Sài Gòn có 371 cụ trên trăm tuổi

Theo thống kê của Hội Người cao tuổi, hiện có 371 cụ già thọ trên trăm tuổi đang sống ở Sài Gòn. Các cụ đi qua được quãng đường đời dài như vậy bởi có những tấm lòng hiếu thảo nâng niu.

Quận Tân Bình có số cụ già trên trăm tuổi đông nhất là 34 cụ. Người cao tuổi nhất là cụ bà Võ Thị Đôn (đường Chấn Hưng, phường 6),116 tuổi. Cụ sinh năm 1900, năm cuối cùng của thế kỷ 19.

Người tận tụy chăm sóc cho cụ Đôn hằng ngày là bà cụ Trần Thị Tin, năm nay cũng đã 78 tuổi - con gái thứ của cụ Đôn. Bà Tin hằng ngày nghiền cháo, pha nước chăm cho mẹ rất chu đáo. Bà nói đó là niềm vui của mình. Khi cầm bàn tay quá gầy guộc của mẹ, bà lại chảy nước mắt: “Giá mà mẹ được mạnh khỏe chứ nhìn mẹ thế này thương quá…”. Bàn tay của bà cụ Đôn đưa ra nắm khẽ tay con gái. Bà Tin vội vàng lấy nước bón từng muỗng cho đến khi mẹ bà quay đi. Cách đây hơn một năm, cụ Đôn không còn tự ngồi dậy được nữa...

Nói về bí quyết trường thọ của mẹ, bà Tin bảo có lẽ trước hết là phước lành, gia đình bốn thế hệ luôn thuận hòa, êm ấm, sau đó là do tâm tính. Chưa bao giờ cụ giận buồn ai, sống rất nhẹ nhàng, thanh thản. Trong những năm tháng khổ đau mất mát nhất của chiến tranh, cụ ly hương năm 1954 vào Sài Gòn với hai bàn tay trắng, làm đủ mọi nghề để kiếm sống nuôi đàn con bảy đứa lít nhít, cụ vẫn giữ được tâm tính lạc quan, nhẹ nhàng. Một người cháu của cụ tâm sự: “Chúng tôi đều học theo tính cách nhẹ nhàng của bà nhưng không phải ai cũng làm được”.

Sài Gòn có 371 cụ trên trăm tuổi - 1

Chị Thồng A Múi chăm sóc cho cha chồng là cụ Trương Vĩnh Lộc, 106 tuổi. Ảnh: HM

Trong căn nhà nhỏ xíu, ẩm thấp của cụ Trương Vĩnh Lộc (nhà ở đường Âu Cơ, phường 10) là đại gia đình ba thế hệ gần chục người sinh sống. Cụ Lộc là một trong những cụ già hiếm hoi trên trăm tuổi còn đủ sức khỏe để tự đi lại và tự chăm sóc bản thân. Năm nay cụ 106 tuổi.

Cụ đang sống với vợ chồng người con trai út, anh Trương Tích Vân (50 tuổi). Hoàn cảnh của anh Vân khá khó khăn. Bản thân anh bị ung thư gần như chỉ nằm một chỗ, vợ anh không có việc làm ổn định, con gái anh đang học đại học… Tuy vậy, gia đình anh vẫn luôn hòa thuận, yêu thương nhau. Con cháu làm món gì cụ Lộc cũng khen ngon. Con cái chưa hề thấy cụ buồn lòng về bất cứ chuyện gì.

Người con dâu tên Múi được phân công chăm sóc cụ hằng ngày. Chị Múi dễ xúc động và mau nước mắt mỗi khi kể về cha chồng: “Cha chẳng bao giờ nặng lời với ai. Ngày xưa má mất sớm, cha làm việc quá vất vả để nuôi con. Đến khi cha về già, con cháu còn nghèo nên chưa lo được cho cha bằng người ta…”. Nói tới đây chị tủi thân khóc.

Khi thấy cha trong nhà chậm rãi bước ra, chị vội lau nước mắt, lấy ghế cho cha ngồi ở hiên nhà sưởi nắng. Cụ đã lãng tai nên gần như không nói chuyện được. Cụ yên lặng hoặc độc thoại một mình. Khi có người đến hỏi thăm cụ đã ăn sáng chưa, cụ ngẩng lên nói: “Tôi khỏe”. Nghe vậy, mắt chị Múi lại đỏ hoe.

Giữa đô thị xô bồ, bên trong những ngôi nhà kia có những con người luôn biết chọn niềm vui để sống, chữ hiếu được đặt lên hàng đầu và kết quả là có những cụ trên 100 tuổi vẫn an nhiên. Đó còn là một vốn quý của Sài thành vậy.

Con rể 84 tuổi chăm mẹ vợ 105 tuổi

Đến nhà cụ Đỗ Thị Đồng, năm nay 105 tuổi (đường Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình) thấy một ông già tóc bạc trắng đang ngồi may gia công quần áo. Đó là ông Trần Văn Chung (84 tuổi), con rể cụ Đồng. Dù đã ở tuổi rất hiếm, ông vẫn khỏe mạnh và cáng đáng mọi chuyện trong nhà.

Ông kể về mẹ vợ với lòng trìu mến: “Mẹ tui hiền lành lắm. Bà là người duy nhất trong gia đình tôi sống sót trong vụ thảm sát Mỹ Lai hồi đó. Cả gia đình không còn ai hết, thương lắm”. Bà Huỳnh Thị Lai, vợ ông Chung, kể bà cụ chưa bao giờ lớn tiếng với ai, kể cả kẻ trộm. Ngày trước, trong những năm đói kém ở quê Quảng Ngãi, cụ thấy kẻ trộm vào sân rình mò, cụ nhắc: “Cái đòn gánh để trên giàn đó con”. Kẻ trộm chạy mất, bà chỉ thương chứ không nỡ giận. Có lẽ vì tính tình đôn hậu vậy nên bà sống rất thanh thản và được trời ban cho tuổi.

Bà rất tự hào vì chồng mình yêu thương, chăm sóc bà cụ như mẹ ruột. Ông được nhiều ban ngành tặng giấy khen vì tấm lòng hiếu thảo phụng dưỡng mẹ già.

__________________________________

380.000 đồng là khoản trợ cấp hằng tháng cho các cụ 80 tuổi trở lên và các cụ 60 tuổi hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, từng địa phương có những cách chăm sóc khác cho các cụ như trợ giúp hằng tháng, tặng quà các dịp lễ tết; một số nơi phụng dưỡng và trợ cấp thường xuyên cho các cụ già khó khăn… Những cụ già đủ 90 tuổi được UBND TP tặng quà mừng thọ, các cụ 100 tuổi được Chủ tịch nước tặng quà.

Ông NGUYỄN ĐỨC NHUNG, Phó Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Minh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN