Viện hàn lâm của VN: Chỉ là tên gọi?
Theo Nghị định 108 và 109/2012/NĐ - CP, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ chính thức hoạt động lần lượt vào ngày hôm nay (19/2) và 22/2/2013. Vậy việc đổi tên từ viện thành viện hàn lâm này có ý nghĩa như thế nào?
Chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS-TS Phạm Bích San - Phó Tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Ông có suy nghĩ gì về việc đổi tên hai viện khoa học thành viện hàn lâm?
Viện hay viện hàn lâm cũng chỉ là tên gọi mà thôi. Nếu tôi nhớ không nhầm, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã từng 4 lần đổi tên và lần này là lần thứ 5. Cùng với tên gọi là viện hàn lâm nhưng với mỗi nước có hình thức, nội dung khá khác nhau.
Về hình thức, có nơi, viện là cơ quan độc lập, có nơi trực thuộc trường đại học, thuộc tập đoàn kinh tế, thuộc nhà thờ...
Về nội dung, do yêu cầu đặt ra của mỗi nước là khác nhau nên yêu cầu của các viện cũng rất khác nhau. Với Liên Xô trước đây hay Pháp chẳng hạn, để trở thành viện sĩ của viện hàn lâm nào đó đòi hỏi phải đạt những tiêu chí rất cao. Nhưng ở một số nước, cũng là viện hàn lâm nhưng ai muốn tham gia chỉ cần nộp một số tiền nào đó là trở thành viện sĩ. Có nơi, cũng là viện hàn lâm nhưng tổ chức lại giống như một hội nào đó... Tôi thấm thía với câu châm ngôn của phương Tây: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”.
PGS-TS Phạm Bích San - Phó Tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Ảnh: V.H
Để nghiên cứu khoa học đạt hiệu quả cao nhất, theo ông chúng ta nên làm như thế nào?
Liên Xô trước đây từng tập trung đầu tư cho các viện nghiên cứu khoa học. Nhờ vậy, KHKT của Liên Xô đã có những bước tiến thần kỳ. Tuy nhiên, cách đầu tư này tạo sự tách bạch tương đối giữa nghiên cứu của các viện với giảng dạy ở các trường, cách làm này không có hiệu quả lâu dài. Do đó, ngay từ năm 49 của thế kỷ trước, Liên Xô đã phải tăng cường việc nghiên cứu khoa học cho các trường đại học, trong đó có việc đưa các GS đầu ngành về các trường đại học. Các GS cần sự phản biện, những câu hỏi của sinh viên, ngược lại, các sinh viên rất cần sự dìu dắt, chỉ lối của các GS đầu ngành.
Còn đa số các nước phát triển hiện nay thường gắn liền nghiên cứu khoa học với giảng dạy. Thông thường, ở các trường đại học có các viện nghiên cứu khoa học rất mạnh.
Còn với Việt Nam làm như thế nào để đạt hiệu quả cao tôi xin không đề cập, bởi phải có đầy đủ thông tin mới đề xuất được.
Theo ông, công tác nghiên cứu khoa học của chúng ta mắc nhất là ở đâu?
Theo tôi có hai vấn đề mấu chốt nhất. Điều kiện cần, phải có sự dân chủ trong nghiên cứu khoa học. Thí dụ, đó là quyền lựa chọn các đề tài nghiên cứu, không có vùng cấm trong khoa học... Chẳng hạn, mô hình các TCty nhà nước là đề tài hay hiện nay nhưng để nghiên cứu nó là khó bởi tiếp cận thông tin của nó là không dễ.
Điều kiện đủ, cần có cơ chế thị trường đủ mạnh. Cơ chế thị trường đề cập ở đây không hiểu thô thiển là những đồng tiền tạo ra được. Vấn đề là cơ chế thị trường mạnh mới tạo ra được áp lực cạnh tranh, sức ép với các nhà khoa học. Bởi nếu không, nhà khoa học cũng dễ bằng lòng với mình.
Mặt khác, cạnh tranh không chỉ là các phát minh, sáng chế, sản phẩm mới độc đáo mà cả các đề tài khoa học đăng tải trên các tạp chí nghiên cứu trong nước và quốc tế. Hiện tại, công luận đang đưa ra những con số so sánh về các nghiên cứu khoa học của ta được đăng tải trên các tạp chí có uy tín ở nước ngoài cho thấy, nghiên cứu khoa học của chúng ta đang đứng ở đâu mà ai cũng biết.
Cảm ơn ông!
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có chủ tịch và không quá 4 phó chủ tịch. Còn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam không có quá 3 phó chủ tịch. Chủ tịch của 2 viện này do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Các phó chủ tịch do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của chủ tịch viện. |