Vụ “tra tấn” học sinh: Roi mây nên người

Vụ việc “tra tấn” học sinh ở Thái Nguyên làm tôi bất chợt nhớ về những kỷ niệm không bao giờ quên của thời đi học. Không thuộc bài, chúng tôi thường xuyên phải nếm roi mây, nhưng mặc nhiên không bao giờ oán hận thầy cô mà xem đó như sự quan tâm đặc biệt.

Tôi năm nay hơn 50 tuổi, trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Tôi nhận thấy sự khác biệt quá lớn trong cách ứng xử của học sinh đối với thầy cô và cách giảng dạy của thầy cô đối với học sinh ngày nay so với thế hệ chúng tôi.

Chuyện roi mây xưa và đạo đức học sinh hôm nay

Thời chúng tôi cắp sách đến trường, tất cả học sinh đều kính trọng thầy cô, luôn khoanh tay lễ độ và cúi đầu chịu sự giáo huấn, rèn dạy của thầy cô. Gặp giáo viên ở bất cứ nơi đâu, kể cả không phải giáo viên đứng lớp trực tiếp của mình, đều khoanh tay chào thưa thầy cô lễ phép.

Khi chúng tôi lầm lỗi, không thuộc bài hay nghịch ngợm trong lớp, bị thầy cô bắt phạt thì quỳ gối trước lớp, giơ tay để nhận cái thước kẻ hoặc cái vụt bằng roi mây. Mặc nhiên không học trò nào oán hận hay hờn trách thầy cô mình mà ngược lại xem đó như là một sự quan tâm đặc biệt thầy cô dành cho mình. Bởi cốt lõi thầy cô cũng chỉ muốn cho chúng tôi rèn luyện bản thân, chú tâm vào học hành để nên người.

Chúng tôi -những thế hệ đi trước- luôn luôn nhớ ơn thầy cô đã dạy mình nên người và "cách làm người" thành đạt.

Vụ “tra tấn” học sinh: Roi mây nên người - 1

Thầy đồ xưa luôn sẵn roi mây trong tay

Xã hội tiến bộ, trăm thứ văn minh du nhập vào nước ta, có những thứ văn minh rất cần học hỏi nhưng cũng có những thứ văn minh ngoại lai không thích hợp đối với văn hóa Á Đông truyền thống.

Học sinh thời nay có bộ phận xem thầy cô của mình như ngang hàng. Họ cho rằng: Tôi bỏ tiền ra, mấy “ông, bà” phải bán kiến thức cho tôi, thích thì học, không thích thì thôi. Nếu "chơi" không đẹp thì hãy coi chừng.

Biết bao vụ án học sinh đánh vào mặt thầy cô và đau lòng hơn còn có sự tiếp tay của những bậc phụ huynh “đáng kính”. Đôi khi chính phụ huynh không biết đâu là sai trái, lại bênh vực, bao che lầm lỗi cho con mình. Khi con em mình lớn lên, gây ra những tệ nạn nhức nhối cho xã hội, lừa gạt cha mẹ, coi thường thầy cô.

Nhiều học sinh bỏ học đeo bám game online, thể hiện đẳng cấp bằng… tụ tập sống “bầy đàn” ma túy, hút chích và coi trời bằng vung. Khi không có tiền thì túng quẫn lừa gạt cả thầy cô, cha mẹ và gây ra những việc nhức nhối cho xã hội.

Lối sống thực dụng từ môi trường giáo dục

Đời sống kinh tế khó khăn, đồng lương giáo viên chật hẹp đã phát sinh nhiều tiêu cực. Có giáo viên truyền đạt kiến thức cho thế hệ đi sau không bằng trách nhiệm, bằng lương tâm mà bằng… tiền. Nhiều trường hợp trù dập, đối xử không công bằng với học sinh.

Vụ “tra tấn” học sinh: Roi mây nên người - 2

Học sinh ngày nay với lớp học văn minh, cơ sở vật chất hiện đại (Nguồn Thanh niên)

Học sinh muốn đạt điểm cao phải đi học thêm nhà thầy cô, phải “quan tâm” đặc biệt đến thầy cô. Đại gia dùng tiền bạc để mua chuộc kết quả mà không biết thực chất con em mình có thu nhận được kiến thức gì hay không. Nhà trường bầu chọn những “mạnh thường quân” giàu có vào vị thế trong Hội phụ huynh học sinh, ra sức kêu gọi ủng hộ trăm thứ quỹ. Bao nhiêu gia đình muốn cho con cái chữ mà phải lao động cật lực, chạy theo những “đóng góp xã hội”. Chỉ có học sinh nghèo là bị bỏ lơ.

Thực dụng - đa đoan từ chính môi trường giáo dục. Chúng ta luôn ra rả nói rằng đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp, tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên ngày càng tăng lên. Nhưng không ai suy luận ra rằng xã hội đang ngập trong tư tưởng thực dụng. Thế hệ học sinh bây giờ chỉ nghĩ đến thi ngành gì sau này đem lại nhiều thu nhập cao. Có mấy ai nghĩ được học để thu nhận kiến thức, phát minh, chế tạo ra công cụ giúp ích cho đời? Bởi đó, tư tưởng thực dụng đã sinh ra từ ngay chính ngôi trường- nơi ươm mầm nhân cách.

Hiện tượng tra tấn học sinh ở Thái nguyên làm tôi bất chợt nhớ về kỷ niệm không bao giờ quên với các thầy cô thời đi học. Nhờ vậy tôi đã thành người như hôm nay. Ôi thầy cô kính yêu của tôi nay còn được mấy người?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Độc giả Trần Minh (tranminh.ag.vn@gmail.com)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN