được đào tạo chưa phù hợp với định hướng kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp nào muốn có nguồn lực đào tạo sử dụng được ngay thì hãy kết hợp với nơi đào tạo. Sự kết nối giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp ở Việt Nam gần như chưa có tiền lệ, theo tôi nếu không giải quyết được vấn đề này thì vẫn còn những chê trách từ phía đào tạo và phía tiếp nhận.
Theo ông những người theo học CNTT đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp hiện nay thì cần hội tụ những tố chất gì? Vấn đề ngoại ngữ khi theo học CNTT có phải là nhiệm vụ hàng đầu?
(Ngọc Hải, TpHCM)
Ngoài những kiến thức chuyên môn được đào tạo trong nhà trường, những người theo học CNTT cần phải có thêm những kiến thức về kỹ năng mềm, tính hoàn thiện, cung cách làm việc theo nhóm và nhất là phải có ngoại ngữ. Vì vậy, có một lời khuyên cho các bạn, học CNTT nên coi ngoại ngữ là chìa khóa để lập nghiệp.
Hiện nay, tại Việt Nam có một số trung tâm đào tạo mở ra các ngành học rất mới như Hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D, Lập trình Game,…. Ông đánh giá thế nào về các ngành mới này?
(Phạm Hưng, Tp.HCM)
Đây là các xu thế công nghệ rất phù hợp với giới trẻ CNTT ngày nay, nếu có điều kiện các bạn hãy đăng ký để tiếp cận với những ngành mới này.
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho chính doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT, không ít các doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo, ông đánh giá thế nào về hướng đi này của các doanh nghiệp?
(Đỗ Cường, Tây Ninh)
Xu hướng doanh nghiệp kết hợp với cơ sở đào tạo tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo là xu hướng phổ biến trên thế giới và chắc chắn sẽ phổ biến ở Việt Nam. Nếu quy trình đào tạo CNTT ở Việt Nam mở không gò bó theo giáo trình thì chắc chắn hướng kết hợp với doanh nghiệp vào quá trình đào tạo sẽ phát triển mạnh mẽ và đáp ứng được luôn nhu cầu tuyển dụng nguồn lực cho doanh nghiệp.