Viện phí mới: Người nghèo thêm gánh nặng

Viện phí mới áp dụng từ 1/8 khiến bệnh nhân hoang mang về mức tăng cho mỗi dịch vụ khám chữa bệnh. Với những nghèo, bệnh nặng, tăng viện phí chất thêm nỗi lo lên cuộc sống vốn khốn khó của họ.

Gánh nặng viện phí mới

Mới nghe tin tăng viện phí từ 1/8, chưa rõ mức tăng thực tế ra sao, nhưng nhiều bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện lớn của Hà Nội tỏ ra rất hoang mang lo lắng. Người bệnh từ những vùng quê xa lên Hà Nội chữa trị chủ yếu bệnh nặng, chi phí tốn kém, nay viện phí lại tăng cao khiến họ khó khăn trăm bề.

Chị Trần Thị Thùy, quê ở Sơn Tây, Hà Nội đang điều trị ung thư tuyến giáp tại BV K lo lắng: “Viện phí mới áp dụng thì người nghèo lĩnh đủ, nghèo lại bệnh nặng thì càng nghèo thêm. Tôi thấy, từ lúc có giá viện phí mới, các dịch vụ, công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện vẫn y như cũ”.

Chị Nguyễn Thị Lan, quê Thái Bình, đang điều trị ung thư vú tại BV K lo lắng: “Tôi lo là bệnh viện áp dụng mức viện phí mới nhưng chất lượng khám chữa bệnh còn tệ hơn lúc chưa tăng giá. Bệnh nhân ung thư nằm viện hầu hết là người nghèo vì điều trị ung thư vô cùng tốn kém".

Viện phí mới: Người nghèo thêm gánh nặng - 1

Viện phí tăng vẫn không đáp ứng đủ giường bệnh

Chị Phạm Thị Mây, quê ở Hưng Yên, đang điều trị tại Khoa Thận, BV Bạch Mai buồn rầu: “Mức viện phí mới được áp dụng, với những người không có thẻ BHYT như tôi thì khó kham nổi”.

Còn anh Phan Anh Tuấn, ở Hà Nội bức xúc: “Lúc viện phí chưa tăng, khi có bệnh còn chưa dám đi khám. Bây giờ Bộ Y tế lại cho tăng giá thì người nghèo lỡ có bệnh chắc phải nằm nhà chờ chết. Vốn dĩ làm ngày nào ăn ngày đó, không có tiền dư, mà để vào được bệnh viện phải đóng viện phí trước”.

Tăng viện phí, không cam kết tăng chất lượng

Mặc dù Bộ Y tế cam kết tăng chất lượng khám chữa bệnh sau khi áp dụng mức viện phí mới nhưng nhiều bệnh viện vẫn rất chừng mực khi nói về cam kết này.

Ông Lê Văn Quân, Phó Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết: "Đối với bệnh nhân có bảo hiểm y tế sẽ ít bị ảnh hưởng bởi viện phí tăng. BHYT sẽ thanh toán đầy đủ các chi phí của dịch vụ nên người bệnh chỉ phải chi trả các khoản từ 5% đến 20% chứ không phải thanh toán các khoản thiếu hụt mà bệnh viện bị “lỗ” do bảo hiểm không thanh toán như trước khi điều chỉnh giá”.

Tuy nhiên, với những người không có BHYT thì đương nhiên viện phí mới sẽ tạo thêm gánh nặng cho họ.

Giải thích việc tăng viện phí, ông Quân cho rằng: “Việc tăng viện phí mới là “tính đúng, thu đủ". Viện phí mới thay thế cho khung giá cũ quá lỗi thời, chứ không tạo thêm khoản dư cho bệnh viện. Trên thực tế, các bệnh viện muốn hoạt động tốt và nâng cao kỹ thuật, trang thiết bị buộc phải có các khoản thu từ bảo hiểm hoặc do người bệnh chi trả”.

Viện phí mới: Người nghèo thêm gánh nặng - 2

Thiếu ghế, bệnh nhân phải ngồi chờ khám tại sân bệnh viện

Theo khung giá mới, các dịch vụ khám chữa bệnh tại các BV tuyến trung ương sẽ điều chỉnh, bao gồm: Khung giá khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; khung giá giường bệnh…. Tuy nhiên, Ông Quân cho biết: "Hiện tại BV chỉ áp dụng cho khoảng 180 dịch vụ. Ngoài ra trong mức giá mới này còn có một số dịch vụ giá thấp hơn so với trước kia. Chẳng hạn siêu âm màu, chụp CT. Cụ thể xạ trị gia tốc theo bảng giá cũ thì người bệnh phải đóng 70.000 đ/trường chiếu. Tùy theo mức độ bệnh, một ngày có thể người bệnh phải chụp xạ trị 5-7 trường chiếu và phải đóng từ 300.000 đến 500.000 đồng/ngày. Tuy nhiên bảng giá mới xạ trị gia tốc được tính theo ngày với giá là 250.000 đồng/ngày, giảm đáng kể so với trước kia".

Tuy nhiên, viện phí mới được áp dụng từ 1/8 về cơ bản là tăng cao so với khung giá cũ, áp cho 447 dịch vụ y tế, chiếm khoảng 15% trong tổng số 3.000 dịch vụ y tế. Có 181 dịch vụ có mức tăng giá dưới 5 lần so với giá hiện hành, 94 dịch vụ tăng giá từ 5 lần trở lên, trong đó một số tăng giá 10 lần (công khám, giường bệnh điều trị), một số tăng tới 14 lần…

Theo Ông Quân: "Tại viện K diện tích chật hẹp nên tình trạng quá tải vẫn diễn ra. Một giường có thể có 2-3 bệnh nhân. Khoảng tháng 8, Viện K sẽ mở rộng khoảng 300 giường bệnh tại cơ sở 3 ở Tân Triều, Thanh Xuân, Hà Nội. Lúc đó, hy vọng bệnh nhân không phải nằm ghép".

Về chất lượng khám chữa bệnh, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, cho biết:"Hiện BV đang mở rộng từ 30 phòng khám lên 60 phòng, tăng cường giờ khám, cửa đón tiếp để khám hết bệnh nhân trong ngày. Thế nhưng sự thay đổi này của BV cũng chỉ giúp bệnh nhân thay vì phải chờ đợi 7-8 giờ mới được khám, xét nghiệm xong thì nay chỉ còn chờ khoảng 4-6 giờ". Ông Hiền cho rằng kể cả có tăng buồng khám, tăng cửa đón tiếp cũng khó đạt con số chuẩn 35 bệnh nhân/bàn khám/ngày.

Viện phí mới đã được các bệnh viện được áp dụng, nhưng nhiều lãnh đạo bệnh viện vẫn e dè khi nói về chất lượng khám chữa bệnh. Giá viện phí và chất lượng khám chữa bệnh phải chăng là hai phạm trù không song hành với nhau?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Trịnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN