Về Phú Thọ gặp gia đình “vua nỏ”
Từ lâu, gia đình ông Hà Văn Phong (xã Tân Phú, huyện Tân Sơn) được mệnh danh là nhà “vua nỏ”. Ông Phong không những có biệt tài bắn nỏ “Bách phát bách trúng” mà còn là người thầy của hàng trăm xạ thủ xuất sắc. Không thua kém ông, vợ con ông cũng là những tay bắn nỏ không có đối thủ.
Ông Phong đang hiệu chỉnh lại nỏ. Ảnh: X.HẢI
Gia đình “vua nỏ”
Nằm sâu trong xóm Sặc nhưng nhà ông Phong lúc nào cũng đông khách. Khách từ trong bản ra, khách từ ngoài tỉnh vào, ngồi chen chúc cả căn nhà nhỏ với mong muốn được xem cách ông chế và bắn nỏ. Khách đến, gặp bất kỳ ai trong xã Tân Phú, chỉ cần hỏi “Phong nỏ” hầu như người dân ở đây đều biết. Còn với giới chơi nỏ thì khỏi phải bàn, cái tên Hà Văn Phong vốn là “tượng đài” để kính phục, xen lẫn chút ghen tị trong nghệ thuật chơi môn thể thao này.
Ông Phong mê nỏ từ bé, mê cái thứ vũ khí mà cha ông hay cắp vai, khi cần, chỉ trong chốc lát, sau tiếng “tạch” là đám con nhỏ và gia đình đã có thịt săn để ăn. Cái máu mê nỏ ngấm từ cha ông sang ông hồi nào không hay. Theo lời ông Phong, hồi còn bao cấp, đói lắm, thế mà ông dám xúc hai yến thóc và gánh phân hộ cho một ông lão trong vùng chỉ để đổi lấy một cây nỏ.
Nghe thì “oách” nhưng theo ông Phong, đời người vác nỏ, bắn thì hay, chứ thật ra cũng nghèo lắm. Người vác nỏ luồn rừng suốt ngày, lấy đâu thời gian mà làm nương, trồng chè. “Tật” của người vác nỏ là bắn xong nhưng không bán, hạ được thú lại đem ra khao làng. Có bận ông Phong hạ được mấy con lợn rừng to đến cả tạ nhưng người làng nghe chuyện đổ đến xin, ông lại cho hết. “Thảo vậy đấy nên thành ra nghèo mãi thôi”, ông cười rồi nói.
Khi cơ quan chức năng cấm săn thú rừng, ông đã gác nỏ lên giá bếp. Thế nhưng cái tài bắn nỏ của ông đã khiến cho lãnh đạo thể dục thể thao địa phương phải để tâm. Năm 1994, hội thi bắn nỏ ở địa phương này được tổ chức. Chính quyền vận động, ông Phong nhớ nghề nên đã không ngần ngại vác nỏ dự thi, để rồi từ đó ông đi đến đâu là vô địch đến đấy. Giới chơi nỏ tỉnh Phú Thọ tôn ông là số 1. Năm 2002, ông vác nỏ vào tỉnh Quảng Trị, một lần nữa ông loại hết các danh thủ, lên ngôi vô địch toàn quốc. Nhìn ông lấy huy chương dễ như lấy đồ trong túi, vợ con ông cũng không chịu kém phần.
Bà Phan (vợ ông Phong) cũng vác nỏ đi thi. Dù đã hơn 50 tuổi, bà vẫn hạ hết các xạ thủ để vô địch toàn Phú Thọ. Năm 2004, tỉnh Điện Biên tổ chức lễ kỉ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và tổ chức thi nỏ. Bà Phan lên thi và đại náo cả giới nỏ Điện Biên. Kỉ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, bà Phan lại có mặt, giới chơi nỏ Điện Biên một lần nữa phải nhường ngôi đầu.
“Hổ phụ sinh hổ tử”, hai con ông Phong cũng bắn nỏ thành thần. Con gái Hà Thị Ngọc Thúy bắn nỏ vô địch toàn quốc tại Hội khỏe Phù Đổng năm 2004. Năm sau, đến lượt con trai Hà Nghi Thượng lấy thêm một huy chương Vàng nữa. Thế là cả nhà giành huy chương Vàng môn bắn nỏ. Thành tích ấy, cả tỉnh Phú Thọ, thậm chí cả nước không nhà nào có. Đến nay, trong nhà ông Phong có đến hơn 70 huy chương với đủ màu sắc, đủ cấp độ. Khách đến, ông đổ ra khoe đúng một rổ đầy... huy chương. Còn bằng khen các cấp thì xếp thành chồng như mâm ăn hỏi trong lễ cưới.
Ông Phong bên những tấm huy chương và bằng khen của gia đình.
“Bí kíp” chế nỏ độc nhất vô nhị
Theo ông Phong, muốn bắn nỏ giỏi, ngoài kỹ năng thì còn phải biết chế nỏ tốt. Bình thường một cây nỏ, ông chỉ sản xuất trong ba ngày là xong. Nghe qua ngỡ đơn giản nhưng sau ba ngày ấy, để có một chiếc nỏ tốt cần có những kỹ năng chế tạo nhà nghề. Ông quả quyết, các loại nỏ trên thị trường bây giờ đa phần là hàng kém chất lượng vì làm ẩu. Ông nhớ có lần, cơ quan Đoàn của một địa phương phía Nam nghe danh đến đặt ông làm 40 cái nỏ, ông từ chối ngay. Ông chối vì ông không sản xuất nỏ theo kiểu “công nghiệp”.
Mỗi chiếc nỏ ông Phong làm chứa đựng trong đó cả một nghệ thuật và bao tâm huyết dù nỏ do ông làm nhìn cũng giống như các loại nỏ thông thường thôi. Vẫn là kết cấu từ gỗ, luồng và dây gai nhưng nỏ của ông khác hẳn về chất. Gỗ làm nỏ phải là loại gỗ cứng như lim, sến. Luồng phải là luồng đá, thứ luồng đặc chủng của Tân Sơn chứ không phải là luồng từ các địa phương khác. Dây phải là dây được bện từ các sợi tơ của cây gai, chắc bền gấp mấy lần cước.
Gỗ, luồng, dây được ông lựa chọn rất tỉ mỉ, đục đẽo chuẩn tỉ lệ, sai lệch một li là vứt đi.
Riêng về luồng, ông Phong tự tay trồng trong vườn nhà hẳn một bụi to. Chỉ vào bụi luồng ấy, ông bảo cả bụi này chỉ chọn được vài cây làm cánh nỏ. Cây luồng được chọn phải xanh mướt, trên mặt cật tuyệt đối không có vết trầy xước do kiến đục. Để cắt luồng lấy làm cánh nỏ, phải chờ cho cây luồng được 4-5 tuổi, chất ruột đỏ như máu luơn và chỉ lấy phần thân được mặt trời thường xuyên chiếu vào, như vậy mới có cánh nỏ tốt. Thân luồng sau khi được cắt, phải treo lên gác bếp thêm ít nhất một năm để được dẻo dai, đàn hồi, đảm bảo bắn trăm lần cũng không bị biến dạng.
Về tên bắn, ông Phong dùng cây bương già. Mỗi mũi tên được vót dài khoảng 40cm rồi đem nướng trong than rơm rồi treo lên gác bếp cả năm trời. Thế nên mũi tên bao giờ cũng thẳng tắp, bắn là trúng. Nỏ làm xong, ông Phong phải đem ra thử đi thử lại để còn căn chỉnh. Cách tốt nhất là vác nỏ vào rừng, giơ lên ngọn cây, “tạch” một phát mà trượt đích thì phải chỉnh lại. Bí kíp chỉnh như thế nào, cái đó thuộc về kinh nghiệm, chỉ một mình ông Phong biết.
Gỗ, luồng để chế nỏ được treo trên gác bếp.
Gia sư dạy bắn nỏ miễn phí
Ở Phú Thọ bây giờ, xét riêng về môn thể thao bắn nỏ, ông Phong được xếp vào bậc “đệ nhất tôn sư”, bởi học trò của ông rải khắp từ trường học, trung tâm huấn luyện thể thao đến các đơn vị quân đội. Nhiều người theo học ông từ ngày tay còn chưa kéo hết nổi cánh nỏ nhưng giờ đã là những vận động viên vô địch quân khu, vô địch toàn quốc. Học trò tiến bộ và có thành tích cao, ông Phong lấy làm hãnh diện lắm.
Ông dạy nỏ ở nhiều nơi, đi đâu cũng có học trò nhưng câu lạc bộ bắn nỏ ở quê nhà là nơi ông gắn bó và “đổ” nhiều tâm huyết nhất. Nơi đó có những con em trong bản, trong xã đến học. Ông dạy bằng tất cả tình yêu của mình với nỏ, với mong muốn truyền đạt và giữ gìn bản sắc văn hóa của người Mường. Sân nhà ông là trường tập bắn, bia được gắn lên thùng xốp đơn sơ, từ thứ Năm đến Chủ nhật, sân nhà ông luôn vang âm thanh “tạch, tạch” quen thuộc của dây nỏ.
Câu lạc bộ bắn nỏ này được ông Phong lập ra đã 13 năm, ông chẳng thu đồng học phí nào dù cho nhiều năm trước đây ông và gia đình vẫn ở trong ngôi nhà cũ, mái đen sì vì nhuộm khói bếp, dù cho “cái kiếp người vác nỏ” như ông nói là chẳng bao giờ hết nghèo. Khó khăn là vậy nhưng ông Phong vẫn làm, vì cái tâm với nỏ, với văn hóa của xứ Mường – xứ Phong Châu xưa, xứ của các vua Hùng linh thiêng và bất diệt.
Người dân Tân Phú truyền tai nhau cho rằng, ông Phong hay bắn, thế nên tay bắn thành... “thần”. Ngày mắt còn tinh, tay còn khỏe, hễ ông Phong đã giương nỏ lên thì con sóc nhỏ như nắm tay ở trên cao phải... cúi đầu, con nai trốn sau gốc cây cũng phải quỵ đôi chân. Còn ngắm bắn bia thì lúc nào cũng cắm hồng tâm 10/10, đứng xa 20m ông Phong bắn xuyên được cái cuống lá. Bắn “kinh” là vậy thế nên cả phường săn, ai cũng kính nể ông. |