Vì sao khó xử lý hàng trộm cắp ở “chợ Trời”?

Chủ tịch quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, việc phân biệt phân biệt hàng trộm cắp và hàng cũ rất khó khăn, phải điều tra xác minh. Ngoài ra hoạt động tiêu thụ đồ trộm cắp ở “chợ Trời” diễn ra trong “bóng tối”.

Khó phân biệt hàng gian - hàng cũ

Vừa qua, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự (PC45, Công an TP. Hà Nội), Đội 5 Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội đồng loạt kiểm tra hàng chục cơ sở kinh doanh phụ tùng ô tô cũ tại chợ Hòa Bình (quận Hai Bà Trưng), khu chợ thường được gọi là “chợ Trời”.

Tại đây, lực lượng liên nghành đã thu giữ hàng nghìn sản phẩm phụ tùng ô tô các loại như cần gạt nước, logo, logo ốp bánh, lazăng, gương xe… đã qua sử dụng nhưng không rõ nguồn gốc.

Vì sao khó xử lý hàng trộm cắp ở “chợ Trời”? - 1

Một chiếc ôtô Mercedes GLA 45 ước tính có giá trị hơn 2 tỷ đồng bị trộm gương và lô gô khi đỗ xe trên một tuyến phố ở Hà Nội.

Chợ Hòa Bình được biết đến là nơi cung cấp linh kiện, phụ tùng ôtô mới, cũ khác nhau. Đây còn là nơi tiêu thụ một số đồ kẻ gian trộm cắp từng bị lực lượng công an khám phá.

Trao đổi với PV, ông Vũ Đại Phong - Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, trước và sau thời điểm Tết Nguyên Đán 2016, UBND quận Hai Bà Trưng đã yêu cầu công an quận phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, Công an TP. Hà Nội tăng cường kiểm tra xử lý các hộ kinh doanh các mặt hàng cũ, không rõ nguồn gốc ở khu vực “chợ Trời”, qua đó phát hiện nhiều hộ vi phạm và phạt hành chính trên 13 triệu đồng.

Khi được hỏi, vì sao hoạt động mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc ở “chợ Trời” trong đó có hàng trộm cắp như phụ tùng ô tô diễn ra nhiều năm nhưng không được xử lý triệt để? ông Vũ Đại Phong cho biết, việc phân biệt đồ cũ và đồ trộm cắp rất khó, phải qua điều tra xác minh mới xác định được đâu là hàng trộm cắp. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh tiêu thụ mặt hàng phi pháp diễn ra lén lút trong “bóng tối”, có khi các đối tượng để hàng hóa ở chỗ khác khi khách đến tìm mua hàng thì chủ cửa hàng gọi điện thoại để mang đến, vì vậy việc tìm bằng chứng xử lý rất khó khăn.

Về phía cơ quan điều tra, thượng tá Nguyễn Thành Tín, Phó trưởng Công an quận Hai Bà Trưng cho biết, ngoài việc hướng dẫn người dân cam kết kinh doanh đúng theo quy định, công an quận vận động người dân thay đổi mặt hàng kinh doanh, không thu mua mặt hàng cũ tránh tiếp tay cho hoạt động phạm pháp.

“Chúng tôi đã khuyến cáo các hộ kinh doanh không thu mua mặt hàng cũ bởi nếu mặt hàng họ thu mua là phi pháp thì khi lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ họ sẽ chịu thiệt hại. Bên cạnh đó, Công an quận sẽ điều tra, triệt phá các ổ nhóm hoạt động thu mua các đồ trộm cắp… Những chỗ nào tiêu thụ chúng tôi sẽ xử lý ngay để các đối tượng trộm cắp không còn nơi tiêu thụ”, thượng tá Nguyễn Thành Tín nói.

Hàng loạt vụ ô tô bị "vặt" phụ kiện

Trao đổi với PV, Trung tá Mai Văn Thuần, Đội trưởng Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu (PC45, Công an TP. Hà Nội) cho biết, trước và trong Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, trên địa bàn thành phố xảy ra 3 vụ mất trộm gương xe ôtô và 2 vụ mất trộm cần gạt nước. Ngoài ra, đường dây nóng của Phòng PC45 tiếp nhận thêm hơn 10 trường hợp trình báo về việc, xe ô tô mất trộm phụ tùng.

Vì sao khó xử lý hàng trộm cắp ở “chợ Trời”? - 2

Đa số các vụ mất trộm phụ tùng ô tô như gương, lô gô là do chủ phương tiện đỗ xe không người trông giữ.

Theo Trung tá Mai Văn Thuần, đa số các trường hợp trình báo xe bị mất trộm phụ tùng cho biết, nguyên nhân họ bị kẻ gian trộm đồ là vì thiếu cảnh giác, để xe ở nơi vắng người qua lại, không có người trông giữ.

“Đa số trường hợp trình báo cho biết, giá trị vật dụng họ bị mất trộm thấp nên họ không đến công an cơ sở trình báo. Có trường hợp bị mất trộm hai lần ở cùng một vị trí vì để xe không có người giữ”, Trung tá Thuần nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Minh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN