Vì sao xử lý nghi vấn GS Nguyễn Đức Tồn đạo văn rơi vào bế tắc?

Sự kiện: Tin nóng

GS Trần Ngọc Thêm đã gửi thư cho Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị sớm giải quyết nghi vấn đạo văn của GS Nguyễn Đức Tồn, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Hơn 2 tháng sau khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu làm rõ nghi vấn đạo văn của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Tồn – nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, đến nay vẫn chưa có thông tin kết luận về vụ việc.

Ngày 15.8, trao đổi với Dân Việt, Giáo sư Trần Ngọc Thêm – Chủ tịch Hội đồng chức danh GS Nhà nước ngành Ngôn ngữ học cho biết việc giải quyết vụ việc hiện không còn phụ thuộc vào Hội đồng ngành nữa.

“Cá nhân tôi và hầu hết thành viên trong Hội đồng đều muốn giải quyết rốt ráo việc này chứ không muốn đá quả bóng lên trên như nhiều ý kiến bình luận. Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp quy không có những hướng dẫn đầy đủ và chặt chẽ để giải quyết vấn đề này, cho nên dù muốn chúng tôi cũng không thể nào làm được” – GS Trần Ngọc Thêm cho biết.

Vì sao xử lý nghi vấn GS Nguyễn Đức Tồn đạo văn rơi vào bế tắc? - 1

Một trong những cuốn sách của GS Nguyễn Đức Tồn được cho là có đoạn sao chép của người khác

Cụ thể, theo GS Trần Ngọc Thêm, quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng chức danh giáo sư có quy định trách nhiệm của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước về việc hủy bỏ/tước bỏ công nhận chức danh GS/PGS. Khoản 1 điều 18 của Quy chế này quy định đối tượng bị hủy bỏ/tước bỏ công nhận chức danh là "những người đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư ... bị phát hiện và xác định không đủ tiêu chuẩn quy định tại thời điểm được phong hoặc công nhận. GS Thêm cho rằng quy định này là rất mơ hồ.

Việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS là trách nhiệm của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước. Nhưng sau khi một ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh thì người đó phải được một cơ sở đào tạo bổ nhiệm mới chính thức trở thành Giáo sư. Sau khi trở thành Giáo sư rồi, người đó sẽ thuộc quyền quản lý hành chính và nhân sự của cơ quan nơi người đó được bổ nhiệm.

"Tinh thần khoản 1 điều 18 kể trên có thể hiểu là sau khi một người đã được công nhận và bổ nhiệm chức danh Giáo sư rồi, thì Hội đồng chức danh Giáo sư sẽ thực hiện việc hủy bỏ/tước bỏ chức danh này nếu người đó "bị phát hiện và xác định" là không đủ tiêu chuẩn. "Bị" tức là do người khác, tổ chức khác; còn "xác định", chỉ có thể là cơ quan quarnl ý người đó về hành chính và nhân sự có thẩm quyền xác định không đủ tiêu chuẩn trước khi chuyển giao kết quả cho Hội đồng chức danh Giáo sư" - GS Trần Ngọc Thêm nói. 

Thêm nữa, đương sự bị tố đạo văn lại ngồi ngay trong Hội đồng xem xét vụ việc của chính mình với đầy đủ tư cách của một thành viên. Theo quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, chưa có quy định cụ thể với trường hợp nghi vấn đạo văn. "Do đó, không ai có quyền ngăn cản đương sự tham gia cuộc họp và bộc lộ quan điểm của mình. Mà suốt cuộc họp như vậy không thể nào đi đến kết quả được. Với tất cả khó khăn kể trên, chúng tôi đã gửi kiến nghị bằng văn bản lên Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước vào ngày 15.6 nhưng đến nay chưa có ý kiến phản hồi" - GS Thêm cho hay. 

Theo GS Trần Ngọc Thêm, sau đó cá nhân ông cũng đã gửi ý kiến đến Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị sớm giải quyết nhưng cũng chưa nhận được phản hồi.

Theo đề nghị của GS Trần Ngọc Thêm, để giải quyết việc này một cách khẩn trương và hợp lý, Bộ GDĐT nên có công văn gửi Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam để phối hợp xử lý nghi vấn đạo văn của GS Nguyễn Đức Tồn.

Khi đó, Viện Hàn lâm có thể chỉ đạo Viện Ngôn ngữ học – cơ quan trực tiếp quản lý ông Nguyễn Đức Tồn về mặt nhân sự sẽ thành lập Hội đồng để xem xét và giải quyết.

Sau khi có kết quả, Viện Ngôn ngữ học sẽ báo cáo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Bộ GDĐT, Hội đồng chức danh GS Nhà nước. Trên cơ sở đó, Hội đồng chức danh GS Nhà nước có thể xem xét việc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư với ông Nguyễn Đức Tồn hay không.

“Bằng chứng trong vụ việc này là khá rõ ràng, dư luận cả nước bức xúc; việc xử lý kéo dài đến nay chưa thấy có kết luận là điều rất bất lợi, gây nhiều ngờ vực, làm giảm sút lòng tin, nhất là trong bối cảnh vụ gian lận thi cử của học sinh phổ thông vừa qua” – GS Trần Ngọc Thêm cho biết.

Trong khi đó, trao đổi với PV, GS Trần Văn Nhung – Thư ký Hội đồng chức danh GS Nhà nước cho biết hiện Thanh tra Bộ GDĐT đang chủ trì xem xét vụ việc. “Nhưng chắc chưa thể làm ngay được vì phải làm chặt chẽ, trong công văn yêu cầu xử lý vụ việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng không giao thời hạn” – GS Trần Văn Nhung cho biết.  

Thời gian qua, trong khi chờ đợi Bộ GDĐT xác minh nghi vấn đạo văn của GS Nguyễn Đức Tồn, các chuyên gia trong ngành ngôn ngữ học tiếp tục phát hiện những bằng chứng được cho là “đạo văn” của vị GS này với nhiều người khác.

Theo đó, GS Nguyễn Đức Tồn bị tố đạo văn của 13 người với những mức độ khác nhau. Trên mạng xã hội, các nhà khoa học, chuyên gia ngành ngôn ngữ học đã bày tỏ sự khó hiểu khi việc xử lý liên tục bị kéo dài. 

“Thật không hay ho chút nào nếu vụ việc giáo sư Tồn bị tố đạo văn cứ lùng nhùng tháng này qua tháng khác, và cơ quan có trách nhiệm cứ đùn đẩy, hoặc làm ngơ, hoặc im lặng đến đáng sợ.

Nội tình của Viện Ngôn ngữ học đang gặp khó, khi vụ việc kéo dài càng là điều kiện lý tưởng để đương sự cố cùng kiện cáo, tác động rối ren, chia rẽ.

Sự ổn định của một đơn vị nghiên cứu như Viện Ngôn ngữ học, uy tín của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, thanh danh của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, của ngành buộc chính các tổ chức này phải trực diện với vụ việc - sự kiện để xử lý đến nơi đến chốn và báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ” – Nhà báo Uông Ngọc Dậu.

Giáo sư bị tố đạo văn Nguyễn Đức Tồn nói gì?

Trước những tố cáo đạo văn, GS-TS Nguyễn Đức Tồn nói chờ cơ quan chức năng làm rõ, đồng thời ông “tố ngược”...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vinh Hải ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN