Vì sao phải lăn xả đi cứu “người điên”?

Sau khi tôi viết nhiều bài báo, rồi cả một cuốn sách về “Thế giới người điên” chính thức phát hành trên toàn quốc; sau khi tôi tham gia làm bộ phim về sự nhẫn tâm của người tỉnh với đồng bào điên loạn đi lang thang của mình (bộ phim được Hội Điện ảnh Việt Nam trao giải B)…; bố tôi cười chua chát: “Có lẽ chỉ còn một gã điên nữa mà mày chưa đề cập thôi”.

“Là ai hả bố?”. “Chính là mày” - Cụ nói vui. Rồi ông hàng xóm nói thật: “Chỉ có thằng điên hảo hạng mới xông pha đi cứu người điên, khi mà “bọn chúng” tràn ngập đường quê góc phố, trong sự im lặng khó hiểu của quá nhiều người vô tâm. Làm thế có khác gì Đông Ki Sốt”.

Cuộc “chiến đấu” của chúng tôi kéo dài, trải rộng, nhưng trong bài viết này chỉ lấy vài ví dụ trong tỉnh Phú Thọ với những nhân vật đã đăng báo đầy đủ từ hồi họ điên loạn, phá phách, bị gông cùm như “thời Đế quốc thực dân” đến khi họ được cứu giúp “sang trang mới của cuộc đời”, để độc giả tiện hình dung.

Cuộc chiến “chông gai” để cứu một người “điên hết cỡ”

Đôi lúc tôi cứ lao ra khỏi xe, cứ ngơ ngẩn dõi ống kính theo những người điên khắp các tỉnh thành, đi hết nhiều trại điên, các trung tâm bảo trợ xã hội để tìm hiểu. Đôi lúc “tranh luận nảy lửa”, viết hàng chục bài báo và công bố nhiều bức ảnh xung quanh số phận quá vô lý của bà con “điên”.

Vì sao phải lăn xả đi cứu “người điên”? - 1

Một người tâm thần kỳ dị, với lối lang thang vô định như ta thường vẫn gặp! Không lẽ chúng ta cứ mãi đối xử với đồng bào mình như đối xử với một thứ bỏ đi của xã hội (muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm)?

Những lúc như thế, tôi đã băn khoăn tự hỏi: Tại sao tôi và nhiều nhà báo phải khổ sở vì người điên như vậy nhỉ? Trong khi nhiều cơ quan như: chính quyền, công an cơ sở, ngành y tế, ngành lao động thương binh xã hội đã được nhà nước và nhân dân giao trọng trách thu gom, quản lý, chữa bệnh, giải quyết chế độ hết sức nhân ái cho người bệnh tâm thần thì lại… làm ngơ? Có lẽ chính vì sự làm ngơ đó mà người viết có lương tâm… đành phải vào cuộc. Nội trong việc nhà báo đi cứu người điên (thay vì được các cơ quan giao nhiệm vụ khác), nó đã chứa quá nhiều xót xa rồi. Mà đi làm “trái nghề” như thế, oan khiên lắm. Tôi ví dụ như vụ mở một “chiến dịch thông tin” cứu ông Nguyễn Văn Độ, ở thị trấn Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.

Tôi gặp ông Độ ăn rác ở cổng chợ thị trấn, rồi đem xác chó chết, lợn chết thối oẵng về nấu… lẩu. Lúc ấy ông đã điên hàng chục năm, đã đánh người, đã đi ở tù, đã đốt nhà mình 4 lần, đào 5 ngôi mộ nhà mình lên, trong đó có cả ông nội và bố đẻ của ông. Tức là ông ấy điên hết cỡ. Con ông ta, Nguyễn Văn Mạnh (gần 30 tuổi) đang phải cắm cả… bằng lái xe, chứng minh thư ở hiệu cầm đồ để kiếm ăn qua ngày. Vợ ông Độ, mẹ của Mạnh thì bị lừa bán sang Trung Quốc, chúng nó bán mẹ, bán nốt cả cậu con trai (Mạnh lúc đó 6 tuổi) đi làm con nuôi. Trước lúc giao hàng, Mạnh bị nhốt ở một cái cũi chó, gửi nhờ nhà nọ ở Bắc Ninh, ai ngờ nhà đó chính là bà con của bà Hưởng (bà nội Mạnh) thế là “vô tình” được giải cứu.

Năm ngoái, Mạnh tìm manh mối liên lạc được với mẹ bên Trung Quốc, cả hai mừng mừng tủi tủi sau hơn hai mươi năm gặp lại nhau. Lần nào gặp cậu và gia đình, tôi cũng phải rút tiền túi ra cho, kèm theo những giọt nước mắt cố nuốt ngược vào trong. Ông Độ ở trong cái hầm tối, ông đào hang sống như một con chuột chũi. Trong hang là bếp lò om khói, là dao kiếm, gậy gộc. Bất cứ ai, kể cả con trai và mẹ đẻ của mình, hễ cứ lò dò vào là ăn gậy, ăn dao. Bà Nguyễn Thị Hưởng đã bị “anh con điên” đánh cho một gậy vào đầu, nằm viện 3 tháng mới tỉnh. Tôi đã theo đuổi cuộc đời ông Độ với đầy hiểm họa đó, chỉ bởi tôi tự nghĩ rằng gánh nặng của lòng nhân ái đã đè nặng lên lương tâm và ngòi bút của mình.

Vì sao phải lăn xả đi cứu “người điên”? - 2

Một người điên đi lang thang, bị ôtô đâm què chân, được người tốt bụng cứu sống, đưa vào bệnh viện tâm thần trung ương điều trị.

Ai ngờ, bảo vệ một người điên nó khó đến nhường ấy. Hơn hai năm trời, tôi phải liên tục đi lại, lo lắng, đối mặt với đủ thứ “phản công” của những cán bộ không mặn mà lo chế độ, lo thuốc thang cho người bệnh tâm thần! Có lúc, ngẫm mà chua xót.

Bố của ông Độ, trước khi tạ thế ở tuổi ngoài 70, đã nhiều lần đệ đơn lên chính quyền thị trấn và huyện, tỉnh, xin cho con trai điên loạn của mình được chữa bệnh, được trợ cấp xã hội để bớt phải kiệt quệ khốn đốn vì bệnh tật “giời đày”. Ông cụ nhân thể đi đòi chế độ cho con gái Nguyễn Thị Liễu (nay đã ngoài 40 tuổi), bị động kinh, chưa bao giờ có thể tự ăn uống, vệ sinh, đi lại. Rồi ông cụ về suối vàng trong khi cả đứa con gái động kinh và đứa con trai tâm thần đánh bố mẹ, chém hàng xóm, đốt nhà đào mả vẫn bị chính quyền cơ sở từ chối xét duyệt mọi chế độ. Ông văng tục một câu, khóc ba tiếng rồi nhắm mắt vĩnh viễn.

Khi tôi (người viết bài này) vào cuộc, Mạnh cũng vừa đưa đơn lên phòng LĐTBXH huyện Cẩm Khê xin cứu giúp. Nhưng cơ quan chức năng im lặng khó hiểu. Ông Độ đứng trước nguy cơ chết rục rã trong hầm tối tự đào, tự cô lập mìnhtrong… vài tháng nữa. Khi tôi nín thở luồn qua địa đạo vào hầm, thì thấy ông Độ nằm thều thào, mùi thối tha và các vật dụng kỳ dị đến từ bãi rác khiến tôi nôn thốc nôn tháo. “Bố em không còn đủ sức đánh ai nữa rồi, hàng ngày ông ăn lẩu ốc sên và ngủ trên… mặt ao, thì anh bảo làm sao mà sống nổi”, Mạnh thở dài.

