Thuế TNCN: Sửa sớm cho dân được nhờ!
Tại buổi họp góp ý dự thảo sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức chiều 19/10, nhiều đại biểu cho rằng nên xem xét lại thời điểm áp dụng, thay vì chờ đến tháng 7/2013.
Hầu hết ý kiến đều cho rằng nên áp dụng sớm Luật thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) thay vì phải chờ đến tháng 7/2013.
Nhiều đại biểu cho rằng thuế TNCN hiện nay chỉ mới “nắm người có tóc”, chủ yếu là những người làm công ăn lương với thu nhập ổn định mà chưa có phương án điều tiết thu nhập của những đối tượng khác để tạo sự công bằng trong xã hội...
Nên áp dụng từ tháng 1/2013
Ông Trần Hiếu Liêm, phó Phòng lao động, tiền lương - tiền công Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, băn khoăn về thời điểm áp dụng Luật thuế TNCN sửa đổi. “Mỗi lần điều chỉnh tăng lương là chỉ số giá tiêu dùng tăng theo, trong khi đó đến tháng 7/2013 Luật thuế TNCN sửa đổi mới có hiệu lực thì trượt giá đã tăng cao so với thời điểm hiện tại. Nên xem xét lại lộ trình áp dụng Luật thuế TNCN sửa đổi sao cho phù hợp. Trường hợp áp dụng thời điểm tháng 7/2013 thì nên nâng mức giảm trừ lên 10 triệu đồng thay cho mức đề xuất 9 triệu đồng/người/tháng cho phù hợp” - ông Liêm nói.
Gia đình chị Nguyễn Thanh Vân và anh Nguyễn Văn Hòa (Hà Nội) có hai con trai đang học lớp 2 và lớp 5. Thu nhập của hai anh chị khoảng 6-8 triệu đồng nên cuộc sống hết sức chật vật - Ảnh: Nguyễn Khánh
Ông Trần Du Lịch, phó Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cũng cho rằng thời điểm áp dụng mức giảm trừ mới nên ngay từ tháng 1/2013 thay vì đợi đến tháng 7/2013. Theo ông Lịch, không có gì khó khăn đến mức phải dời đến tháng/7-2013 mới áp dụng vì đây không phải là luật mới. Hơn nữa, nếu áp dụng vào đầu năm sẽ dễ tính toán hơn cho cơ quan quản lý, người lao động cũng bớt phần nào khó khăn. Ngoài ra, biểu thuế lũy tiến từng phần nên rút lại còn sáu bậc và nới rộng các bậc thuế để giảm bớt việc điều tiết thuế.
Nên giãn bậc thuế Bà Trịnh Thị Thu Thủy, trưởng phòng thuế TNCN Cục Thuế TP.HCM, cho rằng biểu thuế lũy tiến từng phần hiện nay quá dày nhưng tờ trình sửa đổi luật lần này không thấy đề cập việc sửa đổi. Bà Thủy kiến nghị nên bỏ bậc 7 biểu thuế lũy tiến từng phần, đồng thời kéo giãn các bậc thuế còn lại và hạ bậc 1 biểu thuế lũy tiến xuống mức 3% để mức điều tiết thuế không tăng quá nhanh. |
“Một trong những điều khiến tôi băn khoăn nhất hiện nay là vấn đề thu thuế, vì cuối cùng chúng ta chỉ thu được thuế TNCN của người làm công ăn lương, trong đó có số đông những người làm trong những lĩnh vực nặng về chất xám, nhất là ngành khoa học kỹ thuật hoặc giữ các chức vụ cao ở các tập đoàn nước ngoài.
Việc điều tiết thuế ở bậc 7 với mức 35% vô tình làm cho họ mất động lực phấn đấu. Trong khi đó người kinh doanh hoặc làm các nghề lao động tự do thu nhập rất cao nhưng cơ quan thuế lại không điều tiết thuế được. Nhiều người phản ảnh với tôi là họ làm trong các tổ chức quốc tế, được mua bảo hiểm quốc tế, được chi phí đi học cho con... nhưng các khoản này vẫn bị tính là thu nhập rồi điều tiết ở mức rất cao” - ông Trần Du Lịch nói.
Ông Vũ Huy Hoàng (Bình Chánh) cho rằng chính sách thuế chủ yếu đánh vào cán bộ viên chức, người làm công ăn lương chứ những đối tượng khác chưa quản lý hết được. Ông kiến nghị cơ quan quản lý có biện pháp điều tiết thu nhập những đối tượng khác để tạo sự công bằng xã hội, thay vì chỉ tập trung vào số ít “người có tóc” như hiện nay. “Trượt giá từ năm 2007 đến nay là hơn 40%. Quốc hội nên xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh sớm. Thực tế như vậy, bây giờ mới có dự thảo, vậy thì bao giờ thông qua và áp dụng cho kịp với biến động thực tế?” - ông Vũ Huy Hoàng đặt vấn đề. Ông cũng kiến nghị do đặc thù chi phí sinh hoạt ở TP.HCM và Hà Nội quá cao nên cho hai địa phương này cơ chế giảm trừ riêng thay vì đánh đồng một mức như hiện nay.
Giảm trừ chưa đủ nuôi con
Tại buổi góp ý dự thảo cũng có nhiều ý kiến về mức giảm trừ cho người phụ thuộc. Bà Huỳnh Thị Ngọc Liên, phó trưởng phòng bình đẳng giới Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, cho rằng mức giảm trừ cho người phụ thuộc theo đề xuất (3,6 triệu đồng/người phụ thuộc/tháng) là hơi thấp, không đủ để lo các khoản ăn, học, giải trí... cho con.
Tương tự, ông Trần Hiếu Liêm cho rằng nên nâng lên bằng khoảng 50% mức giảm trừ cho người lao động, tức khoảng 4,5 triệu đồng, mới đảm bảo chăm lo cho người phụ thuộc trong điều kiện hiện nay. Theo ông Vũ Huy Hoàng, nhu cầu chi xài của con cái còn cao hơn người trưởng thành vì đủ thứ chi phí như tiền học chính thức, học thêm và còn bao nhiêu chi phí khác.
Về quy định sẽ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi mức trượt giá cộng dồn vượt quá 20%, nhiều đại biểu cho rằng nên quy định cụ thể hơn. Cụ thể khi trượt giá biến động quá 20% thì trong thời gian bao lâu sẽ nâng mức giảm trừ gia cảnh chứ không nên quy định chung chung. Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Liên, để đơn giản và tránh việc mức giảm trừ gia cảnh bị lạc hậu trượt giá, nên căn cứ theo số lần của lương tối thiếu để khi lương tối thiểu tăng thì mức giảm trừ cũng được tăng theo. Chứ nếu đặt ra hướng sẽ điều chỉnh khi trượt giá quá 20%, chắc chắn sẽ có độ trễ khi điều chỉnh, người lao động sẽ bị thiệt thòi.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu cho rằng hiện nay cơ quan quản lý chỉ mới tận thu các nguồn dễ thu, trong khi có những nguồn thu rất lớn khác như bất động sản chưa quản lý được. Bà Đoàn Thị Từ Vi Tử, đại diện Chi cục Thuế Q.7, cho rằng Luật thuế TNCN trước đây chưa bao quát được các trường hợp thực tế có thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản dưới hình thức khác như làm hợp đồng ủy quyền, cho tặng. Do vậy việc sửa đổi quy định thuế TNCN với chuyển nhượng bất động sản theo hướng điều tiết các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản là hợp lý.