Trùi trũi kiếp than

Cả cuộc đời họ đã gắn bó với than, ăn cùng than, ngủ trên than, sống nhờ than… và chết cũng về với vùng than ấy.

Xóm than

Trong cái nắng vàng mắt của mùa hè, những phu than vẫn lầm lũi gồng mình mồ hôi túa ra như tắm, mưu sinh trên những đống than đen nhánh. Làm việc khi không được trang bị bất cứ một công cụ bảo hộ lao động nào nên da thịt của họ nhuộm màu đen ánh của than. Những cư dân mưu sinh nhờ than hàng chục năm nay, với họ phía trước luôn là màu đen ấy ám ảnh.

Trong thời gian thăm người nhà đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, chúng tôi gặp một bệnh nhân từ mặt mũi đến chân tay đều lem luốc, làn da sần sùi như một khúc gỗ hóa thạch đang cấp cứu trong tình trạng hết sức nguy kịch. Ban đầu, chúng tôi nghĩ bệnh nhân này nhập viện vì tai nạn lao động, nhưng về sau, khi hỏi thăm bác sỹ mới biết bệnh nhân tên M, bị viêm đường hô hấp cấp và ung thư phổi. Được biết, bệnh nhân làm việc tại một bãi than trên địa bàn TP Ninh Bình.

Trùi trũi kiếp than - 1

Cận cảnh phu than

Từ những thông tin ít ỏi ấy, chúng tôi đã lần tới nơi bệnh nhân này làm việc khi trời vừa nhá nhem tối. Đó là một bãi than nằm gần khu vực núi Dục Thúy (TP Ninh Bình), sát sông Đáy. Tại khu vực bờ sông, chúng tôi thấy lố nhố gần chục người đang đội những thúng than nặng trịch trên đầu, lầm lũi chuyển từ dưới thuyền lên bãi. Thi thoảng, có những chiếc xe tải chạy qua, bật đèn pha sáng trưng. Và nhờ ánh đèn pha này, chúng tôi mới có dịp nhìn rõ hơn những khuôn mặt đen nhẻm của phu than…

Chúng tôi rút máy ảnh ra để tác nghiệp, chỉnh mọi chế độ, bật cả đèn flash nhưng không thể nào chụp được một tấm hình rõ ràng về những phu than mà chỉ nổi lên vài đốm sáng nhỏ trên màn hình. Thử chạm vào cánh tay người phu than Đinh Ngọc Hạnh, quê ở Khánh Trung (Yên Khánh, Ninh Bình), mới biết các lớp bụi than rơi vãi trong quá trình vận chuyển đã phủ lên cơ thể người đội than như một lớp áo giáp, sần lên đen bóng. Anh Hạnh cho biết, cứ sau một ngày làm phu than, anh lại lấy tay gỡ ra từng mảng, bụi than đóng lại từng lớp như bộ giáp đen sì của những chiến binh trung cổ.

Sáng hôm sau, chúng tôi trở lại bãi than. Xóm dân cư sống tạm bợ trên những chiếc thuyền rách nát, chật chội hiện ra trước mắt. Mỗi thuyền có từ 5 đến 7 người cùng chung sống. Trên thuyền là những chiếc cọc tre cong queo, buộc chằng vào đó mấy sợi dây thép hoen gỉ để phơi mấy bộ quần áo vừa cáu bẩn vừa tả tơi. Bên cạnh đó là những chiếc thuyền chở đầy than và một bãi than rộng tới vài trăm mét vuông nằm sát bờ sông Đáy. Cạnh bãi than là những người phụ nữ đang hì hục trộn than với bùn để đóng than tổ ong. Họ ướt đẫm mồ hôi. Mồ hôi quện với bụi than khiến quần áo ai cũng đen bóng như nhựa đường.

Trên mỗi chiếc thuyền, chỉ có một khoảng rộng chừng 4 - 5m2 để làm nơi nấu nướng, ăn uống. Và đó cũng chính là nơi họ ngả lưng hồi sức vào cuối ngày. Mỗi khi trời mưa, không gian nhỏ hẹp ấy lại cõng thêm những chiếc bếp than tổ ong. Vì vậy, quanh năm suốt tháng, họ không chỉ hít bụi than từ nơi bốc dỡ, mà còn hít thêm khói bụi từ những chiếc bếp than tổ ong độc hại.

Trùi trũi kiếp than - 2

Phu than trên những thuyền hàng. Ảnh: Minh Đức

Sinh nghề và tử nghiệp

Trò chuyện với chúng tôi, anh Đinh Ngọc Hạnh cho biết, cuộc đời anh đã gắn bó với nghề phu than suốt 20 năm nay. Ngày nào anh cũng làm việc từ 6 giờ sáng cho tới 20 giờ đêm. Mỗi ngày anh vận chuyển được khoảng 3 tấn than từ thuyền lên bãi. Với năng suất ấy, anh được chủ bãi trả 210.000 đồng. Sau mỗi ca làm việc quần quật, bụi than đóng thành cục trong lỗ mũi, bám dầy lên mi, lên tóc. Anh Hạnh chia sẻ, gắn bó với công việc này lâu năm, tôi cũng quen với bụi bặm gian khổ rồi. Cái nghề mà không ai màng tới này tưởng được yên thân, song cũng có lúc suýt bỏ mạng...

