Vụ nổ nhà 11 người chết: Ai bồi thường?

Vụ nổ kinh hoàng ở hẻm 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (P.8, Q.3, TPHCM) rạng sáng 24/2 vừa qua đã làm hủy hoại toàn bộ tài sản của gia đình các nạn nhân.

Do không có bảo hiểm cháy nổ nên các gia đình nạn nhân đành phải gánh trọn những hậu quả do vụ nổ gây ra. Vì người được xác định ban đầu là gây ra vụ nổ cũng tử vong và tài sản cũng thiệt hại nặng nề nên chuyện bồi thường là không khả thi.

Không ai mua

Hiện nay, bảo hiểm trong lĩnh vực cháy nổ có hai hình thức: bắt buộc và tự nguyện. Dạng bắt buộc chỉ áp dụng đối với các cơ sở được xác định là có nguy hiểm về chất nổ như: nhà máy, xí nghiệp, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, trụ sở làm việc, rạp hát, khách sạn... Và dù là bảo hiểm bắt buộc, nhưng theo trung tá Nguyễn Đức Vinh, Phó phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy Sở PCCC TP.HCM, các tổ chức trên chỉ mua bảo hiểm cho phần “khung” - tài sản cố định thuộc diện quản lý của cơ sở đó và bỏ lơ phần chi tiết (tài sản bên trong).

“Trước đây xảy ra một số vụ cháy chợ gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho tiểu thương. Khi chúng tôi tìm hiểu thì các tiểu thương tại khu vực xảy ra vụ cháy không tham gia bảo hiểm cháy nổ mà chỉ Ban quản lý chợ tham gia nên khi xảy ra thiệt hại, các tiểu thương phải tự gánh lấy toàn bộ thiệt mà không được đền bù”, trung tá Vinh cho biết. Kể cả trường hợp các chung cư cũng vậy, ban quản lý chỉ mua bảo hiểm cho phần khung của chung cư và khi xảy ra cháy nổ, người dân sống ở đó phải tự chịu thiệt hại về kinh tế.

Vụ nổ nhà 11 người chết: Ai bồi thường? - 1

Vụ cháy nổ được cho xuất phát từ việc tàng trữ vật liệu nổ tại nhà ông Lê Minh Phương…

Bảo hiểm bắt buộc đã vậy, bảo hiểm cháy nổ tự nguyện hầu như không người dân nào mua. “Chúng ta sử dụng xe gắn máy hàng ngày nhưng thử hỏi nếu Nhà nước không bắt buộc, có mấy ai mua bảo hiểm cho xe? Ngay cả những cái rất thiết thực, dễ thấy để đảm bảo quyền lợi cho chính người dân mà còn phải dùng biện pháp chế tài thì những vấn đề ít va chạm, như cháy nổ người dân ít quan tâm là điều dễ hiểu”, trung tá Vinh phân tích.

Giải thích về thói quen “không bảo hiểm” này, luật sư Nguyễn Thị Tuyết (Trưởng Văn phòng Luật sư Tri Pháp) cho rằng từ trước đến nay do đời sống của người dân Việt Nam còn khó khăn, chưa tích lũy nhiều nên họ ít quan tâm đến việc bản thân gia đình mình gặp phải những tai nạn rủi ro cháy nổ. Mặt khác, loại hình bảo hiểm này cũng mới mới xuất hiện vài năm trở lại đây nên người dân ít biết, ít quan tâm rồi công tác tuyên truyền về bảo hiểm cháy nổ của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực cháy nổ cũng chỉ hướng đến những tổ chức, doanh nghiệp, chưa chú trọng đến nhiều những hộ cá nhân. Phần nữa, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực cháy nổ hay bản thân các công ty bảo hiểm cũng cần tuyên truyền cho người dân thấy được lợi ích của việc tham gia bảo hiểm cháy nổ.

“Trần ai” khâu bồi thường

Không chỉ riêng vụ nổ gây thiệt hại nghiêm trọng vể người và tài sản tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TPHCM) vừa qua mà còn nhiều vụ cháy nổ khác đã đặt ra vấn đề: trách nhiệm giải quyết hậu quả trong đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những người bị liên đới ảnh hưởng đến vụ cháy nổ thuộc về ai?

Vụ nổ nhà 11 người chết: Ai bồi thường? - 2

… gây thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản

Theo luật sư Tuyết, luật quy định rõ trách nhiệm bồi thường trong những trường hợp trên thuộc về người gây ra nguyên nhân vụ cháy nổ. Khi hai bên (người xác định gây ra vụ cháy nổ và người bị thiệt hại trong vụ cháy nổ) không thỏa thuận bồi thường được thì có thể khởi kiện ra tòa để phân xử. “Nhưng người phải bồi thường không còn tài sản thì lấy gì mà họ bồi thường? Và những phiền phức về thời gian, kinh tế trong khi tiến hành khởi kiện đòi bồi thường. Chỉ còn cách người dân tự cứu mình, chủ động mua bảo hiểm cháy nổ để nếu khi xảy ra rủi ro cháy nổ, bị tổn thất nặng nề về kinh tế thì còn có các tổ chức bán bảo hiểm chia sẻ khó khăn”, bà Tuyết nhấn mạnh.

Theo quan điểm của đa số các luật sư, chuyên gia pháp luật, số tiền để mua bảo hiểm cháy nổ tự nguyện hiện nay là rất lớn so với lợi nhuận (lợi ích của công dân chưa có hiệu quả trước mắt). Mặt khác, khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra, để nhận được tiền bảo hiểm từ doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khá phức tạp, các doanh nghiệp hay tìm lý do để trì hoãn việc chi trả bảo hiểm. Có nhiều vụ phải kéo nhau ra tòa mà nhiều năm vẫn chưa xong.

“Để người dân đến bảo hiểm tự nguyện thì cần phải ban hành các quy định, quy tắc ứng xử một cách hài hòa lợi ích giữa người mua bảo hiểm và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, để khi có việc bảo hiểm xảy ra mà người mua bảo hiểm không phải chờ đợi các cơ quan có thẩm quyền phân định trách nhiệm, lỗi phải. Ví dụ doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải ứng một khoản tiền để khắc phục bồi thường ngay, phần còn lại sẽ tính toán sau”, luật sư Trần Văn Nam (Văn phòng luật sư Trần Nam) nói.

Ngày 26/2, Sở Xây dựng TP.HCM đã hoàn thành việc kiểm định vụ sập nhà do cháy nổ tại nhà ông Lê Minh Phương tại hẻm 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3, hôm 24/2. Kết quả, tại thời điểm kiểm tra, nhà số 384/7A, 384/9 đã sụp đổ hoàn toàn; nhà số 384/5, 384/7, 384/11, 384/35 bị ảnh hưởng với mức độ khác nhau. Sở Xây dựng kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý đối với từng trường hợp để bảo đảm an toàn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vũ Trọng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN