Sông Tranh: Phải đặt an toàn của dân lên trên
Trách nhiệm chính thuộc về EVN. Phải đặt sự an nguy của người dân lên trên sự an toàn của đập bởi nếu động đất xảy ra 5,5 độ Richter thì đập an toàn nhưng nhà dân thì sập.
Ông Đinh Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam:
EVN phải chịu trách nhiệm đầu tiên
Trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Khi tiến hành xây dựng thủy điện, EVN đều có báo cáo, đánh giá việc xây dựng thủy điện Sông Tranh 2 tại địa điểm Bắc Trà My là lý tưởng. Tuy nhiên, khi xây dựng xong mới vỡ lẽ mọi chuyện như hiện nay. Động đất liên tục xảy ra khiến người dân và chính quyền Quảng Nam không một ngày nào được bình yên.
Tuy nhiên, ngoài trách nhiệm thuộc về EVN cần phải có trách nhiệm liên đới của các đơn vị khác. Hơn nữa, cần phải xác định có phải thủy điện Sông Tranh 2 là tác nhân gây nên động đất hay không, hay chỉ là nhân tố tiếp sức để gây nên động đất. Bởi theo nghiên cứu công bố của các nhà khoa học, trước khi xây dựng thủy điện Sông Tranh 2 thì khu vực này cũng có xảy ra vài trận động đất nhưng rất thưa thớt.
Từ khi thủy điện Sông Tranh 2 tích nước, hiện tượng động đất liên tục xảy ra, ngày càng mạnh dần, khiến hơn 40.000 hộ dân hoảng loạn, bất an. Vì vậy, điều quan trọng nhất bây giờ là phải đặt sự an nguy của người dân lên trên sự an toàn của đập bởi nếu xảy ra động đất 5,5 độ Richter thì đập an toàn nhưng nhà dân thì sập hết rồi.
Từ trước đến giờ, các nhà khoa học, các ban, ngành cũng chỉ khẳng định hôm nay đập an toàn chứ không một ai khẳng định ngày mai đập vẫn an toàn nên phải xem an toàn tính mạng người dân là số một.
Người dân huyện Bắc Trà My - Quảng Nam đang sống trong cảnh thấp thỏm lo sợ động đất. Ảnh: HOÀNG DŨNG
Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My:
Lỗi do chủ đầu tư và đơn vị liên đới
Chủ đầu tư EVN phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Bởi trước khi xây dựng thủy điện, chủ đầu tư phải có trách nhiệm thuê các đơn vị tư vấn thiết kế, đánh giá tác động môi trường. Khi tất cả mọi vấn đề đạt tiêu chí xây dựng, chủ đầu tư mới tiến hành xây dựng. Nên suy cho cùng, chủ đầu tư chịu trách nhiệm đầu tiên. Tuy nhiên, cần xem xét trách nhiệm liên đới của các đơn vị tư vấn thiết kế; đơn vị nghiên cứu đánh giá tác động môi trường, đặc biệt là nghiên cứu về động đất.
Do việc nghiên cứu đánh giá tác động môi trường để đi đến kết luận cho xây dựng thủy điện trên đới đứt gãy là sai lầm nên mới khiến động đất liên tục xảy ra. Hơn 40.000 hộ dân Bắc Trà My ngày đêm mất ăn mất ngủ cũng vì cái thủy điện này. Vì vậy, trước mắt, chủ đầu tư phải có trách nhiệm hỗ trợ bồi thường kinh phí để sửa chữa nhà cửa của người dân và các công trình công cộng bị hư hỏng do động đất xảy ra.
Ông Huỳnh Tấn Sâm, nguyên Bí thư huyện ủy Bắc Trà My:
Cần có phương án cụ thể để an dân
Lúc tôi còn làm bí thư huyện cũng là lúc dự án thủy điện Sông Tranh 2 được đầu tư, xây dựng. Lúc đó, tôi đã phản đối quyết liệt vì sợ thủy điện này sẽ mang họa cho nhân dân nhưng sự phản đối của tôi không được các cấp, ngành chấp thuận. Bây giờ, mới nhìn thấy được cái hại nhiều hơn cái lợi trước mắt. Cuối cùng, dân, lãnh đạo ở huyện chịu khổ nhiều cho cái thủy điện này.
Cũng cần nói thêm rằng ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư, cũng cần truy cứu trách nhiệm của đơn vị thi công để xảy ra tình trạng thấm nước ào ạt, phải tốn tiền tỉ cho việc khắc phục sự cố. Trước sự việc này, không phải để người dân bất an nữa, cần phải có một phương án cụ thể, thống nhất. Đó là phải tìm mọi phương án xả hết nước trong hồ ra ngoài, để nguyên hiện trạng khô đáy hồ khoảng nửa năm, nếu vẫn còn động đất xảy ra triền miên thì việc này là do thổ nhưỡng, địa chất.
Còn nếu sông cạn, động đất không xuất hiện thì tất cả là do thủy điện tích nước mới gây nên động đất. Làm một ví dụ như thế, nếu đúng là “thủ phạm” thủy điện thì cần phải hy sinh thủy điện Sông Tranh 2 để người dân trong vùng được yên tâm sinh sống, làm ăn, cán bộ chú tâm vào công việc hơn.