Gánh nợ vì chuyển khoản không kiểm soát

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Mới nhận 20 triệu tiền lương nửa tháng trước, khi kiểm tra tài khoản Thanh Huyền giật mình thấy còn hơn một triệu đồng.

Cô gái 27 tuổi ở quận 3, TP HCM tả cảm giác này "như bị mất trộm" bởi không nghĩ mình có thể tiêu gần hết lương chỉ trong nửa tháng. Tra cứu giao dịch, Huyền phát hiện đã thực hiện hơn 100 lệnh mua quần áo, giày dép, đồ ăn, mỹ phẩm, vé máy bay và thuê khách sạn cho chuyến du lịch sắp tới. Không ít giao dịch được cô "chốt đơn" lúc rạng sáng khi đang lướt mạng xã hội.

Thói quen không mang tiền mặt trong người của nữ nhân viên văn phòng có khoảng ba năm nay, khi các ứng dụng chuyển khoản, quét mã QR hoặc thanh toán qua ví điện tử trở nên phổ biến. Mọi chi tiêu của Huyền đều diễn ra trên chiếc điện thoại.

Nhưng cũng từ đó, cô gái từng chỉ tiêu 10 triệu đồng mỗi tháng, nay thường xuyên lâm cảnh chưa hết tháng đã hết tiền.

"Cứ tưởng mắt không thấy, tay không tiêu nhưng hóa ra còn chi nhiều hơn do ở đâu cũng có máy quẹt thẻ hoặc cho chuyển khoản", Huyền nói.

Thanh Huyền đang quét mã QR code trong lần đi mua quần áo tại TP HCM, đầu tháng 3/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thanh Huyền đang quét mã QR code trong lần đi mua quần áo tại TP HCM, đầu tháng 3/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hai năm trước, Bảo Châu, 40 tuổi, ở Hải Phòng vẫn dùng tiền mặt. Mỗi tháng lĩnh lương, bà mẹ một con đều chia các khoản cần chi, số còn lại sẽ tiết kiệm.

Nhưng từ khi nhận lương qua tài khoản ngân hàng, Châu bắt đầu chuộng thanh toán trực tuyến khiến kế hoạch chi tiêu khoa học phá sản. Tổng tiền lương 30 triệu đồng mỗi tháng của hai vợ chồng từng có thể tiết kiệm gần 50%, nhưng giờ tháng nào tiêu hết tháng đó. Từ hóa đơn điện, nước, thanh toán học phí cho con, mua quần áo, đồ ăn, thậm chí cho bạn bè vay tiền đều được chị chuyển khoản.

"Trước đây mỗi khi quyết định mua đồ gì tôi cũng toán xem trong ví còn bao nhiêu, cân nhắc nên mua hay không, bản thân cũng có cảm giác xót xa khi thấy tiền trong ví vơi dần. Còn nay cứ thích là quét mã QR hoặc quẹt thẻ, vài lần máy báo không thực hiện được giao dịch mới phát hiện tài khoản hết tiền", chị Châu nói.

Hiện tượng này được PGS.TS Đỗ Minh Cương, nguyên giảng viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, gọi là Cashless Effect (hiệu ứng không tiền mặt) - chỉ những người có xu hướng chi tiêu nhiều hơn khi không dùng tiền mặt.

Theo trang tài chính Nerd Wallet (Mỹ) tiền mặt là một tờ giấy hữu hình có giá trị gắn liền. Khi chi tiêu, việc tờ tiền biến mất khỏi ví dễ xuất hiện "nỗi đau tiêu tiền" (pain of payment). Nhưng với thẻ hoặc thanh toán online, các giao dịch hoặc thông báo trừ tiền không khiến người tiêu dùng cảm thấy bận tâm và tiếp tục tiêu dùng quá độ.

Nghiên cứu thị trường của Dun&Bradstre năm 2023 cũng phát hiện con người có xu hướng tiêu nhiều hơn 12-18% khi sử dụng thẻ thay tiền mặt.

Ông Cương cho rằng tiến bộ về công nghệ số và chuyển tiền nhanh chóng khiến nhiều người chuộng sử dụng thanh toán không tiền mặt. Đây cũng là xu hướng của các nước phát triển, mong muốn áp dụng công nghệ khiến cuộc sống thoải mái, thuận tiện hơn.

Nghiên cứu về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng năm 2023 do Visa mới công bố cho thấy thời gian trung bình người Việt không chi tiêu tiền mặt là 11 ngày liên tiếp trong tháng, tăng gần bốn lần so với 2022. 56% người được khảo sát nói mang ít tiền mặt hơn, khiến họ không giữ tiền trong ví và tiêu ít tiền mặt hơn. Cũng theo số liệu của Visa, 62% người được hỏi dùng thanh toán QR. Trung bình người Việt quét mã hơn 16 lần một tháng, cao hơn 12-13 lần khi dùng thẻ ngân hàng.

Đáng chú ý, Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về thanh toán không dùng tiền mặt với 88% người từng sử dụng; và thuộc top đầu các nước tăng trưởng về ví điện tử mới.

Số liệu của FiinGroup cho thấy cứ 5 người thì ít nhất 4 người dùng ví điện tử thường xuyên, phần lớn là người trẻ (sinh từ năm 1981 đến năm 1996) và khách hạng sang. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết đến hết tháng 1/2024, cả nước có gần 21.000 máy ATM rút tiền, giảm gần 2% so với cùng kỳ 2023. Hiện tượng quá tải tại các cây ATM vào dịp lễ, Tết không còn diễn ra.

Một khách hàng sau quét mã QR code tại một quán cà phê tại quận Thanh Xuân, Hà Nội được nhân viên chụp lại biên lai giao dịch, tháng 4/2024. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Một khách hàng sau quét mã QR code tại một quán cà phê tại quận Thanh Xuân, Hà Nội được nhân viên chụp lại biên lai giao dịch, tháng 4/2024. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

"Tuy nhiên mọi vấn đề đều có hai mặt. Thanh toán trực tuyến nhanh chóng, thuận tiện nhưng vẫn tồn tại nhiều rủi ro như dễ bị lạm chi, rơi vào cảnh nợ nần nếu không quản lý tài chính thông minh", ông Cương nói.

Với Thanh Huyền, liên kết quá nhiều ví điện tử và mua hàng không kiểm soát khiến cô luôn sống trong cảnh nợ nần, nhiều lần phải xin tiền bố mẹ hoặc vay bạn bè để sống hết tháng. Cô cho biết từng thử quay lại dùng tiền mặt để quản lý chi tiêu, nhưng khó khăn trong việc tìm ATM rút tiền, lo bị mất khiến Huyền sớm từ bỏ.

"Công nghệ hiện đại giúp mua sắm thuận tiện nhưng cũng khó tiết kiệm hơn. Dù cầm tiền mặt hay để tiền trong thẻ, tôi cũng dễ dàng lấy ra và tiêu hết", Huyền nói.

Ngoài tiêu tiền bằng chuyển khoản, chị Bảo Châu còn sử dụng thẻ tín dụng để phục vụ sở thích mua sắm. Nhưng không hiểu rõ các yêu cầu sử dụng thẻ, chậm thanh toán dư nợ khiến số tiền lãi của chị ngày càng lớn. Có thời điểm do không kiểm soát chi tiêu chị phải nộp đến 20 triệu tiền phạt.

Ngoài lạm chi, PGS.TS Đỗ Minh Cương cũng cảnh báo việc lệ thuộc vào các giao dịch chuyển khoản, thanh toán trực tuyến còn khiến nhiều người phải đối mặt với tình trạng chuyển tiền sai địa chỉ, bấm sai số hoặc trở thành nạn nhân của các vụ chiếm đoạt tài sản do truy cập vào đường link lạ chứa mã độc.

Từ ngày chuyển sang thanh toán trực tuyến, chị Mai Anh ở quận Thanh Xuân, Hà Nội không ít lần mất tiền, lần nhiều nhất bấm số 200.000 đồng thành 20 triệu đồng.

Các chuyên gia khuyên cá nhân nên quản lý tiền theo quy tắc 50-30-20, tức là 50% tiền lương dành cho nhu cầu thiết yếu, 30% chi tiêu linh hoạt, 20% tiết kiệm và đầu tư. Các khoản này cần được để riêng, tránh gộp chung.

"Tuy nhiên một số giải pháp cực đoan như dùng tiền mặt hoặc chia nhỏ tiền ra nhiều thẻ cũng không nên khuyến khích, bởi càng có nhiều thẻ càng tiêu nhiều, thậm chí với những người dùng thẻ tín dụng có thể gánh nợ khi không chi trả đúng kỳ hạn", ông Cương nói.

Chuyên gia cũng cho biết tốt nhất là trước khi sử dụng thẻ ngân hàng mỗi cá nhân phải hiểu rõ về tính năng, công dụng của từng loại. Hãy khiến các tiến bộ khoa học phục vụ cuộc sống thay vì để bản thân "gánh nợ".

Thế Anh, 30 tuổi ở TP HCM từng rơi vào cảnh nợ nần do dùng thẻ thanh toán cho mọi hoạt động. Nhưng hiện nay, anh bắt đầu thử các biện pháp kiểm soát chi tiêu, mong có thêm khoản tích lũy để có thể mua nhà trước tuổi 35.

Mỗi lần nhận lương, Thế Anh đều cất riêng các khoản. Riêng 30% phục vụ nhu cầu sinh hoạt anh giữ trong thẻ và chỉ chi tiêu trong khoản cho phép.

"Cách thức này giúp tôi biết kiểm soát nguồn tiền hiệu quả, tiêu hết số tiền đó sẽ biết phải dừng thay vì mua bán vô tội vạ", Thế Anh nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Sau 4 năm tiết kiệm, cô gái trẻ đã có đủ khoản tiền 100 triệu won (khoảng 1,8 tỷ đồng) để mua nhà dù thu nhập chỉ ở mức trung bình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Nguyễn ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN