Trung Quốc sắp đưa tàu thăm dò lên Mặt trăng

Tàu thăm dò mang tên Hằng Nga-3 của Trung Quốc sẽ hạ cánh xuống Mặt trăng thực hiện sứ mệnh thám hiểm vào tháng tới.

Ngày 25/11, Cục Quản lý Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng Trung Quốc (SASTIND) cho biết Trung Quốc dự kiến ​​sẽ khởi động tàu thăm dò Mặt trăng Hằng Nga-3 vào đầu tháng 12. Cơ quan này cho hay nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch, tàu thăm dò sẽ hạ cánh lên Mặt trăng vào giữa tháng 12 tới đây.

Tàu Hằng Nga-3, bao gồm một tàu đổ bộ và một cỗ xe thăm dò Mặt trăng, sẽ đánh dấu lần đầu tiên một tàu vũ trụ của Trung Quốc hạ cánh lên trên bề mặt của một hành tinh ngoài Trái đất. Đây là giai đoạn hai trong chương trình thăm dò Mặt Trăng ba giai đoạn của Trung Quốc gồm bay quanh quỹ đạo, hạ cánh thăm dò phân tích các mẫu đất đá Mặt trăng và trở về Trái đất.

Trung Quốc sắp đưa tàu thăm dò lên Mặt trăng - 1

Trung tâm nghiên cứu tàu thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc

Trung Quốc đã đặt tên cho cỗ xe thám hiểm Mặt Trăng đầu tiên là "Yutu" (Ngọc Thỏ) sau một cuộc thăm dò trực tuyến nhằm tìm kiếm đề xuất tên cho  cỗ xe mang sứ mệnh lịch sử này. Trong văn hóa dân gian Trung Quốc, Yutu là thỏ cưng màu trắng của Hằng Nga, nhân vật được tôn thờ như nữ thần mặt trăng ở Trung Quốc hàng ngàn năm nay.

Trước đó, Trung Quốc đã phát động cuộc thăm dò tìm kiếm tên cho cỗ xe thăm dò mặt trăng của mình trên phạm vi toàn thế giới thông quan hai trang web là www.xinhuanet.com và www.qq.com từ ngày 25/9 đến 25/10 năm nay. Kết quả là "Yutu" là cái tên đứng đầu danh sách trong khi "Tansuo" (Khám phá), và "Lanyue” (Chinh phục mặt trăng) đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba.

Cỗ xe thăm dò Mặt Trăng này có hai cánh, đứng trên sáu bánh xe, nặng 140 kg và sẽ được chạy bằng năng lượng mặt trời.

Trung Quốc sắp đưa tàu thăm dò lên Mặt trăng - 2

Cỗ xe thăm dò Mặt trăng mang tên Thỏ Ngọc

Trong một cuộc phỏng vấn tháng trước, Zhao Xiaojin , giám đốc bộ phận hàng không vũ trụ của Tổng công ty hàng không vũ trụ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, mô tả các cỗ xe thăm dò Mặt Trăng của nước này được thiết kế và chế tạo sẽ là một vệ tinh thích nghi với môi trường khắc nghiệt, đồng thời là một robot tích hợp có hiệu suất làm việc cao, là "người tuần tra" mang theo giấc mơ của châu Á.

"Khi cỗ xe bay vào quỹ đạo mặt trăng trên một tàu đổ bộ, nó sẽ chọn địa điểm thích hợp và nhẹ nhàng hạ cánh xuống bề mặt Mặt Trăng, sử dụng cảm biến quang học và vi sóng để tránh đá và miệng núi lửa", ông Zhao cho biết thêm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo THX) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN