Về Sài Gòn thăm cụ bà thọ nhất châu Á
Cụ Nguyễn Thị Trù ở TPHCM, được công nhận là cụ bà cao tuổi nhất châu Á và chính cụ Trù đã đem lại niềm tự hào về tuổi thọ của người Việt Nam. Chúng tôi về thăm cụ trong những ngày nóng nhất giữa tháng 4.
Cụ Trù bên bằng chứng nhận là cụ bà cao tuổi nhất châu Á. Ảnh: T.N.A
Kỷ lục gia huyền thoại
Biên niên sử của nhân loại ghi nhận những người sống thọ ở mức 120 tuổi rất hiếm và đôi khi họ được xem như những huyền thoại về sống lâu. Việc phát hiện ra cụ Trù người Việt Nam là người cao tuổi tầm cỡ châu lục và thế giới thực sự gây xôn xao trong giới khoa học, giới nghiên cứu suốt mấy năm qua.
Rất nhiều tổ chức kỷ lục dày công nghiên cứu xác nhận về tuổi thọ của cụ. Liên tục từ năm cụ bước vào tuổi 120 thì nhiều tổ chức đã lên tiếng vinh danh. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và Tổ chức Kỷ lục châu Á xác nhận là “Cụ bà cao tuổi nhất Việt Nam và châu Á”. Hội đồng Liên minh Kỷ lục Thế giới (World Records Union - WorldKings) tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ đã có thư gửi Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận cụ bà Nguyễn Thị Trù là “Cụ bà cao tuổi nhất thế giới” ở tuổi 122 vào năm 2015. Tháng 4/2015, hiệp Hội Kỷ lục Thế giới (World Records Association) tại Hồng Kông cũng đã công nhận cụ Trù là “Cụ bà cao tuổi nhất thế giới”…
Khi tới thăm cụ ở ngoại ô TPHCM chúng tôi thấy gia đình đang giữ tấm bằng gốc của Tổ chức Kỷ lục châu Á ghi nhận cụ sinh năm 1893 và là người già nhất châu Á. Gia đình cụ cho biết: “Mấy tháng lại đây có tổ chức quốc tế tới để tìm hiểu và làm thủ tục tôn vinh cụ nhà tôi. Nhưng chúng tôi mới chỉ nghe mọi người nói cụ được tôn vinh nhiều lắm, do họ đọc qua báo chí. Còn về gia đình, mải lo chăm sóc cụ, báo chí chẳng đọc, hiện mới nhận được tấm bằng cao tuổi nhất châu Á này thôi!”.
Rất nhiều tờ báo chính thống của Việt Nam cũng đưa tin rằng nếu cụ Trù đạt cột mốc 123 tuổi thì cụ sẽ nhận được giải thưởng 1 triệu USD của một triệu phú người Moldova trao tặng cho những ai thọ 123 tuổi. Nhân dịp giỗ tổ Hùng Vương, tháng 4/2016 chúng tôi tới thăm cụ, tức là cụ đã đạt mốc 123 tuổi được bốn tháng rồi, song câu chuyện giải thưởng 1 triệu USD kia xem ra vẫn rất xa vời. Bà Ba, người con dâu năm nay cũng 77 tuổi nói: “Chúng tôi nghe bảo có giải thưởng 1 triệu đô cho mẹ tôi đấy, nghe là nghe vậy chứ thực tế chẳng thấy gì cả. Hằng ngày chúng tôi vẫn lo tằn tiện từng xu bạc cắc mà nuôi mẹ tôi thôi”.
Tựa vào con dâu
Cụ Trù hiện đang sống trong một cái nhà bếp cũ, không biết đã qua bao nhiêu năm, chỉ biết cột nhà lên nước đen bóng. Ngôi nhà này khó gọi là nhà vì nó được quây lại bằng đủ thứ vật liệu linh tinh nhặt nhạnh được. Cửa sổ không cánh, trống hoác, cửa chính cũng trống trơ. Cửa sau thì cũng trống hoang mở ra nơi có chuồng gà đông đúc. Người trong nhà cho biết: “Hồi trước bà ở nhà trên (nhà xây) với cháu, nhưng giờ già quá, sinh hoạt vệ sinh bất tiện nên sợ ảnh hưởng các cháu. Mấy năm nay bà xuống sống trong cái bếp cũ này”.
Bà Ba, người con dâu đang trông nom cho cụ Trù cũng sống trong gian chái rách nát.
Ngồi trong nhà có thể thấy ánh sáng, ánh nắng tứ phía chiếu vào, thậm chí ánh nắng chiều chiếu xiên khoai vào cái võng của cụ Trù. 123 tuổi, cụ chẳng thể than phiền gì, vì cụ nói năng rất khó khăn. Nhưng bà Ba, con dâu của cụ cho biết: “Ở đây nóng lắm”. Chiếc giường của cụ Trù nằm cũ kỹ, được biết nó cũng có thâm niên mấy mươi rồi. Chiếc giường ấy chỉ trải manh chiếu cũ đã mục bung, nham nhở.
Buổi tối, không gian cụ nằm có cái bóng đèn đủ sáng. Chiếc màn màu xanh được thả xuống, chủ yếu để ngăn cụ không bò xuống đất. Dưới nền đất có mấy tấm gạch men màu trắng được gắn trước giường, để cụ sinh hoạt ở đó, tiện lau chùi vệ sinh.
Chăm sóc cụ duy nhất có người con dâu đó là bà Ba. Bà cũng không khá hơn khi ở trong gian chái, chỉ đặt vừa một cái giường cũ. Gian chái này cũng quây lại bằng đủ thứ bao bì và mảnh tôn vỡ. Giông gió thổi thông thốc. Bà Ba nói: “Đêm không ngủ được, cứ sợ cụ bò xuống lỡ có mệnh hệ nào!”. Hai mẹ chồng nàng dâu sống với nhau như thế nhiều năm, trong túp lều nát cũ kỹ và không có tài sản gì ngoài một cái xe đạp cũ.
Trong suốt cuộc nói chuyện với cụ Trù, cụ đều chỉ nói có một câu ngắn gọn thế này: “Anh có gì cho tôi ăn, tôi sẽ đội ơn anh”. Ngẫm câu dân gian: Người già lẩn thẩn, ăn rồi nói chưa ăn… Có lẽ cái tuổi 123, cụ Trù điển hình cho câu nói đó.
Bà Ba và người cháu của bà nữa, kể rằng: “Cụ đòi ăn suốt ngày. Mỗi lần cho cụ ăn một cái bánh quy, cụ cứ ăn như thế rồi lại xin”. Nó như một phản xạ của người già.
Sở dĩ người con dâu phải thức đêm đêm, ngồi trông mẹ chồng, bởi sợ mẹ chồng ăn phải những thứ nguy hiểm đến tính mạng. Khi tôi tặng cụ ít tiền mua bánh thì cụ như phản xạ đưa lên miệng. Bà Ba đến lấy tiền cất đi giùm cụ, nói: “Không cất, bà lại nhai”. Thật bất ngờ, cụ Trù nói với tôi rất rành rọt: “Anh làm chứng nhé, con dâu tôi tử tế như thế đấy. Chẳng thà tôi để trên bàn nó đến lấy không sao, đằng này tôi đang cầm trên tay, nó đến giành lấy, nó có còn coi tôi ra gì nữa không!”.
Đôi lúc, cụ Trù nói năng rất tỉnh táo mạch lạc. Đặc biệt mắt cụ rất sáng, có thể nhìn thấy cả những cây kim, đó là điều rất hiếm. Hàm răng của cụ chưa rụng hết, nhiều chiếc mòn vẹt đến tận lợi. Bà Ba kể: “Tối, thấy màn vẫn còn nguyên mà nhìn vào không thấy bà đâu, giật hết cả mình. Hóa ra bà không đi được, nhưng bà bò xuống giường, rồi đến cái kệ, lấy quả thanh long to ra ngồi ăn một mình”.
Nghèo khó
Cụ Trù có 10 người con nhưng họ qua đời gần hết, hiện chỉ còn hai người con thi thoảng đến thăm. Bà Ba bảo: “Các con cụ tới thăm, cho mấy trăm nghìn để đi chợ, may sẵn áo tặng bà vài cái và cho tôi vài cái nữa, có cái mà mặc”. Con cái cụ đều khó khăn, cháu chắt đông. Chồng bà Ba đã mất. Bà Ba không công ăn việc làm gì chỉ ở nhà trông mẹ chồng. Con của bà Ba người đi làm tôn, người đi bán cháo ngoài chợ, người thất nghiệp.
Xã Đa Phước này trước khá nhiều đất nông nghiệp, nhưng nay đất đai chật hẹp, công việc khó khăn, xã lại rơi vào quy hoạch bãi rác khổng lồ của thành phố. Nhà cửa xung quanh của xóm giềng đa phần cũng đều tuềnh toàng. Bà Ba kể: “Lúc mẹ tôi còn khỏe, rất thương xóm làng. Mỗi lần giỗ chạp gì, bà cứ đem đồ ăn đi cho hết cả. Rảnh rỗi thì bà lên chùa tụng kinh. Câu cửa miệng của bà là: Dân mình khổ quá con ạ”.
Ngôi nhà trống hoác của cụ Trù.
Hỏi tiền đâu nuôi cụ Trù, người con dâu kể: “Chính quyền cho người cao tuổi hơn 700 nghìn mỗi tháng thôi, vừa đủ trang trải đồ vệ sinh cho cụ. Con cháu mỗi người giúp vài trăm, lần lữa qua ngày”. Hỏi tiền sửa nhà thì bà Ba bảo: “Tiền lo cho bà chưa đủ, biết bao giờ mới sửa được chỗ ở cho bà”. Hỏi cuộc sống còn tạm bợ thế này, sức khỏe cụ Trù ra sao? Người con dâu kêu Trời: “Vừa ốm đi viện cả tuần, mất mấy triệu bạc. Địa phương hỗ trợ được 500 nghìn còn gia đình lo tất. Xuất viện về, lại bốc thuốc ta, mỗi ngày một thang mất 50 nghìn, suốt mấy hôm liền mới dứt xong đấy ạ”.
Câu chuyện chưa dứt, lại nghe tiếng cụ Trù nhắc từ cái võng đang chói nắng: “Anh có gì cho tôi ăn, tôi đội ơn anh!”
Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Đa Phước huyện Bình Chánh (TPHCM) ông Ngô Văn Kim cho phóng viên biết: “Hội hiện có 986 hội viên, trong đó có 3 cụ bà trên 100 tuổi. Theo chế độ thì mỗi cụ được hưởng 380.000 đồng mỗi tháng”. Riêng trường hợp cụ Trù, ông Kim nói: “Các cơ quan đoàn thể vẫn thường thăm và vận động mạnh thường quân tặng quà. Hiện cụ được hưởng chế độ dành cho người già không đi lại được, tổng cộng mỗi tháng cụ nhận 760.000 đồng. Hội Người cao tuổi xã đã làm đơn xin cho cụ Trù được hưởng thêm chế độ người nuôi dưỡng, nhưng chưa được duyệt”. Về hoàn cảnh sinh sống khó khăn của cụ Trù, ông Kim nói: “Trước kia cụ còn khỏe, sống ở nhà trên, nhưng do cao tuổi sinh hoạt bất tiện nên được chuyển xuống ở nhà bếp như hiện nay. Chính quyền rất khó hỗ trợ nhà cửa cho cụ, vì dù sao thì cũng đã có ngôi nhà xây của con cháu cụ sát đó rồi!”. |