Tiết lộ của “người rừng” về “bùa gọi thú" kỳ lạ
Để có thể bảo vệ mình, tìm kiếm được thức ăn, “người rừng” Đinh Văn Toán không chỉ dựa vào sự mưu trí, gan dạ, mà đôi khi còn phải dựa vào bản năng sinh tồn độc đáo ở nơi rừng thiêng nước độc.
Đứng trước những khó khăn của cuộc sống, “người rừng” vẫn chưa một lần cảm thấy run sợ. Bởi, ông Toán đã nắm giữ trong tay những “bí ẩn” của rừng xanh. Ông bảo: “Đó là một loại “bùa” dùng để phòng thân, xua đuổi thú rừng, thậm chí là để “khuất phục” những con thú hung bạo nhất. Nhờ có nó, tôi trở nên mạnh mẽ và tự tin để sống giữa đại ngàn”.
Bí ẩn mang tên “bùa gọi thú rừng”
Đối với người dân bản Mường, giai thoại về các loại “bùa yêu”, “bùa giữ chồng” hay thậm chí “bùa điên” không còn quá xa lạ. Thế nhưng, như chính người dẫn đường cho chúng tôi thừa nhận, “bùa gọi thú” mà ông Toán nắm giữ bí quyết thì bản thân anh và cả người dân xứ Mường cũng chẳng mấy người biết đến. Theo “người rừng”, ông là người duy nhất của người Mường Ao Tá được truyền thụ lại thứ bùa chú đặc biệt này. Đến giờ, “người rừng” cũng chưa có ý định truyền lại cho ai khác, bởi ông nghĩ, chẳng có ai xứng đáng và có đủ trí, đức để ông truyền thụ. “Nó (bùa “gọi thú” – PV) sẽ theo tôi đến cuối cuộc đời, và tôi cũng không có ý định truyền lại cho bất kỳ ai cả. Tôi chỉ sợ, nếu mắc sai lầm khi lựa chọn truyền nhân. Rất có thể, họ sẽ làm tổn hại đến xã hội, đến bản Mường”, ông Toán chia sẻ.
Để làm được “bùa gọi thú rừng”, theo ông Toán cũng không phải là điều đơn giản. Bình thường, ông chỉ dùng loại “bùa” bí ẩn này để bẫy thú rừng. Với các loại như chuột, sóc, chồn…, “người rừng” sử dụng những chiếc bẫy sắt cũ kỹ, hoặc những chiếc bẫy bằng dây rừng. Khi không dùng đến, bẫy sắt được ông treo lên “gác bếp” để tránh bị rỉ sét.
Ông Toán chia sẻ, “bùa gọi thú” chỉ được ông dùng vào những ngày ghi nhớ thời khắc quan trọng của cuộc đời. Bởi theo ông, những ngày này ông phải bắt những con thú lớn. Với sức ông, lúc trẻ và thời điểm còn nhiều thú hoang thì ông không phải dùng đến “bùa chú”. Nhưng khi tuổi đã cao, chân đã chậm, và thú ở rừng sâu trong rừng tự tìm đến bẫy của ông. Ông cũng chỉ chờ có vậy, nhẹ nhàng tới cắt lấy cái đuôi của nó rồi trở về. Theo lời “người rừng”, “bùa” sẽ mất tác dụng sau 24 tiếng đồng hồ.
“Tôi chỉ cần lấy cái đuôi của nó, chứ chẳng khi nào tôi muốn giết nó cả. Có lẽ, các anh đang tự hỏi, vì sao tôi lại chỉ lấy mỗi cái đuôi của thú rừng, mà lại không bắt nó ý? Theo truyền thống của gia đình tôi từ nhiều đời trước, mỗi khi đi rừng, nếu gặp những con thú lớn, các cụ thường cắt lấy cái đuôi, và coi nó như một chiến lợi phẩm đánh dấu sự mạnh mẽ, và bản lĩnh của mình với bản làng. Một điều hết sức quan trọng nữa, “bùa gọi thú” rừng được tạo ra nhờ máu chảy từ đuôi của một con thú nào đó. Sau khi đọc khẩu quyết, tôi chỉ việc ngồi chờ con mồi sập bẫy”, ông Toán tâm sự.
Người rừng bất ngờ khi nhìn thấy tiền, mì tôm, những thứ mà rất lâu rồi ông không nhìn thấy.
Trước khi vào rừng đặt bẫy, "người rừng" chuẩn bị một cây nứa cao cỡ đầu người, rồi dùng một cái quần, hay cái áo của mình quấn lại tạo thành một vòng tròn treo lên đầu cây nữa. Sau đó, ông Toán sẽ dùng một ít máu từ đuôi của một con thú rừng bị ông cắt trước đó (ông Toán giữ máu của các con thú trong một cái ống nứa để vào một góc của bàn thờ - PV), rồi nhỏ 3 giọt máu vào chính giữa vòng tròn vừa quấn. Tiếp đó, “người rừng” sẽ dùng một ít máu của con thú để lên bàn thờ và thắp hương cho tổ tiên, báo với tổ tiên về việc ông sẽ đi săn, và sử dụng loại “bùa gọi thú rừng”. Sau khi thắp hương cho tổ tiên, “người rừng” sẽ độc khẩu quyết vào vòng tròn được treo trên cây nứa trước đó. Khoảng 10 – 15 phút sau, “người rừng” sẽ mang vòng tròn vừa niệm thần chú, cùng với một cái bẫy bằng dây rừng, đem đến nơi mà ông định đặt bẫy. Trong khi đặt bẫy, ông Toán sẽ nấp vào một bụi cây ở gần đó, rồi tiếp tục đọc những câu thần chú khác. Không lâu sau, con mồi tự tìm đến…
“Người rừng” không muốn rời hang
Sở hữu những thứ “bùa chú” được cho là “bùa” phòng thân, giúp người rừng có thể sinh tồn nơi đại ngàn, thoát khỏi nanh vuốt của những loài thú rừng hung dữ nhất. Nó khiến ông Toán thêm tự tin, và vững vàng vượt qua sự gian khổ, khắc nghiệt trong môi trường hoang dã. Thế nhưng, không phải lúc nào thứ bùa chú kia cũng phát huy tác dụng. Đã có lần, ông thiếu một chút nữa là mất mạng vì nó.
Ông Toán kể lại: “Cách đây 3 hay 4 năm, tôi chút nữa đã bỏ mạng nơi rừng Lắn này. Tôi nhớ, hôm đó là kỷ niệm ngày cưới. Như thường lệ, tôi sử dụng “bùa gọi thú rừng” của mình, những mong sẽ bắt được một con thú để kỷ niệm ngày cưới. Vô tình hôm đó, bẫy của tôi không dính thú rừng mà lại bẫy được một con rắn hổ mang chúa. Xui xẻo hơn, ngày hôm trước có một người đi săn ghé vào hang thăm tôi, và cho tôi một chai rượu. Lâu ngày không có hơi men, tôi đã uống cạn chai. Điều tối kỵ nhất trong khi làm “bùa gọi thú” là không được phép uống rượu, nếu không “bùa” sẽ bị hạn chế tác dụng. Khi tôi loay hoay cắt xong cái đuôi của con rắn hổ chúa thì cũng là lúc phép bùa hết phép. Con rắn nhanh như cắt, cắn tôi một nhát rồi trườn mất vào cánh rừng trước mặt. Hôm đó, tôi không chết vì may mắn còn nhớ được bài thuốc chữa rắn cắn của các cụ truyền lại đấy”.
Sau lần ấy, “người rừng” hiểu không chỉ dựa mãi vào “bùa chú”. Những năm gần đây, ông Toán vẫn đi đặt bẫy trong những ngày quan trọng, song không còn dùng “bùa chú” nữa. Ông Toán tâm sự: “Giờ đây, thú rừng cũng hiếm, sức tôi cũng chẳng còn khỏe mạnh như trước nữa. Tôi chỉ còn đặt bẫy và bắt mấy con chuột hang, vừa để ăn, vừa lấy đuôi của nó treo gác bếp. Thứ chuột ấy, chẳng khi nào hết ở cánh rừng này cả”. Đáng nói, dù không còn tinh nhanh và khỏe manh, ông Toán chẳng bao giờ nghĩ đến việc ra khỏi rừng, về bản làng sinh sống. Đã có nhiều lần, các cháu lặn lội vào hang, thậm chí ép ông trở về bản sống nốt những ngày tháng tuổi già. Nhưng về đến nhà, vết thương trong quá khứ lại trỗi dậy, ông càng đau khổ và thấy tủi cực hơn. Rồi nhớ rừng, nhớ hang, nhớ cây sáo Ôi, ông Toán lại trốn vào rừng.
Chia tay “người rừng” Đinh Văn Toán, chia tay cánh rừng Lắn đầy bí ẩn. Trước khi ra về, "người rừng" còn dẫn chúng tôi ra khoe những sản vật mà ông đã bắt đầu nuôi trồng được, ở cái nơi heo hút mây ngàn này. Đó chỉ là những cây rau cải nương, những cây táo, cây mận hoang dại, cùng với vài ba con lợn rừng đã được ông thuần hóa. Nhưng với ông, đó là niềm vui, là hạnh phúc. Ông bảo: “hạnh phúc của tôi đơn giản chỉ có vậy, gần 40 năm sống ở đây, giờ đã quen “mùi” của rừng rồi. Cánh rừng này đã cưu mang, che trở tôi gần nửa cuộc đời, khi tôi chết, tôi muốn hồn mình vào với cánh rừng mẹ bạt ngàn”. Chiều tàn, cánh rừng Lắn càng trở nên âm u tĩnh mịch, và lạnh lẽo hơn. Bên bếp lửa hồng bập bùng, người rừng cầm cây sáo lên thổi những giai điệu quen thuộc. Tiếng sáo Ôi réo rắt, vun vút phát tan sự tĩnh lặng cả khu rừng. Giai điệu rời rạc, trầm bổng như chính cuộc đời bất hạnh và trái ngang của ông vậy.
Chính quyển địa phương đành bó tay Tâm sự với chúng tôi về trường hợp của người rừng Đinh Văn Toán, ông Bùi Mạnh Tưởng – Chủ tịch UBND xã Tiền Phong chia sẻ: “Trường hợp của ông Toán, chúng tôi rất tiếc là giấy tờ của ông ấy đã mất hết, nên không thể làm các chế độ được. Thế nhưng, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần lặn lội lên tận hang Lắn, vận động ông Toán trở về với cuộc sống đời thường, với bản làng, mà ông ấy nhất quyết không chịu. Chúng tôi muốn đưa ông ấy vào danh sách những người được hưởng trợ cấp xã hội, người nghèo không nơi nương tựa, mà cũng khó khăn lắm. “Người rừng” thì chỉ thích ở trong rừng thôi. Riêng chuyện ông Toán có bí quyết “bùa gọi thú”, cá nhân tôi cho rằng cần phải có thời gian kiểm chứng. “Bùa” được người xứ Mường coi là một nét văn hóa tâm linh đặc biệt. Song “bùa gọi thú” thì chưa từng nghe có ai chế tạo được”. |