TP HCM chìm trong bụi và ô nhiễm

Ngân hàng Thế giới (WB) đã xếp TP HCM vào 1 trong 10 thành phố có mức độ ô nhiễm bụi cao nhất thế giới. Công bố của Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM về kết quả quan trắc chất lượng không khí trong nhiều năm qua cho thấy đang bị ô nhiễm nặng ở cả khu vực ven đường và trong khu dân cư.

Tại Ấn Độ mỗi năm đã có khoảng 1 triệu người chết sớm do ảnh hưởng của ô nhiễm không khí. Song dường như những thông tin rất đáng chú ý trên lại chưa được sự quan tâm của các cơ quan chức năng tại Việt Nam, dẫn tới việc thiếu đầu tư cho công tác quan trắc chất lượng không khí cùng các giải pháp giảm ô nhiễm không khí còn bị buông lơi.

Nhiều chỉ tiêu vượt chuẩn cho phép từ 2 tới 5 lần

Theo Cục Bảo vệ môi trường TP HCM, nhiều chỉ tiêu về môi trường không khí mà các trạm quan trắc chất lượng không khí thành phố ghi nhận được đều vượt chuẩn cho phép, trong đó đáng lo ngại nhất là lượng bụi trong không khí quá cao. Tổng lượng bụi lơ lửng trung bình từ 0,38 – 0,76 mg/m3, vượt quy chuẩn Việt Nam (QCVN 06: 2009/BTNMT) từ 1,26 – 2,55 lần, có những tháng nồng độ bụi lên đến 1,47 mg/m3, vượt QCVN 5 lần. Bên cạnh đó, tại khu vực ven đường, kết quả quan trắc không khí cho thấy: Nồng độ CO trung bình từ 7,66 – 18,72mg/m3, 100% không đạt QCVN, nồng độ NO2 trung bình từ 0,11 – 0,26mg/m3, 45% giá trị không đạt QCVN; nồng độ chì, benzen… cũng vượt xa tiêu chuẩn cho phép. Và tới 98% số liệu quan trắc không khí 5 năm qua tại TP Hồ Chí Minh thể hiện chất lượng không khí rất đáng báo động, trong đó có 3 trạm quan trắc 100% số liệu quan trắc không đạt QCVN.

TP HCM chìm trong bụi và ô nhiễm - 1

Đủ các kiểu “ngụy trang” khi ra ngoài đường nhằm tránh bụi, ô nhiễm

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Tuấn - giảng viên Trường Đại học Tài nguyên Môi trường TP HCM: Sở dĩ chất lượng không khí tại TP HCM kém như vậy do nguồn khí thải từ công nghiệp và giao thông vận tải cao. Lượng khói, bụi trong giao thông ở TP HCM rất lớn. Thành phố quản lý gần 500.000 xe ôtô, 4,5 triệu xe gắn máy các loại, chưa kể hằng ngày có thêm khoảng 60.000 phương tiện giao thông từ những tỉnh, thành khác lưu thông vào TP HCM, hiện tượng kẹt xe ở nhiều tuyến đường cũng làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế kéo theo sự gia tăng các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất… dẫn tới gia tăng lượng khí thải độc hại ra môi trường.

Với mức độ ô nhiễm như vậy, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người, đặc biệt là những người dân thường xuyên làm việc, sinh sống ở khu vực ven đường. Điều này làm gia tăng các loại bệnh tật, gây giảm tuổi thọ, giảm chất lượng sống của người dân. Mức độ ô nhiễm môi trường tỷ lệ thuận với nguy cơ, số lượng mắc bệnh tật ở người. Phân tích từ các chuyên gia y tế, bụi là nguyên nhân làm gia tăng các bệnh phổi mạn tính, viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm xoang; benzen là một trong những tác nhân gây ung thư; nhiễm độc chì là căn nguyên gây tình trạng kém tập trung, suy giảm trí tuệ, phát bệnh về gan, thận; lượng khí CO2, CO trong khói là “kẻ thù” của các hệ hô hấp, tim mạch, hệ thần kinh của con người.

Xóa sổ các trạm quan trắc tự động vì chưa thấy ai chết vì bụi?

Theo PGS-TS Nguyễn Đình Tuấn từ năm 1994, TP HCM đã bắt đầu chương trình quan trắc không khí bằng việc triển khai các trạm lấy mẫu không khí đặt tại các điểm nóng về giao thông và một số điểm ở các khu dân cư: vòng xoay Hàng Xanh, ngã tư An Sương, ngã tư Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Tấn Phát... Sau gần 20 năm hoạt động, đến nay, TP HCM đã triển khai 6 địa điểm quan trắc bán tự động (quan trắc 10 ngày trong tháng, mỗi ngày 3 lần) và 9 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, đo đạc các thông số như: hàm lượng chì, CO, bụi, benzen… Tuy nhiên, từ năm 2011, vì nhiều lý do, các trạm quan trắc này bị hư hỏng và đã bị “xóa sổ” hoàn toàn. Chỉ tiêu quan trắc benzen cũng bị hủy bỏ với lý do chưa thấy ai “chết” vì ô nhiễm benzen (?!).

PGS-TS Nguyễn Đình Tuấn chia sẻ: Hiện hệ thống quan trắc tự động bị hủy bỏ do trước kia được đưa vào hoạt động nhờ vào nguồn vốn viện trợ nước ngoài. Hơn nữa ta chỉ dừng lại ở việc đưa ra các số liệu đánh giá ô nhiễm mà không chỉ rõ những tác hại cụ thể của nó nên nhiều người không hình dung được sự nguy hiểm của ô nhiễm môi trường không khí. Duy trì được một số trạm quan trắc bán tự động nhưng số liệu từ các điểm quan trắc này thường có sai số lớn, vì mới chỉ xác định được chất lượng không khí vào giờ cao điểm. Nếu tính chi phí đầu tư khôi phục hệ thống quan trắc không khí tự động ở TP HCM vào khoảng 2 triệu USD (cho 9 trạm quan trắc) thì cũng không phải là chi phí quá lớn. Đặc biệt cần khôi phục việc quan trắc benzen vì nồng độ benzen đo được trong không khí ở TP HCM có những thời điểm vượt trên 10 lần tiêu chuẩn cho phép

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo H. Nga (Công an nhân dân)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN