Tăng giá xăng, vì sao không giảm thuế?

Sự kiện: Giá xăng

Bộ Tài chính không giảm thuế nhập khẩu xăng dầu vì còn liên quan đến cam kết với nước ngoài. Tuy nhiên, nếu 10 ngày tới, diễn biến giá thế giới tiếp tục xấu đi thì Bộ Tài chính sẽ áp dụng đồng thời các công cụ điều tiết giá xăng dầu, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết.

Chiều 28/8, ngay sau khi phát “lệnh” chấp thuận tăng giá xăng dầu, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã trả lời các vấn đề liên quan quyết định này.

Không giảm thuế vì cam kết với DN nước ngoài

Thưa ông, vì sao Bộ Tài chính yêu cầu không chế mức 700 đồng/lít đối với xăng?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm tại Singapore bình quân 30 ngày gần đây so với 30 ngày trước đã tăng rất mạnh. Cụ thể, xăng tăng 13,24%, dầu diezen tăng 8,66%, dầu hỏa tăng 9,59% và madut tăng 8,01%.

Chiều nay, 28/8, liên Bộ cho phép các DN định giá trong khung quy định nhưng khống chế mức tăng là chỉ bằng 50% mức đề xuất tăng. Phần lỗ còn lại sẽ được bù giá từ Quỹ bình ổn.

Tăng giá xăng, vì sao không giảm thuế? - 1

Ông Nguyễn Tiến Thỏa (Ảnh: P.H)

Nếu tính cả lợi nhuận định mức và chưa bù từ Quỹ bình ổn, giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ đối với xăng là 1.452 đồng/lít, dầu diezen là 917 đồng/lít, dầu hỏa 1.058 đồng/lít và dầu madut là 674 đồng/lít.

Tuy nhiên, lần này, Bộ yêu cầu các DN khi tính giá cơ sở, không tính khoản lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Thêm vào đó, sau khi được bù từ Quỹ bình ổn giá 500 đồng/lít xăng và 300 đồng/lít đối với các mặt hàng dầu, chúng tôi tính toán mức giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành đã giảm.

Theo đó, xăng chỉ còn chênh lệch 652 đồng/lít, dầu diezen còn chênh 317 đồng/lít, dầu hỏa chênh lệch 458 đồng/lít và dầu madut chỉ còn chênh lệch 74 đồng/lít.

Như vậy, mức khống chế trên là tương đương với mức chênh lệch khi không tính lợi nhuận định mức và được bù từ Quỹ bình ổn.

Thuế đang chiếm trên dưới 6.000 đồng/lít, trên 30% tỷ trọng trong giá xăng. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ chỉ chú trọng nguồn thu cho ngân sách. Vì sao Bộ Tài chính không giảm thuế?

Thuế hiện nay đang thấp hơn barem Nhà nước quy định rất nhiều. Bên cạnh đó, vấn đề thuế nhập khẩu còn liên quan đến cam kết với các DN nước ngoài trong đầu tư các nhà máy lọc dầu, tối thiểu phải là 7%. Chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng vấn đề này và đề nghị thuế tạm giữ như hiện nay.

Tuy nhiên, nếu giá thế giới tiếp tục tăng, diễn biến xấu, bất lợi thì chúng tôi sẽ sử dụng đồng bộ các giải pháp điều tiết thị trường xăng dầu. Giờ, chúng tôi không thể nói trước 10 ngày tới giá thế giới tăng thì sẽ giảm thuế.

Về ý kiến cho rằng, bộ chỉ chú trọng nguồn thu ngân sách, tôi xin nhấn mạnh lại rằng, chính vì xử lý theo hướng không tác động nhiều đến sản xuất, tiêu dùng nên chúng tôi chỉ cho phép các DN có thể định giá tăng bằng 50% mức giá phải tăng mà các DN tính theo Nghị định 84. Thực chất, mức các DN tính là mức tính theo quy định của Nhà nước, còn thực tế, giá bán lẻ so với giá vốn của DN thực sự thì khác.

Nếu chúng ta cho mọi nguồn lực huy động như thuế, quỹ về 0% hết thì sẽ không còn nguồn lực để bình ổn giá, hài hòa các lợi ích.

Nhà nước không buông giá xăng dầu

Vì sao Bộ Tài chính không giảm mức trích Quỹ bình ổn giá? Hiện nay, mua mỗi lít xăng dầu, người dân phải bỏ thêm 300 đồng/lít vào Quỹ làm tăng giá bán xăng?

Quy định 300 đồng/lít trích Quỹ này là cho phép tính vào giá thành sản xuất của DN. Nếu giờ không trích thì chúng ta sau này sẽ không có nguồn để sử dụng bù ra, để mức giá tăng thấp hơn. Tính đến nay, số dư Quỹ bình ổn giá mới được 500 tỷ đồng.

Nguồn lực Quỹ đã sử dụng hết để bình ổn vào năm 2011 và đầu năm 2012 nên quỹ ở một số DN hiện nay vẫn đang âm. Do đó, chúng ta cần tiếp tục trích để bù đắp lại số “âm” này.

Trong 2 năm vừa qua, chúng tôi cũng không thể tính được nguồn thu hàng năm từ xăng dầu vì thuế về 0%, quỹ có lúc ngừng trích. Từ tháng 5/2012, khi giảm giá, chúng tôi mới có cơ hội tăng thu trở lại các nguồn lực này cho xăng dầu.

Tăng giá xăng, vì sao không giảm thuế? - 2

Nhà nước sẽ áp dụng nhiều công cụ để điều tiết giá xăng (Ảnh: PH)

Tại sao vừa qua, giờ tăng giá xăng dầu thường rơi vào 18 - 22h tối?

Điều này chúng tôi xin tiếp thu. Vừa rồi, chúng tôi định phát văn bản chấp thuận tăng giá lúc 17h chiều nhưng sau đó lùi lại từ 16h30. Vì 17h là lúc đã tan giờ làm, DN còn phải đóng cửa kiểm tra mất 30 phút.

Chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Công Thương, lưu ý về giờ giấc điều chỉnh cho minh bạch, hợp lý, phù hợp.

Vậy, giá xăng dầu nếu tiếp tục biến động thì đến lúc nào, Bộ Tài chính sẽ “rút” lại quyền định giá cho DN như hồi đầu năm 2010? Có phải, việc điều hành thị trường này theo Nghị định 84 đang bị rối?

Nghị định 84 đã quy định rõ, nếu giá cơ sở tăng 7% so với giá bán lẻ, DN được quyền định giá. Nếu mức tăng này từ trên 7-12%, DN được tăng 60%, 40% bù từ Quỹ. Còn nếu tăng giá cơ sở trên 12% thì Nhà nước sẽ can thiệp.

Chúng ta hiểu là việc giao quyền định giá cho DN như vậy là trong biên độ, trong sự kiểm soát của Nhà nước. Tuy giao nhưng khi điều chỉnh, DN phải đăng ký giá với Bộ, tuân theo cả tần suất như tính giá bình quân 30 ngày. Ở đây, không phải giá xăng dầu được “thả giá” cho DN, không phải là Nhà nước buông giá xăng dầu.

Hiện nay, Nhà nước đang can thiệp vào giá xăng dầu là đúng. Vì điều 27 Nghị định 84 đã quy định, trong điều kiện nền kinh tế cần bình ổn, Bộ có quyền sử dụng các công cụ điều tiết thị trường. Ngoài ra, việc điều hành xăng dầu còn luôn phải đảm bảo đủ cung ứng xăng dầu, giá cả hợp lý.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Huyền (Vietnamnet)
Giá xăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN