Tự quyết định số con: Sinh bao nhiêu thì đủ?

Nếu trao cho các cặp vợ chồng quyền quyết định số con, vậy mỗi gia đình sinh bao nhiêu con là đủ?

Vừa qua, GS.TS. Nguyễn Đình Cử - Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em đề xuất nên nới lỏng chính sách dân số bằng việc trao cho các cặp vợ chồng quyền quyết định số con.

Trao đổi với phóng viên về đề xuất của mình, GS.TS Nguyễn Đình Cử cho rằng đã đến lúc trao quyền cho các cặp vợ chồng được quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh.

Tự quyết định số con: Sinh bao nhiêu thì đủ? - 1

GS.TS. Nguyễn Đình Cử cho rằng mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con là thích hợp

Thưa ông, vừa qua ông và một số chuyên gia dân số khác đề xuất các cặp vợ chồng được quyết định số con? Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Đúng là trong nhiều hội thảo gần đây do các cơ quan Trung ương tổ chức tôi có đề xuất pháp luật của ta nên thay đổi, nên để các cặp vợ chồng được quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh.

Sở dĩ tôi đề xuất như vậy là vì hơn 50 năm (1961 đến nay) thực hiện chính sách giảm sinh, chúng ta đã đạt được mục tiêu “Mỗi gia đình chỉ có 2 con” một cách vững chắc, bởi hơn nửa thế kỷ được tuyên truyền, giáo dục, người dân đã hiểu và trên thực tế cũng đã nhìn nhận thấy lợi ích rõ ràng của mô hình gia đình nhỏ. Hệ thống dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đã phủ kín nhu cầu của dân, đang được thị trường hóa.

Mặt khác, từ 2015 trở đi, phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ, tuyệt đại đa số sinh từ năm 1975 trở lại đây. Đây là thế hệ mới, được giáo dục nói chung và giáo dục về dân số kế hoạch hóa gia đình nói riêng khá tốt.

Thêm nữa, nhiều nghiên cứu cho thấy, mức sinh không chỉ phụ thuộc chính sách, luật pháp mà thậm chí, cơ bản lại phụ thuộc trình độ phát triển. Trong khi đó, Việt Nam đang phát triển mạnh về kinh tế xã hội tạo ra điều kiện thuận lợi và hỗ trợ mạnh mẽ xu hướng giảm sinh.

Cuối cùng, nhưng rất quan trọng, với tư cách là quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia ký Công ước về “Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ”.

Theo đó, quyền tự do và trách nhiệm như nhau khi quyết định về số con, khoảng cách giữa các lần sinh và có quyền tiếp cận thông tin, giáo dục và các biện pháp để thực hiện những quyền này.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, các vợ chồng tự quyết định số con sẽ có trường hợp sinh nhiều con, nhất là trong bối cảnh người Việt đang mong muốn “có bằng được con trai”?

Pháp lệnh Dân số 2008 (sửa đổi) quy định “mỗi cặp vợ chồng có 2 con” nhưng không có chế tài xử lý. Như vậy, trên thực tế có thể xem như các cặp vợ chồng được quyết định số con.

Nhưng mức sinh của nước ta hơn 10 năm nay, vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp, khoảng 2 con mỗi cặp vợ chồng rất xa.

Ngoài ra, với những phân tích của tôi ở trên, nên không có điều gì phải lo lắng về quyền quyết định số con của các cặp vợ chồng. Hơn nữa, vợ chồng được quyết định số con có thể mức sinh sẽ tăng đôi chút nhưng không thể thay đổi xu hướng và đến mức bùng nổ dân số như trước.

Nếu không nới lỏng chính sách dân số, theo ông sẽ để lại những hệ lụy gì?

Nếu không nới lỏng chính sách sớm, mức sinh sẽ ngày càng thấp. Hơn nữa, nếu thấp hơn mức sinh thay thế, nguy cơ Việt Nam sẽ đối mặt với hội chứng 4-2-1 giống như Trung Quốc (tức là cứ 4 người (ông bà nội, ngoại) mới có 2 con và 1 cháu. Điều này sẽ phản ánh tỷ lệ già hóa dân số ở mức cao, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội.

Vậy theo ông, hiện nay người dân nên sinh mấy con là đủ?

Tôi nghĩ “mỗi cặp vợ chồng hãy sinh đủ 2 con” là thích hợp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Văn Tân, Q.Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế: Việt Nam đã thành công, từ việc các cặp vợ chồng sinh đông con chuyển sang sinh ít con. Các cặp vợ chồng đã tự mình đưa ra các quyết định sinh con một cách có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng.

Hiện nay, mức sinh trung bình trong cả nước là 2,1 con/phụ nữ nhưng tại một số tỉnh, thành phố, vùng miền, mức sinh còn rất khác biệt. Tại một số tỉnh mức sinh còn cao. Tuy nhiên, tại một số thành phố, tỉnh miền Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long, mức sinh đã xuống rất thấp.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, các nước đã, đang và sẽ thành công trong việc giảm sinh nhưng vô cùng khó khăn trong việc vực dậy mức sinh.

Do vậy, để tránh suy giảm mức sinh như nhiều nước trên thế giới, chính sách mức sinh của Việt Nam cũng được điều chỉnh cho phù hợp.

Chiến lược Dân số-Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 xác định “chủ động, duy trì mức sinh thấp hợp lý”. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN