Tâm sự đẫm nước mắt của người vợ thủy thủ
Trong lá thư gửi về cho vợ từ nhà tù Trung Quốc, thuyền trưởng Đỗ Đình Giáp tâm sự về quả đắng trong nghề thủy thủ: “Em và gia đình cứ coi như anh đang đi du học một thời gian. Sau này về anh sẽ bỏ nghề và làm công việc khác…”.
LTS: Nhiều thuyền viên Việt Nam đi đánh thuê ở nước ngoài thường phải trả giá rất đắt cho những sai lầm của mình. Một trong những sai lầm đó là mù mờ về pháp luật của nước sở tại cũng như không tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong luật hàng hải. Họ luôn phải đối mặt với những “cái chết” được báo trước và chịu rủi ro vì sự không hiểu biết của mình.
Ngày 9.2.2015, Tòa án TP Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc tuyên án Đỗ Đình Giáp (sinh năm 1983, thường trú thôn Thông Lộc, xã Cổ Thành, huyện Chí Linh, Hải Dương), thuyền trưởng tàu Beauteous, hiện đang treo cờ Sierra Leone, tám năm tù giam về tội buôn lậu hàng cấm nhập khẩu, buôn lậu chế phẩm động vật quý hiếm và hàng hóa phổ thông. Ngoài ra còn có Lê Văn Hênh (sinh năm 1968, trú tại thôn Thượng, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội), Đại phó tàu Beauteous, cũng bị kết án sáu năm tù.
Cứu chồng, nhảy vào lửa cũng làm
Chị Đào Thị Lan (sinh năm 1987), vợ anh Giáp, trao đổi trong nước mắt: “Năm 2014, em đang bụng mang dạ chửa phải lang thang sang Trung Quốc tìm chồng. Suốt năm 2015, em đi gõ cửa khắp các cơ quan chức năng Việt Nam để tìm cách giúp chồng em đang chịu cảnh giam giữ. Nhiều người ác ý nói: “Con bé nhà quê ấy thì làm được gì!?”. Con thơ chào đời chưa biết khi nào được nắm bàn tay cha nhưng em sẽ làm tất cả mọi việc để cứu chồng”.
Khi chồng bị bắt, Công ty TNHH Quản lý tàu Phương Nam - đơn vị cung ứng nhân lực ký hợp đồng thuê anh Giáp không hề báo tin cho chị biết. Công ty cũng không trình báo cơ quan chức năng. Chồng chị Lan bị giam giữ nơi đất khách quê người đúng lúc chị có bầu ba tháng. “Công ty không đóng tiền ăn cho chồng nên em chạy đôn đáo lo gửi tiền sang đóng cho trại giam Trung Quốc. Lần gặp chồng gần đây nhất là khi anh bị xét xử vào tháng 2.2015, anh ấy nhìn em và nói một câu bất lực: “Anh bị người ta lợi dụng, lừa gạt!”. Rồi chồng em sẽ như thế nào? Các con thơ của em sẽ ra sao? Giá như em nhảy vào lửa mà chồng em về được thì em cũng sẵn sàng làm” - chị Lan nuốt nước mắt kể.
Anh Đỗ Đình Giáp cùng vợ (trên), con (dưới). Ảnh gia đình cung cấp
Theo cáo trạng của VKSND TP Phúc Châu, ngày 28.2.2014, dưới sự chỉ đạo của chủ tàu Trần Văn Đông (người Đài Loan) và các bị cáo Đỗ Đình Giáp, Lê Văn Hênh, tàu Beauteous xếp hàng hóa tại bến Đài Trung xong thì khởi hành. 18 giờ ngày 29.2.2014, tàu thay đổi hành trình đi vào vùng biển Mân Giang, Trung Quốc. Tàu chưa làm thủ tục nhập cảnh để trình báo hải quan và các cơ quan kiểm tra liên quan của Trung Quốc đã cập bến Thông Đạt, thuộc TP Phúc Châu. Tại đây, tàu bốc dỡ hàng hóa container xuống bến và bị Cục Chống buôn lậu hải quan Phúc Châu bắt quả tang. Cơ quan chức năng tịch thu tàu, giữ 20 container hàng và chín người, bao gồm thuyền trưởng Đỗ Đình Giáp và đại phó Lê Văn Hênh. Qua giám định, 20 container liên quan chứa đồ cấm nhập khẩu là chất phế thải, chế phẩm động vật quý từ vỏ tê tê (110 kg), gỗ đàn hương, tử đàn (1.385 kg) và một số hàng hóa phổ thông khác.
Tất cả lời khai của những người liên quan đều công nhận thuyền trưởng Giáp và đại phó Hênh đã theo chỉ đạo của chủ tàu Trần Văn Đông. Tuy nhiên, VKSND TP Phúc Châu dựa vào việc thuyền trưởng Giáp và đại phó Hênh đã cố tình viết nhật ký hàng hải không thật, thay đổi đích đến của hải trình và bốc hàng tại bến mà không khai báo cơ quan nhà nước nên không được xem xét tình tiết giảm nhẹ.
Thuyền trưởng trở thành nạn nhân
Anh Đỗ Đình Giáp ký hợp đồng thuyền viên số 073/HĐLĐ-TV với Công ty TNHH Quản lý tàu Phương Nam (địa chỉ phòng 401, tòa nhà M2B, lô 27 Lê Hồng Phong, phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) từ 11.12.2013. Theo hợp đồng, anh Giáp làm việc với chức danh thuyền trưởng tàu Beauteous (tải trọng dưới 3.000 tấn) với mức lương 50 triệu đồng/tháng.
Khi nộp đơn lên Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB&XH, chị Lan mới té ngửa: Công ty Phương Nam không có chức năng đưa người ra nước ngoài lao động. Vì thế thuyền trưởng Giáp không thuộc diện Cục phải bảo vệ. PV đã liên hệ với ông Đào Tiến Phòng, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý tàu Phương Nam, ông Phòng cho biết anh Giáp đã ký hợp đồng với một công ty khác. “Chúng tôi chỉ có trách nhiệm làm những việc liên quan thôi chứ không phải đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm” - ông Phòng cho hay. Khi được hỏi về hợp đồng thuyền viên Công ty Phương Nam với anh Giáp, ông Phòng không trả lời.
Ông Nguyễn Việt Khánh, một thuyền trưởng đi tàu lâu năm, phân tích: “Giới thuyền viên đang rất kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc và thực tế tiềm năng rất lớn. Nhưng họ lại quá ít thông tin về con tàu hoặc công ty mình sẽ làm”. Ông Khánh cho biết thêm họ tuân theo mệnh lệnh chủ tàu một cách mù quáng. Chở hàng từ một quốc gia (vùng lãnh thổ) sang một quốc gia (vùng lãnh thổ) khác nhưng khi đến “cảng dỡ” lại không kiểm tra, rà soát lại giấy tờ hải quan, kiểm dịch... Tàu đổi tuyến hành trình mà không nghi ngờ gì và cũng đặt niềm tin vào đại lý là quá ngây thơ.
Chị Lan kể lại lời nói cuối cùng của anh trước tòa: “Chồng tôi nói trong bất lực: Trong cả quá trình tôi chỉ chấp hành chức trách của thuyền trưởng mà không biết là vận chuyển hàng hóa buôn lậu. Cả quá trình vận chuyển, tôi không giữ đơn danh vật hàng hóa trên tàu. Cả đơn danh vật hàng, hành trình và mọi thay đổi đều là do ông Trần Văn Đông xác định”.
Trong vận tải hàng hải, đại lý chỉ là một đơn vị trợ giúp và hưởng dịch vụ. Nhưng khi lô hàng “có vấn đề” đã bị sắp đặt trước thì capt (captain - thuyền trưởng) với C/O (chief officer - đại phó) trở thành nạn nhân. Đáng lẽ, capt và C/O phải cùng nhau kiểm tra lại toàn bộ giấy tờ liên quan: Thủ tục cảng vụ nơi đến, thủ tục khai báo hải quan và quyết định cho thông quan lô hàng. Đó là điều kiện cơ bản để dỡ lô hàng dù chỉ là 1 kg. Thay vì như thế, phần lớn capt và C/O hoàn toàn tin tưởng đại lý và chủ hàng khi họ báo qua... điện thoại là đã xong thủ tục và yên tâm bốc dỡ. Khi capt và C/O bị bắt, chủ tàu phủi sạch trách nhiệm. Ông Nguyễn Việt Khánh, một thuyền trưởng Khi em làm đơn kêu cứu gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước thì họ trả lời: Công ty Phương Nam không có chức năng và không được cấp phép để đưa người ra nước ngoài lao động. Như vậy có phải là đưa người ra nước ngoài lao động bất hợp pháp hay không? Chị Đào Thị Lan, vợ thuyền trưởng Đỗ Đình Giáp |