Vụ mẹ không cho đi học: Người chồng cũ lên tiếng
Anh Võ Quý H kể: “Mỗi lần tôi đến thăm con gái là mẹ nó không cho vào nhà. Tôi gửi cho cháu cái gì cô ấy cũng trả lại vì cho rằng tôi muốn đầu độc con…”.
Chỉ dám nhìn con qua khe cửa
Liên quan đến việc chị Trần Thị Hồng N. (SN 1973) ở tòa nhà chung cư NƠ1A, khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) không cho con gái Võ Thu H. (SN 2005) đi học, không tiếp xúc với mọi người đã nhiều năm nay, chúng tôi đã liên hệ với anh Võ Quý H. (SN 1970, bố cháu H.) để tìm hiểu sự việc.
Trò chuyện với chúng tôi, anh H. cho biết, anh và chị N. kết hôn năm 2004 nhưng sau 3 năm sống cùng nhau đã xảy ra một số mâu thuẫn nên hai vợ chồng đã ly hôn vào năm 2007. Tòa phân xử chị N. được quyền nuôi con.
Hiện tại, anh Võ Quý H. đang sống cùng gia đình ở phố Định Công Hạ (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Cao Tuân
“Khi hai vợ chồng lấy nhau, chúng tôi được bố mẹ vợ cho một mảnh đất ở khu đô thị Bắc Linh Đàm để xây nhà. Sau khi ra tòa được 1 tuần thì cô ấy bán nhà và ôm con bỏ sang chung cư ở bán đảo Linh Đàm sinh sống”, anh H. cho hay.
Anh H. cho biết thêm, rất khó để mọi người tiếp cận với chị N. bởi cô ấy luôn sợ mọi người hại con gái. Từ trước đến nay, N. không có tiền sử bệnh thần kinh.
Chia sẻ về việc con gái 11 tuổi nhưng chưa được đi học, anh H. chua chát kể: “Tôi cũng bất lực trước sự việc này. Mỗi lần đến gặp con, tôi đều phải nhìn qua khe cửa, cho con tiền hoặc đồ ăn đều bị N. trả lại vì cho rằng tôi đầu độc con”.
Chị N. không cho ai tiếp xúc với con gái mình, kể cả chính quyền địa phương.
Đã nhiều năm nay, gia đình hai bên nội, ngoại cùng chính quyền địa phương đều bất lực vì không thể nói chuyện được với N. và tiếp xúc với cháu H. “Tôi rất mong muốn chính quyền và các cơ quan chức năng có cách nào tách được con tôi ra khỏi mẹ, tôi sẽ đưa cháu về quê ở Nghệ An để cháu được ăn học như những đứa trẻ khác”, anh H. chia sẻ thêm.
Người thân mong muốn chị H. đi khám chữa bệnh
Cùng trao đổi với về sự việc trên, ông Trần Quang (SN 1959, anh trai chị N.) ở KĐT Dương Nội, Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Cách đây 4-5 năm, khi biết N. không cho con đi học, tôi và nhiều người thân trong gia đình đã đến khuyên bảo nhưng không có tác dụng. Sau đó, chúng tôi đã nhờ chính quyền địa phương can thiệp.
Chị N viết rất nhiều dòng chữ khó hiểu lên bức tường trước cửa phòng mình.
Thế nhưng, các cán bộ phường Hoàng Liệt và quận Hoàng Mai đến khuyên bảo, động viên với nhiều hình thức từ nhẹ nhàng, dỗ ngon dỗ ngọt đến mắng mỏ nhưng N. đều không nghe. Không ít lần N. còn mắng chửi mọi người rằng: Con tôi mặc kệ tôi”.
Cũng theo lời ông Quang, nếu chính quyền có biện pháp giúp đỡ đưa mẹ con N. đi chữa bệnh thì phía gia đình luôn ủng hộ. “Gia đình mong muốn chính quyền có phương án nào đó để đưa hai mẹ con đi chữa bệnh. Lúc đó cần chúng tôi có mặt để hỗ trợ tham gia gì thì mọi người luôn sẵn sàng”, ông Quang tâm sự.
Cháu H. đã 11 tuổi nhưng không được mẹ cháu cho đi học do luôn lo sợ có người hại con gái.
Chia sẻ về tình trạng bệnh của chị N., ông Quang không dám khẳng định chị N. bị bệnh tâm thần nhưng ông đoán em gái mình bị trầm cảm sau sinh còn cháu H. bị bệnh tự kỷ.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Tạ Văn Hải – Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai – Hà Nội) cho biết: “Trong thời gian tới, UBND phường sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động chị N. để chị đồng ý cho cháu H. đến trường. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, biểu hiện bất thường của chị N. để có biện pháp can thiệp kịp thời. Chính quyền địa phương cũng sẽ tổ chức các nhóm học sinh đến vui chơi giao lưu tại khu vực cửa nhà chị N nhằm khơi gợi sự giao lưu, ham muốn đến trường của cháu H. đồng thời làm thay đổi suy nghĩ của chị N”. |