“Sông mẹ”, “sông cha”… cũng khóc!

Sự kiện: Thời sự

Nạn khai thác cát tràn lan đang từng ngày bức tử 2 con sông lớn ở Tây Nguyên là Krông Ana và Krông Nô. Hai dòng sông hiền hòa bao đời nay bỗng trở mình giận dữ, đổi dòng nuốt chửng hàng trăm hecta đất của dân

Bên cạnh những đơn vị khai thác cát trái phép, các doanh nghiệp (DN) được cấp phép đã cố tình khai thác ngoài thời gian, vị trí quy định khiến cho những con sông ở Đắk Lắk và Đắk Nông sạt lở nghiêm trọng, gây thiệt hại tài sản của người dân, thất thu thuế của nhà nước.

Quá sức chịu đựng

Sông Krông Ana (sông mẹ), sông Krông Nô (sông cha) là 2 con sông lớn có ý nghĩa về kinh tế, văn hóa, gắn bó với đời sống của người dân Đắk Lắk và Đắk Nông bao đời nay. Tuy nhiên, việc khai thác cát bừa bãi đã khiến 2 dòng sông huyền thoại này bị sạt lở, đe dọa đến cuộc sống người dân.

Sông Krông Nô, đoạn qua huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, từ nhiều năm qua là điểm nóng khai thác cát lậu.

Theo ước tính của chính quyền huyện Krông Nô, tình trạng khai thác cát tràn lan “là nguyên nhân chính khiến gần 60 ha đất sản xuất nông nghiệp của bà con bị sạt lở. Gia đình ông Bùi Đức Hàn (xã Buôn Choah, huyện Krông Nô) đã mất hơn 2 ha đất và phải 4 lần di dời nhà cửa vì đất cứ trôi dần xuống sông. Gia đình ông Hồ Doãn (ngụ thôn Phú Cường, xã Đắk Nang, huyện Krông Nô) có 2,5 ha đất trồng cà phê ở bên bờ sông Krông Nô nhưng gần đây, hơn 2 sào đất đã bị trôi xuống sông, phần còn lại không biết bị cuốn đi lúc nào. Hàng trăm hộ dân khác của huyện Krông Nô nằm dọc con sông mẹ cũng lâm vào tình trạng như thế. “Chỉ trên đoạn sông khoảng 5 km nhưng chính quyền đã cho 4-5 đơn vị khai thác cát với lượng tàu thuyền rất lớn, hoạt động suốt ngày đêm, hút cát sát bờ khiến đất sạt lở. Nguyên nhân sờ sờ trước mắt nhưng sao cứ đùn đẩy, không xử lý” - ông Doãn bức xúc.

“Sông mẹ”, “sông cha”… cũng khóc! - 1

Nhiều diện tích cây trồng của người dân huyện Krông Nô trôi dần xuống dòng “sông cha” do khai thác cát bừa bãi

Tình trạng sạt lở do hút cát quá mức cũng xảy ra nghiêm trọng trên sông Krông Ana ở huyện Krông Bông và huyện Lắk của tỉnh Đắk Lắk. Tại huyện Krông Bông, theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện, tình trạng sạt lở sông đã xảy ra tại 9 xã. Trong đó, diện tích sạt lở tại xã Yang Réh lên đến 48.994 m2, xã Cư Kty 18.408 m2, xã Hòa Tân 1.680 m2…

Ở huyện Lắk, nạn khai thác cát trái phép quá sức chịu đựng của người dân, buộc họ phải tự tìm cách để giữ sông, giữ đất. Gia đình anh Sầm Tuấn Anh (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) có 3 sào đất dọc sông. Anh bộc bạch: “Khi trồng cà phê, tôi đã chừa lại 30 m đất từ bờ sông trở vào vì sợ lũ lụt gây ngập úng. Thế nhưng, tàu cát cứ chĩa vòi vào bờ khai thác, gây sạt lở hơn 20 m. Tôi đã nhiều lần nhắc nhở, xua đuổi nhưng không ăn thua gì. Xót của, không kiềm chế được nên tôi đã đánh 1 người khai thác cát và đang bị điều tra về hành vi này”.

Ông Ma Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Đắk Liêng, cho biết vì ngăn cản hút cát trộm mà có người đã rơi vào vòng lao lý, lãnh án tù vì hành vi gây thương tích cho “cát tặc”.

Khai thác vô tội vạ

Từ phản ánh của người dân, chúng tôi trở lại nơi những con “sông cha”, “sông mẹ” dậy sóng vì “cát tặc”.

Gần 4 giờ sáng, trên sông Krông Ana (đoạn qua buôn Mliêng, xã Đắk Liêng), 1 chiếc tàu khai thác cát của Công ty Sông Núi xuất hiện, áp sát vào bờ rồi thả ống ngoạm cát. Chừng nửa giờ sau, xuất hiện thêm một số tàu, gắn biển Công ty Sông Núi và Công ty CP VLXD Tây Nguyên. Khi thấy phóng viên chụp hình, một nhân viên trên tàu cát của Công ty Sông Núi liền đứng chặn ngay trước tấm biển có tên công ty này.

Cùng đi với chúng tôi, anh Đ.V.H (ngụ buôn Mliêng) kể rằng cứ 3-4 giờ mỗi ngày là các tàu xuất hiện. Trên mỗi đoạn sông đều có người của tàu cát làm nhiệm vụ cảnh giới. “Trước đây, người dân với người trên tàu cát đánh nhau mấy lần rồi. Nhiều lúc bà con kéo ra chửi thì họ nói được cấp phép hút cát” - anh H. bức xúc.

“Sông mẹ”, “sông cha”… cũng khóc! - 2

Ghe khai thác cát sát bờ “sông mẹ” Krông Ana là nguyên nhân gây sạt lở đất đai của người dân

Ông Nguyễn Văn Thiềm, Trưởng Phòng Quản lý khoáng sản thuộc Sở TN-MT tỉnh Đắk Lắk, xác nhận hiện nay, UBND tỉnh Đắk Lắk có cấp giấy phép khai thác cát cho 16 DN. Trong hợp đồng quy định rõ thời gian khai thác cát từ 6 giờ đến 18 giờ mỗi ngày; hút cách bờ từ 4-6 m. Do đó, nếu DN khai thác ngoài khung giờ và sát bờ là vi phạm.

Vấn đề là ai kiểm tra, xử lý khi sông bị rút ruột cả ngày lẫn đêm, ngoạm cát gần bờ gây sạt lở đất đai, nhà cửa của dân? Ông Thiềm nói: “Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm”.

Trong khi đó, ông Hoàng Xuân Ngân, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đắk Lắk, nhìn nhận ngoài “cát tặc” lộng hành, một số DN được cấp phép cũng lợi dụng, khai thác cát sai quy định. Ngành chức năng thiếu nhân lực nên quản lý, giám sát hoạt động khai thác cát chưa hiệu quả.

“Quy định nêu rõ trách nhiệm chính trong việc giám sát khai thác cát là cảnh sát môi trường và chính quyền địa phương. Nếu làm tốt khâu này sẽ hạn chế tối đa tình trạng thất thu thuế, sạt lở bờ sông” - ông Ngân đúc kết.

Khó giám sát sông giáp ranh

Hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông có nhiều đoạn giáp ranh chỉ cách nhau một dòng sông nên xảy ra tình trạng một số DN đăng ký, được cấp phép khai thác trên sông thuộc địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhưng lại mở bãi tập kết ở địa phận tỉnh Đắk Nông, khiến việc quản lý sản lượng khai thác của cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Thiềm thừa nhận những DN đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk mà tập kết cát ở tỉnh Đắk Nông thì không thể kiểm soát được.

Lấy vụ sát hại lãnh đạo tỉnh Yên Bái để khủng bố Chủ tịch Bắc Ninh

Trong tin nhắn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, Phương nhắc đến vụ sát hại lãnh đạo tỉnh Yên Bái để khủng bố tinh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Nguyên (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN