Thông tin công dân: Xài phải trả tiền
Ai được khai thác thông tin cơ sở dữ liệu dân cư, ai phải nộp tiền, nộp như thế nào…, Bộ Tài chính sẽ phê duyệt và hướng dẫn cụ thể.
Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 90/2010 về cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia do Bộ Công an xây dựng đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Theo dự thảo này, số lượng thông tin về công dân được thu thập sẽ ít hơn so với trước đây. Đặc biệt, việc khai thác hệ thống thông tin của công dân trên cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia sẽ bị tính phí.
Bắt buộc kê khai 16 trường thông tin
Đại diện cơ quan soạn dự thảo nghị định cho biết cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được xây dựng thống nhất trên cả nước để dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ sở dữ liệu này sẽ cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư để phục vụ công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu của người dân.
Theo dự thảo, mỗi công dân bắt buộc phải kê khai 16 trường thông tin, gồm: Số định danh cá nhân; ảnh chân dung; họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; số CMND 9 số; nơi thường trú; nơi ở hiện tại; nghề nghiệp; họ và tên, số định danh cá nhân, quốc tịch của cha, mẹ; ngày, tháng, năm chết.
So sánh với Nghị định 90/2010 hiện hành, nhiều thông tin sẽ không còn được thu thập nữa, như: Hộ chiếu; thẻ bảo hiểm y tế; mã số thuế cá nhân; trình độ học vấn; trình độ chuyên môn, kỹ thuật; tình trạng hôn nhân; họ và tên chủ hộ, quan hệ với chủ hộ, số sổ hộ khẩu.
Những thông tin trong CMND cũng bắt buộc phải kê khai khi cơ quan chức năng thu thập thông tin cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Trong ảnh: Người dân TP HCM làm thủ tục xin cấp CMND. Ảnh: TẤN THẠNH
Bộ Công an cho biết khi thực hiện thủ tục hành chính khiến phát sinh, thay đổi thông tin cơ bản về công dân tại cơ sở dữ liệu, đơn vị làm thủ tục hành chính có trách nhiệm chuyển thông tin đó cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu để cập nhật. Bộ Công an sẽ được Chính phủ giao quản lý cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia này.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại tá Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Quản lý cư trú và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (C72 - Bộ Công an), cho rằng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chỉ xây dựng “bộ khung” thông tin cơ bản về mỗi công dân. “Các ngành như thuế, ngân hàng, hải quan, y tế… bắt buộc sẽ phải truy cập và sử dụng những thông tin thuộc “bộ khung” đó. Tùy thuộc vào yêu cầu quản lý, các ngành này có thể bổ sung thông tin cho phù hợp” - ông Dung nói.
Kết nối, tương tác
Theo dự thảo nghị định, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công an và UBND tỉnh, thành phố bố trí kinh phí thường xuyên cho hoạt động của hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Đặc biệt, việc thu phí khai thác và sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu công dân này cũng sẽ được hướng dẫn.
“Có một nhóm doanh nghiệp công nghệ thông tin kiến nghị với Chính phủ cùng nhiều cơ quan chức năng rằng họ hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ và xây dựng được hệ thống thu phí sử dụng dữ liệu dân cư quốc gia. Việc thu phí sẽ được thực hiện như một dạng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) vậy. Còn ai được khai thác thông tin, ai phải nộp tiền, nộp như thế nào thì sau này Bộ Tài chính sẽ phê duyệt và hướng dẫn cụ thể” - ông Dung giải thích.
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ được giao chủ trì phối hợp với Bộ Công an xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn quy chuẩn kết nối, tương tác giữa hệ thống thông tin của các cơ quan hành chính nhà nước với hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư. Hai bộ này sẽ ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về thu thập, cấu trúc, mô tả, mã hóa, trao đổi, chất lượng dữ liệu và các yêu cầu khoa học, công nghệ thông tin phục vụ cho cơ sở này.
Chìa khóa giảm thủ tục, giấy tờ
Lãnh đạo C72 cho biết năm 2014, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Ban Chỉ đạo Đề án 896 về đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ công dân sẽ tiến hành rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến giấy tờ công dân, đồng thời trình Quốc hội Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch… làm cơ sở gốc cho việc giảm giấy tờ, thủ tục công dân.
“Khi nào chúng ta có một hệ thống thông tin về công dân vững mạnh rồi thì có thể tiến tới cấp thẻ thông minh (ID) để mọi người có thể sử dụng cho nhiều dịch vụ, giao dịch khác nhau” - đại tá Vũ Xuân Dung kỳ vọng.
Hiện Bộ Công an chuẩn bị trình Chính phủ phương án cấp mã số định danh cá nhân với thuật toán như cấp CMND mới 12 số đang thực hiện tại Hà Nội. “Chúng ta đã thống nhất phương án dùng số định danh cá nhân và số CMND 12 số là số duy nhất. Sau này, công dân chỉ có một số đó mà thôi. Số này sẽ là chìa khóa để giảm thủ tục, giấy tờ” - ông Dung quả quyết.
Mở rộng cấp CMND 12 số Bộ Công an đang tiến hành tập huấn lực lượng để có thể tiến hành cấp CMND mới 12 số trên toàn TP Hà Nội trong thời gian sắp tới. “Trong kế hoạch của chúng tôi, nếu Chính phủ chi thêm tiền thì sẽ tiến hành cấp CMND mới ở TP HCM, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định và Thanh Hóa ngay trong năm 2014 này” - ông Dung nói. |