TQ: Lập ngân hàng Mỹ giả để lừa đảo

Một lái buôn gạo Trung Quốc vừa bị bắt vì dám lập ra một ngân hành giả tại Mỹ và tuyên bố mua lại chính nó nhằm thỏa mãn con đường công danh.

Tháng 1 vừa qua, Lin Chunping, một lái buôn gạo Trung Quốc ít tiếng tăm bỗng trở nên nổi tiếng khi truyền thông nước này đưa tin anh ta vừa mua lại ngân hàng Atlantic Bank có trụ ở ở bang Delaware, Mỹ.

Vụ thâu tóm chưa từng có tiền lệ khiến anh ta được ca tụng hết lời. Ôn Châu, thành phố quê hương của Lin đã bổ nhiệm anh ta vào một chức vụ chính trị danh tiếng, còn truyền thông nhà nước thì gọi thương vụ kinh doanh của Lin là một “huyền thoại”.  

Câu chuyện của Lin đặc biệt hấp dẫn vì những thương vụ thâu tóm ở nước ngoài vốn được nhiều người Trung Quốc coi là điều đáng tự hào, thể hiện nước này là một cường quốc kinh tế đang trỗi dậy. Nó cũng cho thấy sự thắng thế của Trung Quốc và sự đi xuống của Mỹ.

Thế nhưng, điều duy nhất có thể gọi là "huyền thoại" trong vụ việc này lại chính là gan táo bạo của Lin. Anh ta không những không mua ngân hàng Atlantic Bank với giá 60 triệu USD như đã tuyên bố mà thậm chí chẳng có một ngân hàng nào tên là Atlantic Bank ở bang Delaware.

Trước đó, Lin đã nói với các phóng viên Trung Quốc rằng anh ta phải mất hai năm thương thuyết để mua lại ngân hàng của Mỹ và ngân hàng đó đã tuyên bố phá sản năm 2008 vì cuộc khủng hoảng tài chính. Để tăng tính hấp dẫn cho câu chuyện của mình, Lin cho các phóng viên biết ngân hàng này đã hoạt động 85 năm và được điều hành bởi người Do Thái vốn được nhiều người Trung Quốc nhìn nhận như những doanh nhân có kỹ năng kinh doanh vượt trội.

Câu chuyện thu hút sự chú ý tới mức các nhà báo Trung Quốc thông thạo quy định của ngành ngân hàng Mỹ đã phải cất công điều tra tính hợp pháp trong tuyên bố của Lin. Kết quả là, họ không thể xác định được địa điểm ngân hàng Atlantic Bank hay một ngân hành nào do Lin đăng ký tại Delaware.

“Mọi người đã bị sốc khi nghe tin một doanh nhân Trung Quốc mua được một ngân hàng và điều đáng nói đó lại là một ngân hàng Mỹ”, Zhu Xiaochuan, chuyên gia nghiên cứu luật tài chính Trung Quốc tại Viện tài chính quốc tế CEIBS Lujiazui ở Thượng Hải cho biết. “Ai cũng nghĩ đây là thông tin đáng tin cậy vì nó được đăng tải trên các hãng truyền thông lớn. Công chúng đã quá đỗi ngạc nhiên làm thế nào mà các doanh nhân Ôn Châu lại giàu có đến vậy”.

Lin hiện đã ở trong song sắt. Anh ta bị bắt hôm thứ Bảy tuần trước tại tỉnh Quảng Đông sau hai tuần chạy trốn vì những cáo buộc trốn thuế không liên quan đến vụ ngân hàng.

Khi ngân hàng không tồn tại đó của Lin bị phơi bày hồi tháng Ba, Lin nói rằng anh ta đã “cường điều hóa” câu chuyện để nâng cao vị thế xã hội và nhằm giành chiến thắng trong các cơ hội mới thuộc lĩnh vực ngân hàng.

Lin đã buộc phải từ bỏ chức vụ trong Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (CPPCC) tại thành phố quê hương mà anh ta có được trước đó nhờ vụ “siêu lừa đảo” trên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trung Phạm (Theo AP, RT) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN