Xem xả súng: Người Việt rất khác người Tây

Khi thấy sự cố bất thường, nguy hiểm như đánh nhau, xả súng... người phương Tây thường tìm ngay nơi trú ẩn, nhưng một số người Việt lại đứng xem.

Tại Bình Thuận vừa xảy ra vụ giang hồ nổ súng chống đối cảnh sát. Công an tỉnh Bình Thuận đã phải huy động lực lượng đông đảo để trấn áp đối tượng. Trong khi lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, nhiều người dân đã bất chấp nguy hiểm kéo đến quanh ngôi nhà theo dõi với niềm thích thú.

Xem xả súng: Người Việt rất khác người Tây - 1

Rất đông người dân bất chấp nguy hiểm ùa vào xem vụ đấu súng (ảnh cắt từ video)

Tâm lý đám đông rất mạnh

Nhà xã hội học Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển nhận định hành động “xem xả súng” xuất phát từ tính hiếu kỳ, tò mò của người Việt.

Đó là ảnh hưởng văn hoá, truyền thống lâu đời. Thường những người sống trong khuôn viên làng xã thích bàn chuyện xảy ra xung quanh họ. Đặc biệt nhất là lúc xảy ra biến cố thì người đến xem, bàn luận càng đông.

Một số người ngộ nhận, tự hào rằng được chứng kiến tận mắt vụ việc để kể cho người khác nghe. Thực tế, từ một vụ va chạm nhỏ trên đường, đánh cãi nhau, người ta cũng quây kín xung quanh. Tâm lý đám đông của người Việt rất mạnh, một người dừng lại kéo theo nhiều người khác cũng dừng lại xem.

Ông Linh chia sẻ: “Người Việt Nam có tính hiếu kỳ và tò mò cao hơn so với các dân tộc khác trên thế giới. Người dân nước phương Tây khi gặp sự cố trên đường họ chỉ nhìn thoáng qua rồi đi. Khi họ thấy sự cố bất thường, nguy hiểm như đánh nhau, xả súng... họ thường tìm ngay nơi trú ẩn”.

Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển, trong một chuyên án, lực lượng chức năng luôn lập trình từng đường đi, nước bước để phá án.

Tuy nhiên, họ lại gặp sự cố từ người dân đứng xem quá đông khiến họ không thể định hình, lường trước những bất ngờ. Người dân có thể vô tình gây cản trở cảnh sát thi hành công vụ, khiến tội phạm chạy thoát. Thậm chí tội phạm có thể gây thương vong cho những người đứng xem.

Thạc sỹ tâm lý Bùi Hồng Quân, hiện đang công tác ở Sở Lao động – Thuơng binh – Xã hội TP. HCM cho rằng, tò mò là đặc tính của mỗi người nhất là trước những chuyện mới lạ.

Ông nói: “Tuy nhiên, sẽ là bình thường nếu sự tò mò đó không ảnh hưởng tới người khác, còn nếu vì tò mò mà bất chấp sự an nguy của bản thân, các nguyên tắc, nguyên lý sống như trên thì không ổn”.

Còn theo PGS.TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, tính hiếu kỳ xuất phát từ sự tò mò của nhận thức và lôi kéo của đám đông. Đó là hiện tượng tâm lý rất tự nhiên của con người. Nhưng khi mỗi người bị lôi cuốn vào một sự việc không liên quan, có thể gây nguy hiểm cho bản thân thì nên tránh xa.

“Khó có thể nói đó là tâm lý của tất cả nhưng rõ ràng đây là thói quen của nhiều người Việt. Thiếu kiểm soát, mong muốn thoả mãn tính hiếu kỳ của bản thân, thêm vào đó là áp lực đám đông đã khiến họ có hành vi như vậy”, ông Sơn nói.

“Có thể nguy hại cho bản thân”

Ông Sơn phân tích trường hợp người dân đứng xem xả súng, hậu quả nhẹ nhàng dễ thấy là mất thời gian, căng thẳng tâm lý. Rủi hơn hành động đó có thể nguy hại cho bản thân, thậm chí mất mạng.

Chuyên gia tâm lý học Huỳnh Văn Sơn cho rằng chính sự tự ý thức của con người mới đủ mạnh để kiểm soát hành vi và bảo vệ an toàn cho mình. Bên cạnh đó mỗi người cũng cần rèn luyện bản lĩnh ứng xử trước áp lực đám đông.

Thạc sỹ tâm lý Bùi Hồng Quân nhận định, về bản chất, thế giới cũng tò mò như người Việt ta, nhưng họ chỉ tò mò với những khám phá mới mang tính tích cực là chủ yếu còn với những chuyện tiêu cực, cách hành xử của họ có sự khác biệt khá lớn với chúng ta.

Ví dụ, trước một vụ ẩu đả, ở ta người dân chỉ đứng xem rồi bình luận. Người nước ngoài, họ báo cảnh sát hoặc tìm nơi ẩn náu an toàn.

“Tôi thật sự buồn khi ngày nay, với một số cá nhân, tình người đã trở thành khái niệm hết sức xa lạ. Không ít người đang sống theo kiểu chỉ lo cho quyền lợi của mình mà không quan tâm tới cộng đồng” - ông Quân bày tỏ.

Nhà tâm lý Bùi Hồng Quân cho rằng, nếu thấy người khác đang thật sự cần sự giúp đỡ mà mình không giúp lại là hành vi đáng lên án. Nếu không thể giúp họ, ta cũng có thể kêu gọi sự giúp đỡ của người khác thay vì lờ đi như không có chuyện gì xảy ra.

Video người dân tập trung xem vụ đấu súng:

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo T. Định - H.Anh - M.Quân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN