Trị bệnh kiểu... “công chúa”!
Chuyện “công chúa Minh Nguyệt” có khả năng trị bá bệnh đang gây xôn xao dư luận nhưng chính quyền vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Như thường lệ, cứ mỗi buổi sáng, con hẻm nhỏ nằm đầu đường Tản Đà, quận 5, TP HCM lại xuất hiện chiếc ô tô 16 chỗ, chở theo một đoàn người từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ xuống nhà “công chúa Minh Nguyệt” tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp để trị bệnh.
“Phải vái tứ phương thôi”
Theo nhiều nguồn tin, những đồn đoán về vị “công chúa” này bắt đầu xuất hiện từ năm 2013. Cô ta tự xưng là người có thể trị được bách bệnh bằng hình thức cực kỳ đơn giản là… dán cao và phun nước miếng!
Sáng 11-11, trong vai người mắc bệnh nan y, chúng tôi đã đăng ký đến nhà “công chúa” chữa trị. Lần này, trên xe có đến 8 phụ nữ, gồm tiểu thương, doanh nhân, nhân viên văn phòng. Suốt chặng đường dài 150 km, đề tài mà mọi người bàn tán đều xoay quanh những vấn đề về bệnh tình và đặc biệt là câu chuyện huyền bí về “công chúa”.
Khi nghe chúng tôi tỏ vẻ nghi ngờ về biệt tài của “công chúa”, người phụ nữ tên Hoa (ngụ quận 11, TP HCM) tức giận: “Trước kia, tôi bị bướu cổ ác tính nhưng sau 7 ngày điều trị tại nhà “công chúa” thì đã hết hẳn và khỏe như... trâu (!?)”. Một phụ nữ khác ngồi trên xe quả quyết: “Hay như vậy, tiền bao nhiêu tui cũng bỏ, lâu bao nhiêu tui cũng chờ”.
“Công chúa” đang trị bệnh cho nhiều người (ảnh trên) và bị lực lượng liên ngành kiểm tra
Trên xe, chị Lê Thị Tuyết (tiểu thương chợ Tân Bình, TP HCM) cũng cho biết vừa phải bán một lượng vàng và một số tài sản khác để làm lộ phí xuống Đồng Tháp nhờ “công chúa” chữa bệnh. Theo chị Tuyết, sở dĩ chị biết đến “công chúa” là nhờ được mách nước từ người quen đã từng khám bệnh nơi đây. “Dạo này, lưng liên tục đau, nhiều khi đi đứng không được. Nghe tin có người ở miền Tây trị được tất tần tật các loại bệnh nên tôi tìm đến. Có bệnh phải vái tứ phương thôi” - chị Tuyết giãi bày.
Hai giờ sau, xe đưa chúng tôi vào một con đường bê tông ở khu chợ Trường Xuân tại ấp 5, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười. Theo tìm hiểu của chúng tôi, suốt 3 năm qua, vùng quê nơi đây bỗng dưng “phát sốt” khi rất đông người dân kéo đến trị bệnh, dao động 30-150 người/ngày. “Nhà tôi ở đầu xóm nên biết mọi người vào ấp này để làm gì. Nhiều khi người lạ ngày nào cũng hỏi nhà “công chúa” riết tôi đau đầu, tính bảo đứa con làm cái bảng chỉ dẫn đặt trước nhà để khỏi phiền phức” - một người dân than phiền.
Trị bệnh bằng... giẫm đạp, phun nước miếng!
Có mặt tại điểm chữa bệnh, chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi căn nhà 3 tầng bề thế của “công chúa”, trong khi bên ngoài có gần 15 người ngồi chờ đến giờ “linh” để diện kiến. Khoảng 30 phút sau, một phụ nữ ăn mặc chẳng khác gì nhân vật trong phim kiếm hiệp xuất hiện, giữa trán còn được đính một viên đá. Vừa bước ra cửa, người này đã gọi ngay chúng tôi là “đệ tử” và xưng mình là… “công chúa”.
Bắt đầu “quy trình” chữa bệnh, “công chúa” cho từng người kể lại bệnh tình, sau đó hứa sẽ điều trị. Hỏi han xong, “công chúa” dẫn mọi người lên một căn phòng nằm trên tầng 2. Ở đây, xung quanh các bức tường dán chi chít hình “công chúa” nhảy múa, trị bệnh cho những “đệ tử” trước đó. Ngoài ra, trên bàn thờ chánh điện còn xuất hiện bức chân dung của “công chúa”, đặt ngang với những vị thần khác!
Theo chỉ dẫn của 2 “tỳ nữ, tỳ nam”, chúng tôi mỗi người cầm một cuốn kinh, do “công chúa” tự soạn thảo, đặt trước mặt để tụng theo. Riêng “công chúa” thì ngồi tréo chân trên một chiếc ghế gỗ được khắc hình bán nguyệt màu trắng, một lúc sau thì bắt đầu nhảy nhót, “lên đồng” và kêu gọi mọi người xung quanh làm theo.
Người đầu tiên được công chúa trị bệnh là bé Hồng Ân (SN 2001; ngụ huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang). Ân có biểu hiện ngơ ngơ giống như bị tâm thần, mẹ của bé vừa lạy vừa kể chi tiết bệnh tình của con gái: “Hơn 3 tháng nay, con tôi liên tục nằm mơ thấy có người đàn ông nào đó quan hệ. Lúc ngủ dậy, cháu thấy ê ẩm, tím hai bắp đùi”. Nghe đến đó, “công chúa” liền phán: “Ma dung tục nhập rồi. Ma nhập thật rồi… Tôi sẽ trị bùa phép cho”.
Sau đó, “công chúa” yêu cầu “tỳ nữ, tỳ nam” đè Ân xuống nền nhà, mặc cho cô bé gào khóc, quằn quại. Lúc này, những người xung quanh rầm rì niệm Phật, còn “công chúa” thì liên tục phun nước miếng vào mặt, đạp lên chân cô bé tội nghiệp. Phương pháp “trục ma, trừ tà” này tiếp diễn hơn 15 phút rồi ngưng, “công chúa”chuyển sang điều trị cho những người khác. Sau đó, từng người một khe khẽ tiến đến trước mặt “công chúa” để được uống nước suối, hứng nước bọt và dán cao vào lưng, bắp đùi.
Để hạ màn, căn phòng tầng 2 bắt đầu mở những bài hát Ấn Độ, nhạc, còn “công chúa” thì nhảy nhót liên hồi. Không gian bỗng chốc như một vũ trường, trong đó có cả ông già, bà lão. Giải thích hiện tượng lạ này, “công chúa” cho biết để xua tan đi mọi thứ và... yêu đời hơn (?!).
Đốp chát với đoàn kiểm tra
Trưa cùng ngày, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Tháp Mười đã đến địa điểm chữa bệnh của “công chúa” để kiểm tra. Có mặt tại địa điểm trên, đoàn liên ngành ghi nhận “công chúa” đang tiến hành tụng kinh, chữa bệnh bằng cao dán cho gần 15 phụ nữ, đàn ông từ nhiều địa phương khác đến.
Thấy đoàn kiểm tra xuất hiện, “công chúa” không hề bộc lộ sự lo lắng. Đại diện Ban Tuyên giáo huyện Tháp Mười chất vấn: “Vì sao lại đặt hình ảnh của chị lên bàn thờ, ngang Phật, tổ tiên?”. “Công chúa” dửng dưng: “Nếu em lấy xuống là chết bởi từ lâu đã chết! Giờ mang xác con người nhưng hồn là công chúa trên trời!”.
Suốt buổi kiểm tra, tất cả những người có mặt đều nhận ra sự bình thản đến kinh ngạc của “công chúa”. Dường như người phụ nữ này chẳng mấy quan tâm về sự xuất hiện của đoàn kiểm tra cùng ống kính báo chí. Cứ thế, mạnh ai làm việc nấy (!). Khi một cán bộ trong đoàn liên ngành kết luận: “Việc nhiều người đến đây chữa bệnh như vậy là mang tính chất mê tín dị đoan” thì lập tức bị những bệnh nhân và người nhà của “công chúa” phản ứng gay gắt với lý do: “Công chúa” đang... cứu độ chúng sinh”.
Sự bất đồng quan điểm giữa đôi bên chỉ kết thúc khi ông Nguyễn Văn Hạnh - cán bộ quản lý hành nghề Phòng Y tế huyện Tháp Mười - đọc biên bản làm việc với nội dung: “Đề nghị ngưng hoạt động chữa bệnh vì người chữa bệnh không có bằng cấp chuyên môn về y học cổ truyền”.
Về phía “công chúa”, mặc dù đã ký nhận nhưng cô ta vẫn tỏ ra không phục: “Tôi thấy mình không làm sai. Bà con chỉ yêu cầu dán cao giùm chứ tôi không trị bệnh và đây là nhà ở chứ không phải cơ sở. Mọi sinh hoạt của tôi vẫn diễn ra bình thường. Hôm sau, nếu bà con đến trị bệnh phải ký cam kết thì tôi mới làm”.
Chi phí vẫn là điều bí ẩn Theo ghi nhận của chúng tôi, cứ mỗi bệnh nhân đến nhà chữa trị, “công chúa” yêu cầu phải mua một hộp cao dán với giá 15.000 đồng và nước suối đóng chai với giá 10.000 đồng/chai (nước suối bán tại nhà này). Ngoài ra, theo chỉ dẫn của “công chúa”, để việc điều trị dứt điểm, bệnh nhân phải lui tới ít nhất 7 ngày liên tục. Những ai ở xa có thể ăn, ở tại nhà “công chúa” và chi phí cho tất cả hoạt động phát sinh này vẫn là điều bí ẩn. |
Nhiều trường hợp tiền mất tật mang Theo xác minh, người phụ nữ tự xưng “công chúa” tên thật là Nguyễn Thị Mỹ Châu (SN 1982, ngụ địa chỉ trên). Châu hiện đã có chồng, 2 con nhỏ và không có bất cứ bằng cấp hay giấy chứng nhận chữa bệnh nào. Khi chúng tôi tìm hiểu về căn nguyên của tất cả mọi việc tổ chức chữa bệnh, thờ cúng, Châu lý giải: “Do cõi trên chọn người chứ tôi không biết (!?). Giữa tháng 3-2013, sau một đêm ngủ dậy, tôi thấy mắt mình sưng lên. Toàn cơ thể nóng ran, khó chịu, xung quanh người phát hào quang. Lúc này, tôi nhận ra mình có khả năng siêu phàm”. Thấy lý do này không thuyết phục, chúng tôi hỏi: “Dùng phương pháp giẫm đạp, đánh đấm để chữa bệnh, chị không sợ chết người sao?”. Châu trả lời: “Chỉ dán keo lên người rồi dùng tay đánh nhẹ vào trán, ngực, lưng... thì làm sao chết được?”. Theo điều tra của chúng tôi, có không ít trường hợp lâm vào cảnh tiền mất tật mang khi tìm đến “công chúa” chữa bệnh. Đơn cử là trường hợp của em Trần Văn H. (16 tuổi; ngụ huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp). Vào tháng 8-2015, H. bị lên cơn sốt mê sảng. Nghe lời đồn thổi, gia đình H. đã đưa em đến nhà “công chúa” trị bệnh. Sau màn “dụng công” giẫm đạp của “công chúa”, thấy H. lên cơn khó thở nên người thân phải năn nỉ được đưa em đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cấp cứu. Bà Nguyễn Thị Trúc Mai, Trưởng Phòng Y tế huyện Tháp Mười, cho biết khó có thể xử lý triệt để địa điểm chữa bệnh mang tính chất mê tín dị đoan của “công chúa” vì không chứng minh được hành động thu tiền người bệnh. Đồng thời, việc xử lý phải có bằng chứng cụ thể, trong khi quyền hạn của cán bộ y tế chỉ là kiểm tra. Tuy nhiên sắp tới, cơ quan chức năng sẽ thành lập đoàn liên ngành với sự tham gia của công an để có hướng xử lý triệt để. “Việc người dân khắp nơi kéo đến trị bệnh, nhờ Châu cứu giúp, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng xấu đến địa phương nên phải có hướng xử lý” - bà Mai kiên quyết. |