Trụ cầu "tử thần" trộn gạch: Đẹp để làm gì?

“Trụ cầu bê tông cần gì đẹp? Đẹp để làm gì? Cầu dân sinh ở miền núi chắc chắn là được, sao lại phải đẹp?".

Sở GTVT Lai Châu đã giải thích về trụ cầu Chu Va 6 có gạch là do được ốp để trát vữa cho đẹp. Tuy nhiên, GS.TS. Nguyễn Đình Cống (chuyên ngành kết cấu bê tông cốt thép - Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, đây quả là... chuyện lạ.

Tạo thẩm mỹ

Như đã đưa tin, sau khi có thông tin gạch trộn bê tông trong trụ cầu Chu Va 6, Sở Giao thông Vận tải Lai Châu đã có báo cáo gửi Bộ GTVT và giải thích trên báo chí.

Trả lời chúng tôi, ông Đoàn Đức Long, Giám đốc Sở GTVT Lai Châu cho biết, đoàn công tác của Sở GTVT phối hợp với Ban Quản lý dự án của huyện Tam Đường (cơ quan quản lý, đầu tư cầu) đã xuống kiểm tra cụ thể. Qua đó nhận thấy, cột trụ cổng đã được thi công theo đúng hồ sơ thiết kế. Tuy nhiên, lúc mới làm xong, vì lớp bê tông ngoài gồ ghề, Ban quản lý huyện yêu cầu đơn vị thi công làm phẳng để đảm bảo mỹ quan.

Trụ cầu "tử thần" trộn gạch: Đẹp để làm gì? - 1

GS.TS Nguyễn Đình Cống cho rằng, chuyện lót gạch ngoài bê tông quả là... chuyện lạ.

Ông Long cho rằng, có thể vì khó trát xi măng ngoài lớp bê tông nên đơn vị thi công ốp thêm một lớp gạch ngoài rồi mới gia cố. Ông Long thừa nhận, đương nhiên, phần chịu lực vẫn là trụ cột. Lớp ngoài chỉ tạo mỹ quan.

"Trát vào bê tông vẫn có thể được. Nhưng có lẽ bề mặt gồ ghề, đục đẽo mất thời gian nên đơn vị thi công mới ốp gạch." - Người đứng đầu ngành GTVT Lai Châu nhận định khi được hỏi vì sao không thể trát thẳng vào bê tông mà phải làm thêm một lớp gạch.

Trong báo cáo gửi Bộ GTVT, Sở GTVT tỉnh Lai Châu cũng cho rằng, trụ cổng cầu được đổ bằng bê tông cốt thép theo đúng kích thước thiết kế. Tuy nhiên, sau khi tháo dỡ ván khuôn, vì bề mặt bê tông xấu, không được phẳng, để tạo thẩm mỹ cho cổng cầu, cán bộ tư vấn giám sát đã yêu cầu nhà thầu ốp thêm hàng gạch và trát vữa tạo phẳng.

Trụ cầu bê tông đẹp làm gì (?!)

GS.TS Nguyễn Đình Cống cho rằng, chuyện lót gạch ngoài bê tông quả là... chuyện lạ.

Theo vị giáo sư, đương nhiên, vấn đề cần làm rõ ở đây là khối lượng bê tông ở trụ cầu có đúng như thiết kế hay không. "Nhưng trụ cầu bê tông cần gì đẹp. Đẹp để làm gì? Cầu dân sinh ở miền núi chắc chắn là được, sao lại phải đẹp?" - GS. Cống tỏ ra khó hiểu.

Theo ông Cống, nhiều cây cầu lớn, hoành tráng ở Hà Nội, TP. HCM đâu cần lớp phủ bên ngoài ở trụ bê tông. Ông Cống dẫn tên những cây cầu ở khắp Hà Nội như cầu Thăng Long, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, đơn vị thi công chỉ đổ bê tông là xong, đâu xoa trát ở ngoài. Vị giáo sư cho rằng, cách giải thích đó hơi kỳ cục.

Trụ cầu "tử thần" trộn gạch: Đẹp để làm gì? - 2

Trụ cầu Chu Va được trộn gạch

Tiến sỹ Cống cho rằng, nếu làm đẹp là đẹp ở mặt ngoài. Nhưng qua hình ảnh báo chí đăng tải, ông thấy mặt ngoài trụ cầu Chu Va 6 cũng chỉ được trát vữa, lòi cả gạch ra ngoài. Kể cả muốn trát bên ngoài, mặt bê tông vẫn trát được, đâu cần gạch.

"Từ trước đến nay, tôi chưa thấy trụ cầu bê tông nào mà lại lót một lớp gạch rồi trát vữa." - Vị giáo sư nhấn mạnh.

Theo một kỹ sư chuyên ngành xây dựng dân dụng, việc trát vữa hoàn thiện công trình mà cần lót lớp gạch bên ngoài cũng là điều hiếm thấy. Bởi qua kinh nghiệm thực tế, kỹ sư này cho hay, độ bám của vữa trực tiếp vào bê tông hay gạch đều không khác gì nhau.

Kỹ sư này cho rằng, dù lớp bê tông gồ ghề, sần sùi, đơn vị thi công trát vữa lên cũng không vấn đề gì. Chưa kể, nếu đắp một lớp gạch ở ngoài, thợ xây vẫn phải trát vữa để cho gạch bám vào bê tông. Hai việc đó không khác nhau.

Trụ cầu "tử thần" trộn gạch: Đẹp để làm gì? - 3

Kỹ sư Phan Xuân Đại

Trong khi đó, kỹ sư Phan Xuân Đại (nguyên chuyên viên cao cấp của Bộ GTVT) lưu ý, vụ lật cầu Chu Va 6 vừa qua là do đứt neo giữ cáp. Hai trụ cầu không có vấn đề gì. Chất lượng neo kém mới là nguyên nhân chính làm cầu lật.

Theo ông Đại, về mặt kỹ thuật cầu treo, áp lực của cầu lên 2 trụ cổng bê tông là không đáng kể. Nếu vừa rồi, một trong 2 trụ bê tông bị nghiêng đổ mới là chuyện đáng bàn.

"Cái cần quan tâm bây giờ là chất lượng của neo chứ không phải là cột cổng trụ." - Kỹ sư Đại nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Lật cầu thảm khốc ở Lai Châu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN