Từ vụ mẹ sát hại con và cháu: Làm gì khi người thân mắc trầm cảm?
PGS.TS Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc viện tâm thần trung ương I đã có lời khuyên với gia đình có người mắc trầm cảm để tránh hậu họa đau xót.
Vụ án mẹ sát hại con cháu tại chung cư ở Hà Nội khiến nhiều người đau lòng.
Vì sao người trầm cảm giết người thân?
Ngày 20/7, người dân sinh sống ở khu chung cư HH02 khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) bàng hoàng, xót xa khi hay tin Hoàng Thị Sen (SN 1985, trú ở chung cư HH02) ra tay sát hại cháu K.H (8 tuổi, con đẻ Sen) và cháu A.T (7 tuổi, con chị chồng Sen) rồi tự tử bất thành.
Qua điều tra ban đầu, cơ quan chức năng xác định, Sen có triệu chứng mắc bệnh trầm cảm do trước đó liên tục có người thân qua đời.
Hơn một năm trước, dư luận cũng chấn động khi Phan Thị Trinh (SN 1997, ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất) sát hại con mới sinh khoảng 1 tháng rồi viết lên cầu thang “Tao sẽ giết cháu mày…”. Nữ nghi phạm sau đó được xác định mắc chứng trầm cảm nặng.
Những vụ án đau lòng do người mắc bệnh trầm cảm gây ra khiến nhiều người cảm thấy lo lắng, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Tô Thanh Phương - Phó giám đốc, kiêm Trưởng khoa Nữ, Bệnh viện tâm thần Trung ương I về căn bệnh này.
PGS.TS Tô Thanh Phương cho biết, trầm cảm rất nhiều dạng có người bị đau đầu kinh niên, cồn cào đứng ngồi không yên, đau chỗ nọ chỗ kia, thổn thức chống ngực rối loạn thần kinh thực vật.
Bệnh tiến triển nặng có thể khiến cho bệnh nhân có ý định tự sát và giết hại người thân (con, chồng, bố mẹ).
Lý giải nguyên nhân người mắc bệnh trầm cảm có ý định tự sát và giết hại người thân, PGS.TS Tô Thanh Phương cho biết, người mắc bệnh trầm cảm nặng có thể rơi vào trạng thái hoang tưởng phủ định từ đó muốn chấm dứt cuộc sống của bản thân và người thân để cùng được giải thoát.
“Nhiều bệnh nhân trầm cảm bị hoang tưởng phủ định nên cho rằng loài người sắp chết hết hoặc khi mình chết đi con mình sống với ai, ai chăm sóc nó. Con mình sống không có tương lai, tốt nhất là cho nó chết để nó đỡ khổ.
Chúng tôi đang điều trị cho trường hợp một phụ nữ mắc trầm cảm nặng từng cầm dao định giết con, đè mẹ ra bóp cổ, rất may gia đình kịp thời phát hiện.
Đa số các bệnh nhân đều nói rằng lý do họ làm vậy là vì muốn giải thoát cho bản thân và người thân khỏi sự đau khổ”, PGS.TS Tô Thanh Phương cho biết.
Một nguyên nhân nữa đượcPGS.TS Tô Thanh Phương nêu ra đó là có những người mắc trầm cảm ghét người thân nên khi gặp những bức bối họ có thể gây nguy hiểm cho người thân.
“Quá trình điều trị, chúng tôi bắt gặp có những trường hợp rất ghét bố mẹ, chồng, con. Vì vậy, gia đình có người mắc trầm cảm cần hết sức lưu ý, khi thấy người bệnh có dấu hiệu như vậy phải đưa ngay tới Bệnh viện tâm thần điều trị vì khi mắc bệnh, bệnh nhân không kiểm soát được hành vi”, PGS.TS Tô Thanh Phương khuyến cáo.
Người thân mắc trầm cảm phải làm gì?
PGS.TS Tô Thanh Phương cho biết, người mắc bệnh trầm cảm thường có những dấu hiệu phổ biến như: Cảm giác buồn chán, trống rỗng; khó tập trung suy nghĩ, hay quên;luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm việc gì;cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng; mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều; hay cáu gắt, giận dữ; giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hàng ngày; giảm cảm giác ngon miệng, sút cân hoặc ăn quá nhiều; nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát…
PGS.TS Tô Thanh Phương - Phó giám đốc, kiêm Trưởng khoa Nữ, Bệnh viện tâm thần Trung ương I.
Theo Phó giám đốc Bệnh viện tâm thần Trung ương I, khi phát hiện người thân mắc trầm cảm, gia đình phải đưa bệnh nhân tới Bệnh viện tâm thần điều trị.
Việc gia đình điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc nam, thuốc bắc hay cúng bái mà không đưa tới bệnh viện tâm thần vì sợ “mang tiếng”, PGS.TS Tô Thanh Phương cho rằng đó là việc làm sai lầm, không tốt cho bệnh nhân.
Phó giám đốc Bệnh viện tâm thần Trung ương I dẫn chứng trường hợp người phụ nữ cầm dao định giết con và đè mẹ ra bóp cổ đã nêu ở trên làm ví dụ. Người phụ nữ này mắc trầm cảm nhưng gia đình đưa tới thầy lang thăm khám, điều trị nên khi được đưa tới bệnh viện tâm thần thì bệnh nhận đã có những triệu chứng nặng.
PGS.TS Tô Thanh Phương cho biết, bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm có thể chữa trị khỏi hoàn toàn với điều kiện phải đủ thời gian. Với những trường hợp mới mắc trầm cảm, thời gian điều trị tối thiểu khoảng 2 năm. Nếu mắc bệnh mãn tính trên 6 tháng, thời gian điều trị dứt điểm khoảng 3-5 năm.
“Bệnh nhân điều trị được vài tháng tưởng khỏi đã bỏ không điều trị. Tuy nhiên, một thời gian sau lại bị tái phát”, PGS.TS Tô Thanh Phương nói.
Nữ nghi phạm có phải chịu trách nhiệm hình sự nếu được xác định mắc bệnh trầm cảm?