Bài viết đầu tiên về ông Độ được đăng trên Lao Động, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê kịp thời có công văn… kể tội người viết, với chữ ký và dấu triện đỏ chót đàng hoàng. Ý rằng, tôi viết: ông Độ ăn rác ven quốc lộ 32, ai cũng thấy, hàng vạn “ông đi qua bà đi lại” trông thấy, sao cơ quan chức năng lại làm ngơ; ông Phó Chủ tịch bảo, ông không nhìn thấy gì cả, nhà báo nói sai! Chao ôi, ông không thấy là do cái mắt của ông có thể không được tốt lắm. Thảm cảnh của ông Độ và gia đình ông, tôi quay phim chụp ảnh, chứ có phải tôi “nhờ” ông Độ “diễn” cảnh ăn rác ngoài đường và ăn lẩu ốc sên trong hầm tối để làm phim truyện đâu mà họ lại “kêu ca” nhỉ?

May thay, Bệnh viện tâm thần Phú Thọ với Giám đốc Hùng lại quá tử tế. Thấy ông Độ điên hết cỡ, họ sang tận nhà, khám và xét nghiệm kỹ, kết luận là “chả điên thì cái gì”, rồi đề nghị cho đi Trung tâm bảo trợ xã hội. Tôi cứu một người điên sắp chết, ai dè cũng bị phản đối kịch liệt. Cán bộ huyện Cẩm Khê phản đối bằng một cuộc họp đa ngành. Theo đó, sẽ không đưa ông Độ đi Trung tâm bảo trợ xã hội, mà phải đưa đi bệnh viện đã. Họ ụp vào, khống chế đưa ông Độ đi.

Bốn tháng ông Độ ở viện là bốn tháng Mạnh đi chăm sóc những người điên khác để lấy tiền nuôi bố. Sau bốn tháng, vẫn  không một ai có ý định đưa ông Độ đi nuôi dưỡng ở trung tâm bảo trợ cả. Chúng tôi phải liên lạc với Bệnh viện Tâm thần, với Lãnh đạo Sở LĐTBXH tỉnh Phú Thọ. Cuộc đối thoại với cán bộ chính sách, với bà Giám đốc Sở LĐTBXH, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ… đều đưa lại kết quả là: “Phải chờ”. Vì ông Độ chưa đủ điều kiện sức khỏe để đi Trung tâm bảo trợ; vả lại Trung tâm cũng chật chội không còn chỗ chứa.

Thế nhưng, sau khi nghe đồn về các “cửa ải” để trở thành “người điên” quá khủng khiếp, chúng tôi quyết định lên Trung tâm Bảo trợ xã hội rồi lên cả Bệnh viện tâm thần Phú Thọ để xác minh. Bấy giờ chúng tôi mới tá hỏa: Họ đã nói dối. Cán bộ Trung tâm trực tiếp trả lời rằng đủ điều kiện tiếp nhận. Lãnh đạo bệnh viện cũng trực tiếp xác nhận ông Độ đủ điều kiện ra viện và vào Trung tâm, sao Sở không “cho đi” nhỉ? Chúng tôi thất vọng, đau xót, bất bình, nhưng vẫn cố im lặng một thời gian để chờ người ta nghĩ lại. Và họ “nghĩ lại” thật. Họ đưa ông Độ trở lại nhà. Hầm hào công sự của người điên lại hoạt động, ông Độ lại tấp tểnh đi ăn rác rưởi ngoài chợ thị trấn…

Đùng một cái, Mạnh và vài người có Tâm với ông Độ “điên” gọi điện thông báo: Cán bộ lại bất ngờ “nghĩ lại”, ông Độ được tìm về, đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội ở Yên Kiện, Đoan Hùng, được nhà nước nuôi đến hết đời. Mạnh gặp tôi, nắm tay nhà báo khóc nức nở: ”Bố em sống rồi! Họ cho “về lều để chết”, rồi lại cho “sống”, cứ ào ào không biết đâu mà lần, anh ạ”.

Tại sao nhà báo phải cầm bút đi tháo cùm, cắt xích, xây nhà, chữa bệnh… cứu người điên?

Như bài trước chúng tôi đã viết: anh Lê Văn Nga, ở xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ bị tâm thần. Gia đình và cán bộ địa phương xông vào trói, đóng một cái cùm bằng gỗ to, dài gần 3m để “giam” anh bất di bất dịch. Hai chân bị cùm, quần phải mặc bằng cách trùm từ trên… đầu xuống, phóng uế tại chỗ. Anh Nga bị cùm như thế suốt 2.200 ngày (hai nghìn hai trăm ngày!). Thịt bị teo hết, da bị hoại tử thối um.


Vì sao phải lăn xả đi cứu “người điên”? - 3

Anh Nga sau khi được "bài báo cứu giúp", đã được tháo cùm, khỏi bệnh, khỏe mạnh, có nhà mới để ở.

Giọng anh ta thều thào kêu cứu với tôi, “thả tôi ra đi, tôi yếu rồi, không đâm công an xã, không chém người trong xóm và chém bố Phiên (ông Lê Văn Phiên, 80 tuổi, bố Nga) được nữa đâu”. Anh ta nói như người… tỉnh, nhưng thả ra thì lại tấn công người khác rất “điên”. Sau khi bài viết về Nga đăng tải, cán bộ đã đến đưa anh đi chữa bệnh, giờ anh đã khỏi, đã được tháo cùm, đã có sổ tâm thần. Thử hỏi, những người cán bộ bao năm bỏ rơi anh Nga, quên việc lo chế độ đáng được hưởng cho anh Nga kia, có khi nào họ thấy mình nhẫn tâm với đồng bào mình quá không nhỉ?

Tương tự, ở Cao Bằng, cùng với các bài viết, chúng tôi đã đưa được anh Hầu Văn Sùng, ở Thông Nông đi chữa bệnh, sau 10 năm ròng anh bị xích cả hai chân, bỏ trong căn lều hoang lạnh, gia đình chỉ thả gạo, thả rau vào đó cho anh tự nấu nướng ăn trong… ngơ ngẩn. Tại bệnh viện đa khoa Cao Bằng, anh Sùng khóc, viết tên mình ra giấy như một người… tỉnh, rồi cạo râu cắt tóc bảnh trai, bắt tay nhà báo “tôi sống rồi”. Công ty Cao Giang ở tỉnh đã giúp đỡ gần hai chục triệu cho anh Sùng xây nhà mới.

Ở huyện Hòa An, Cao Bằng, có người đàn bà Triệu Thị Hà hơn 20 năm ngơ ngác bỏ nhà đi, đẻ con với “ai đó” rồi lại ra đi, tối ngủ vỉa hè, ăn bẩn ăn thỉu, trèo lên phản của bà bán thịt qua đêm. Bao mưa dập gió vùi, chị Hà đã gánh chịu, đứa con trai Hà Văn Tới học hai trường Đại học ở Hà Nội, thỉ thoảng lại đi tìm mẹ khắp các xó xỉnh của Cao Bằng dắt về tắm rửa chăm sóc. Có khi cháu còn bị mẹ gọi điện, viết thư cho lãnh đạo nhà trường mà cháu đang học, đòi “trả con về cho tao”. Chị còn nguyền rủa oan đứa con ngoan bằng những lời hoang tưởng.

Sau bài viết, một đồng chí lãnh đạo của tỉnh Cao Bằng đã liên lạc với tác giả để tặng máy tính xách tay, tặng tiền ăn học cho con chị Hà, cho xe của Bệnh viện tỉnh đi xuyên đêm, đưa chị Hà về bệnh viện tâm thần Trung ương (Thường Tín, Hà Nội) để chữa dứt điểm bệnh “điên”. Nay chị đã khỏi bệnh, về nhà, nhờ tiền của các nhà hảo tâm, chị đã được xây nhà cửa khang trang, ở trong ngôi nhà mới bằng một “trang tươi sáng” khác của Cuộc Đời.

Có hàng chục, vài chục trường hợp người điên tận khổ đã được chúng tôi giúp đỡ “đến đầu đến đũa”, có gia đình nhận hàng trăm triệu đồng từ các nhà hảo tâm. Sau mỗi lần kiệt sức đi lại, kiệt sức “đấu tranh” với cán bộ nắm giữ “thủ tục làm người điên”, chúng tôi chợt nhận ra sự vô lý buốt lòng của cái việc nhà báo cầm bút đi cứu người tâm thần. Tại sao chúng tôi phải làm cái việc xã hội không giao “chuyên trách” cho chúng tôi làm đó?

Tại sao những người, những ngành được giao nhiệm vụ kia, họ ăn lương “bổng” của nhà nước và nhân dân để làm việc đó, họ lại không làm? Câu trả lời là sự vô cảm, là sự vô trách nhiệm. Chính sách, chế độ cho người điên, từ cưỡng chế đi chữa bệnh, đến việc chăm sóc tại cộng đồng, rất rõ ràng. Có tiền hàng tháng, có thuốc thang đầy đủ. Chính sách nhân đạo đó, tôi cứ ví, nó như ống nước vẫn chảy qua nhà các người điên, qua các xã, huyện, tỉnh có người điên, nhưng người cán bộ không mở van, mở khóa, không “bắt vòi” cho người dân ở đó được hưởng. Vì sao? Vì vô cảm, nhưng còn nữa: Lắm khi, vì họ muốn thực thi “cơ chế xin cho”, muốn rằng mình làm cái đó thì mình phải được cái gì đó. Lời đồn và không ít bằng chứng về việc phải “chạy” mới đưa được người điên vào trung tâm bảo trợ xã hội đã bước đầu được chúng tôi thu thập.

Cuối cùng, câu hỏi đặt ra là: Chúng ta phải làm gì để chấm dứt tình trạng thả rông, thả lỗng, bỏ mặc người điên hiện nay? Hãy nhìn cách mà Thành phố Đà Nẵng đã làm thì sẽ rõ: ở đó không có ăn xin, không có người tâm thần lang thang, không có bán hàng rong. Nếu người điên lang thang vật vạ ở địa bàn nào, cán bộ cơ sở có trách nhiệm (theo quy định) ở đó phải chịu trách nhiệm trước các quyết định xử lý nghiêm khắc của cấp trên. Hết! Hãy nhìn TP.Hà Nội mỗi dịp đại lễ, đón đoàn quan trọng, tuyệt đối không có “anh tâm thần” nào, vì họ bị thu gom quản lý sạch sành sanh. Chỉ có điều, hết đợt ra quân, họ lại thả người điên đi lang thang, đâu lại vào đó, đúng là bắt cóc bỏ đĩa!

Bây giờ, chúng ta hãy sòng phẳng đi: nếu báo chí và bà con phát hiện người điên nào bị bỏ rơi, bị cán bộ cơ sở không lo chính sách chế độ, không cấp sổ tâm thần theo đúng quy định, thì cần xử lý, quy rõ trách nhiệm cụ thể. Thậm chí, nếu không làm nhiệm vụ, thả rông đồng bào điên loạn tội nghiệp ra đường, ra thôn bản khu phố, nếu người điên đó tự sát, hoặc giết chóc người khác, thì người gây ra việc đó (không quản lý) cần liên đới trách nhiệm. Chừng nào chúng ta làm được điều đó, thì thảm cảnh người điên may ra mới được khắc phục. Đơn giản, bệnh tâm thần có thể chữa khỏi, nếu ngành y tế can thiệp kịp thời và thường xuyên, nếu chữa bệnh xong trả về địa phương mà thuốc thang đúng cách và đầy đủ. Nếu chúng ta bỏ mặc, thì bệnh sẽ nặng, sẽ thành mạn tính, sẽ coi như chúng ta giết chết một con người hoặc nhiều người “nhờ” sự thờ ơ tàn độc của ta.

Xin nhắc lại: Người trần truồng, người suy kiệt, người giết người và bị giết, người hiếp người và bị hiếp… ngoài đường kia, họ là đồng loại của ta, là đồng bào của ta. Chắc chắn họ là anh em, xóm mạc, thân thích của ai đó trong số chúng ta. Sao chúng ta lại bỏ mặc họ với đời sống vô thức không bằng con vật như vậy? Lương tâm và nỗi xấu hổ trong mỗi chúng ta, nó đã ở đâu mất rồi?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đỗ Doãn Hoàng (Lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN