Vụ đe dọa đại biểu Quốc hội đòi 100 triệu đồng: Nghi phạm đối mặt hình phạt nào?
Với hành vi nhắn tin đe dọa lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội yêu cầu đưa 100 triệu đồng, các nghi phạm sẽ đối mặt với hình phạt nào?
Có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản
Cục Cảnh sát Hình sự (C02), Bộ Công an đang điều tra làm rõ vụ nhắn tin đe dọa nhằm chiếm đoạt tài sản đối với lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội của một số địa phương xảy ra ngày 15 và 16/10/2018, ngày 20/10/2018.
Bộ Công an cho biết, cơ quan điều tra đã xác định được 3 đối tượng liên quan tới vụ việc trên gồm Trần Quang Nam (SN 1990, hộ khẩu ở Ninh Bình), Ngô Xuân Tùng (SN 1988, hộ khẩu ở Thái Nguyên) và Lê Văn Thành (SN 1988, hộ khẩu ở Quảng Ngãi), hiện 3 đối tượng đều trú tại TP.HCM.
Đối tượng Trần Quang Nam và đối tượng Ngô Xuân Tùng.
Trước đó, lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội một số địa phương nhận được tin nhắn đến điện thoại di động có nội dung đe dọa nhằm chiếm đoạt tiền.
Tin nhắn có nội dung: “Có người muốn lấy mạng ông với giá 100 triệu. Nếu ông đưa tôi 100 triệu, tôi sẽ gửi danh tính người muốn hại ông và bằng chứng cho ông. Tôi cho ông 03 ngày và số tài khoản này cho ông chuyển khoản vào, nếu ông chuyển tiền tôi sẽ đi khỏi đất này và giữ lời. Số tài khoản: 060195701256 mở tại Ngân hàng Sacombank”.
Tiếp nhận thông tin, Bộ Công an và Công an các tỉnh đã vào cuộc điều tra, làm rõ các đối tượng gây ra vụ việc là Tùng, Nam và Thành.
Theo Bộ Công an, cơ quan điều tra làm rõ, Nam là đối tượng đã bàn bạc với Tùng cùng thực hiện hành vi nhắn tin đe dọa đến hơn 100 người có tên trong quyển “Niên giám Quốc hội - Chính phủ khóa XIV, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2020” với mục đích chiếm đoạt tài sản.
Tùng thuê Thành mở tài khoản tại Ngân hàng Sacombank nhằm mục đích sử dụng tài khoản này để người bị hại chuyển tiền vào.
Liên quan tới vụ việc trên, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, với hành vi nhắn tin đe dọa, đòi 100 triệu đồng từ lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, các nghi phạm đối mặt với hình thức xử lý nào?
Trả lời thắc mắc của bạn đọc, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) và luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) đánh giá, hành vi của các đối tượng có dấu hiệu phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo điều 170, Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
“Tội cưỡng đoạt tài sản quy định, người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Đối chiếu lại với các hành vi khách quan các đối tượng trong vụ việc trên có thể thấy, các đối tượng đã đe dọa sẽ dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần các đại biểu quốc hội bằng cách cung cấp thông tin "có người muốn lấy mạng ông" kèm theo đề nghị chuyển 100 triệu đồng sẽ cung cấp danh tính, bằng chứng người chủ mưu.
Các đối tượng còn uy hiếp bị hại bằng việc giới khoảng thời gian 3 ngày phải chuyển 100 triệu đồng để chúng rời đi và có thể hiểu là không thực hiện việc "lấy mạng” nữa”, luật sư Tuấn Anh phân tích.
Chưa chiếm hữu tiền vẫn phải chịu tội
Các luật sư cũng đánh giá, việc các đối tượng nhắn tin đe dọa nhằm chiếm đoạt tiền đại biểu Quốc hội (người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước) là hành vi đặc biệt nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Theo các luật sư, trong trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ xác định, các đối tượng phạm tội cưỡng đoạt tài sản với các tình tiết tăng nặng như “có tổ chức”, “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” hay “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng” quy định ở khoản 2 thì khung hình phạt sẽ tăng lên 3 đến 10 năm tù.
Người phạm tội "Cưỡng đoạt tài sản" sẽ bị phạt 12-20 năm tù nếu thuộc trường hợp chiếm tài sản 500 triệu đồng trở lên.
Tang vật cơ quan điều tra thu giữ.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, các đối tượng nhắn tin đe dọa tới hơn 100 người. Nếu các tin nhắn được gửi với cùng nội dung đe dọa, đòi chiếm đoạt 100 triệu thì số tiền chiếm đoạt lớn hơn 500 triệu đồng.
Trong vụ việc này, các đối tượng nhắn tin đe dọa có thể chưa chiếm hữu tiền của nạn nhân nhưng hành vi tội phạm đã cấu thành. Tội phạm thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
Việc các nạn nhân chưa chuyển tiền và đối tượng chưa chiếm đoạt được tiền là vì đã bị cơ quan công an ngăn chặn kịp thời”, luật sư Tuấn Anh phân tích.
Sau khi hàng loạt lãnh đạo văn phòng các Đoàn Đại biểu Quốc hội của nhiều tỉnh trên cả nước phản ánh việc bị đối...