"Lo cho con cái được là đã tốt lắm rồi, thời gian đâu mà nghĩ tới bản thân nữa".

Anh Đinh Ngọc Hạnh

Anh Hạnh chậm rãi: Do áp lực công việc cao, vì phải chạy theo tiến độ hợp đồng của các ông chủ nên phu than phải làm ngày làm đêm, làm cả trong lúc trời mưa to gió lớn để hoàn thiện công việc cho đúng với giao khoán của chủ bãi. Khi đội than vào lúc trời mưa, nước mưa cùng với than chảy vào mắt sẽ rất độc hại. Đơn cử như anh Hà ở xã Khánh Thành (Yên Khánh) đã từng bị hỏng cả hai mắt vì đội than trong mưa với thời gian dài, hoặc bị rụng hết tóc, lột hết da đầu như anh Hùng ở huyện Yên Mô.

Vì vậy, những ngày nắng nóng, mặc dù mệt rã rời, nhưng phu than cũng phải cố gắng gồng mình lên để làm việc. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng anh Hạnh cũng để ra được từ 1,5 đến 2 triệu đồng, tạm đủ tiền chu cấp cho 2 con nhỏ đang ăn học. Hỏi tương lai phía trước là gì, anh cười: “Lo cho con cái được là đã tốt lắm rồi, thời gian đâu mà nghĩ tới bản thân nữa”.

Theo anh Hạnh, những người làm công việc đội than thường mắc các chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp. Bản thân anh Hạnh đã nhiều lần bị ho, viêm họng, thậm chí nhiều lần sốt cao vì lao lực trong thời tiết khắc nghiệt. Những khi ốm đau, anh Hạnh không dám vào viện vì tham công, tiếc việc và tự biết mình không có khả năng chi trả viện phí. Phu than ở đây tự đoán và trị bệnh bằng cách ra hiệu thuốc mua những loại thuốc thông thường.

Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn Dũng ở Khánh Thành (Yên Khánh, Ninh Bình) cũng đã đội than suốt 15 năm nay. Thời học cấp 3 (năm 2004), Dũng đã sớm có bạn gái. Cô bạn gái của Dũng “dính” bầu. Vì xấu hổ, sợ gia đình mắng nên cô đã bỏ học vào TPHCM. Thời gian đó, Dũng nhận được tin bạn gái sinh nở, và sau khi học xong THPT, Dũng mưu sinh đủ nghề, từ móc bùn, xúc cát, kéo xe bò… đến đội than để kiếm tiền lo cho con và người yêu.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2012, có gần 2 triệu người lao động, tức chỉ khoảng 4% lực lượng lao động có việc làm cả nước được khám bệnh, trong đó 7% có sức khỏe loại yếu.

Thời điểm cuối năm 2011, vì có đơn đặt hàng với một doanh nghiệp mà nhóm phu than của Dũng phải đội than cả ngày lẫn đêm, trời mưa cũng không nghỉ. Sau khi đội than ròng rã một tháng trời, nước mưa ngấm vào than, ngấm vào đầu khiến Dũng rụng hết tóc. Sau đó, Dũng xin nghỉ làm, nhưng ông chủ đã lỡ ký hợp đồng với đối tác nên đã giữ tiền công ép Dũng phải làm tiếp.

Không chỉ anh Dũng mà một số đồng nghiệp của anh cũng bị rụng hết tóc vì đội than trên đầu triền miên. Nhiều người ốm nằm liệt giường vì kiệt sức bởi chất độc từ than.

Theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ xóm than này không có một nhà vệ sinh, không nước sạch, không điện, họ sống xa rời toàn bộ tiện nghi cuộc sống hiện đại, chẳng khác nào những thổ dân trên sông Đáy. Tất cả rác thải sinh hoạt, từ cọng rau, cơm thừa, canh cặn… đều được đổ thẳng xuống sông. Và dòng nước ấy là nguồn chính cho họ sinh hoạt hằng ngày.

Một kỷ niệm đau lòng luôn ám ảnh và day dứt anh Dũng, đó là vào tháng 9 năm 2010, trong lúc trời mưa to gió lớn, thuyền chở quá nặng nên có nguy cơ chìm. Mọi người vội vàng đưa bạt, đồ đạc lên bãi than để trú ẩn thì Kiểm, bạn thân của Dũng, sau khi mắc chứng ho một thời gian dài, rồi cộng thêm bệnh tiêu chảy, Kiểm bị kiệt sức, và chết trong tư thế tay vẫn cầm chặt cán xẻng cắm trên đống than để chống chiếc bạt…

Có nhiều vị trí lao động bị ô nhiễm bụi nghiêm trọng, nồng độ bụi toàn phần cao từ 30 - 100mg/m3, vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép từ 15 – 30 lần. Tỷ lệ mắc bệnh bụi phổi - silic trong công nhân ngành than từ 3-14%, trong đó khai thác hầm lò là chủ yếu (chiếm 70%).

Ngoài ra do điều kiện lao động ẩm ướt, tỷ lệ bệnh da nghề nghiệp của công nhân khai thác than là khoảng 40,8%. Trong đó bệnh nấm da có tỷ lệ mắc cao nhất là 27,5%.

Trong tổng số 28 bệnh nghề nghiệp được đưa vào danh mục thanh toán báo hiểm y tế thì bệnh bụi phổi là phổ biến nhất, chiếm tới 74% số ca.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Đức (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN