Sách giáo khoa, chợ Long Biên làm nóng cuộc họp báo Chính phủ

Sự kiện: Thời sự Tin nóng

Chiều nay 1-10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp báo chính phủ thường kỳ tháng 9-2018. Vấn đề sách giáo khoa, bảo kê chợ Long Biên… đã làm nóng cuộc họp báo.

Tại buổi họp báo, các phóng viên đã đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề sách giáo khoa (SGK) và việc bảo kê chợ Long Biên.

"Độc quyền sách giáo khoa là có"

. Phóng viên đặt câu hỏi: Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng có báo cáo chỉ ra việc độc quyền SGK nhiều năm qua đã gây nhiều hệ lụy. Hơn nữa việc viết trực tiếp vào SGK gây lãng phí nhiều cho ngân sách nhà nước. Trong khi đó, NXB Giáo dục thông báo mỗi năm lỗ 40 tỉ đồng nhưng lại giữ mức chiết khấu 25%. Quan điểm của Chính phủ và Bộ Giáo dục thế nào?

+ Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Hữu Độ: Nghị quyết 40 của Quốc hội giao cho Bộ Giáo dục tổ chức thay SGK và biên soạn một bộ tài liệu SGK mới. Bộ đã thành lập nhóm biên soạn, tổ chức biên soạn, thành lập hội đồng thẩm định quốc gia, sau đó chuyển NXB Giáo dục để tổ chức biên tập, thiết kế minh họa, in ấn... Quá trình thực hiện, NXB Giáo dục đã tổ chức đấu thầu in ấn ở tất cả các khu vực. Vì SGK phải vận chuyển đến các nhà trường nên NXB đã chia thành 4 khu vực để trực tiếp tổ chức đấu thầu in ấn, để giảm chi phí vận chuyển sách từ các nhà in đến các trường.

Sách giáo khoa, chợ Long Biên làm nóng cuộc họp báo Chính phủ - 1

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GDĐT đang trả lời báo chí.

Vừa qua, Bộ Thông tin Truyền thông đã có quyết định giao quyền, nhiệm vụ cho 5 NXB có chức năng in ấn SGK. Sắp tới, việc xóa độc quyền sẽ được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 88, đó là việc tổ chức một chương trình có nhiều SGK, theo đó huy động các nguồn lực xã hội hóa để in ấn SGK. Về chiết khấu, theo báo cáo của NXB, ban đầu chiết khấu có thể từ 20 đến 25%, đến giờ chính thức từ 18 đến 20%. Chiết khấu ấy chính là để thực hiện việc vận chuyển, phát hành sách từ nhà tin thông qua các công ty sách, thiết bị trường học, từ đó vận chuyển đến cho các em học sinh. Mức chiết khấu này so với tỉ lệ chiết khấu sách tham khảo, các sách khác là từ 30-40%. Mức chiết khấu này để trực tiếp thực hiện phục vụ cho công tác phát hành sách cho các em học sinh.

+ Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Vấn đề in ấn, xuất bản, phát hành hay nói cách khác là quản lý SGK thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục Đào tạo. Dư luận nhân dân và các ĐBQH rất quan tâm đến vấn đề SGK, mỗi năm chúng ta phải chi phí khá lớn cho vấn đề in ấn, phát hành SGK. Trong cách đặt vấn đề cơ quan báo chí là có lợi ích nhóm hay không? Hôm nay tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục giải trình, báo cáo với Chính phủ và yêu cầu có giải pháp khắc phục ngay liên quan đến vấn đề người dân, xã hội và ĐBQH quan tâm. Chỉ đạo việc in ấn, xuất bản SGK phải minh bạch, công khai, làm tốt công tác xã hội hóa, tránh độc quyền, tránh lợi ích nhóm.

Sách giáo khoa, chợ Long Biên làm nóng cuộc họp báo Chính phủ - 2

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Việc biên soạn SGK cũng phải xem xét lại, vì người dân, ĐBQH cho rằng có việc làm bài tập vào SGK. Bộ GD đã chỉ đạo các trường, yêu cầu phải tiết kiệm, phải làm bài tập ra ngoài SGK... 

Trong phiên họp Chính phủ hôm nay, Thủ tướng chỉ đạo rất rõ ràng, liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD, Bộ giáo dục phải làm tốt việc này, chuẩn bị trả lời chất vấn nếu QH quan tâm.

Trước đó, ngày 1-10, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ: Có độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục và tình trạng này đã được phân tích khi xây dựng Đề án đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải xóa độc quyền.

Báo cáo về vấn đề độc quyền xuất bản sách giáo khoa (SGK), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết theo quy định của Luật Giáo dục và Luật Xuất bản hiện hành thì Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam là đơn vị duy nhất được giao xuất bản SGK. Từ cuối năm 2017 đến nay, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ TT&TT cấp phép thêm 5 nhà xuất bản được tham gia xuất bản SGK và sẽ tiếp tục xem xét mở rộng cấp phép.

Về tỷ lệ chiết khấu SGK của NXB Giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định SGK là mặt hàng thuộc diện quản lý giá của Nhà nước và được trợ giá, có tỷ lệ chiết khấu khi phát hành từ 20-25% thấp hơn mức trung bình so với tỷ lệ chiết khấu các loại sách khác là từ 35-40%. Bộ trưởng cũng cho biết hiện tỷ lệ tái sử dụng SGK là khoảng 35%.

Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh không làm bài tập trực tiếp vào SGK để nhắc nhở, rèn các em ý thức giữ gìn đồ vật, tài sản. Tuy nhiên, có thực tế là nhiều phụ huynh muốn con em mình viết trực tiếp vào SGK.

Phát biểu về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ: Có độc quyền của NXB Giáo dục Việt Nam và tình trạng này đã được phân tích khi xây dựng Đề án đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải xóa độc quyền. Tinh thần này đã được thể hiện trong Đề án đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông cũng như việc cấp phép thêm các nhà xuất bản như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, không chỉ có độc quyền SGK mà còn có thực tế là nhiều trường bằng cách này hay cách khác “ép” học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo để hưởng hoa hồng. Đây là một trong những biểu hiện rõ của tiêu cực trong giáo dục. Từ năm 2014, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GD&ĐT phải tập trung chấn chỉnh tình trạng “ép” may đồng phục, “ép” mua sách. Bộ cũng đã có các văn bản chỉ đạo nhưng về sách chưa có chuyển biến rõ như với đồng phục. Bộ cần chỉ đạo quyết liệt hơn. Những nơi vi phạm cần xử lý nghiêm.

“Các ý kiến phát biểu, chất vấn của một số Đại biểu Quốc hội về vấn đề SGK trong một số phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gần đây là xác đáng. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cần có văn bản báo cáo, giải trình rõ”, Phó Thủ tướng chốt lại.

Có hay không chuyện công an bảo kê chợ Long Biên?

. Từ đầu năm 2018, một số tiểu thương chợ Long Biên có đơn tố cáo băng nhóm bảo kê tại chợ Long Biên nhưng một thời gian dài không ai giải quyết. Không những thế, đối tượng bị tố cáo liên tục có những hành động chèn ép người tố cáo. Hưng "kính" – trùm bảo kê còn thường xuyên khoe quan hệ với các sếp công an. Điều này khiến cho dư luận không khỏi nghi ngờ: “Có hay không việc đỡ đầu của các cơ quan chức năng, lực lượng công an trong các hoạt động của nhóm bảo kê tại chợ Long Biên? Bộ Công an, Công an TP.Hà Nội có động thái gì trước những thông tin này? Sau vụ việc này, thành phố có kế hoạch rà soát tại các chợ khác không?

+ Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Sửu: Trước sự phản ánh của dư luận, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Ba Đình, Công an TP Hà Nội vào cuộc làm rõ “nghi án” bảo kê tại chợ Long Biên. Trong vụ việc này, dứt khoát là phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không có vùng cấm. TP Hà Nội hiện có hơn 500 chợ và vẫn hoạt động bình thường. Tiểu thương vẫn buôn bán, phục vụ nhân dân.

Trước sự việc liên quan đến chợ Long Biên, ông Sửu cho biết, TP cũng đã chỉ đạo các ban quản lý chợ, UBND các phường xã, quận huyện phải đảm bảo cho tiểu thương buôn bán bình thường. Còn chỗ nào xảy ra như ở chợ Long Biên vừa rồi thì phải xử lý nghiêm khắc.

Sách giáo khoa, chợ Long Biên làm nóng cuộc họp báo Chính phủ - 3

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu

+ Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn: Vụ việc xảy ra ở chợ Long Biên có thể nói là khó chấp nhận, không chấp nhận. Nếu có thông tin về việc bảo kê của cơ quan, trong đó có công an thì nếu có thông tin chính xác thì đề nghị báo cáo cung cấp cho công an. Hiện nay công an TP Hà Nội đang vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm và với 1 yêu cầu theo chỉ đạo của Bộ Công an là khẩn trương điều tra, xác minh, kết luận vụ án để đưa ra xử lý theo quy định của pháp luật một cách sớm nhất. Công an đã khởi tố vụ án rồi. Chúng tôi cũng hết sức cảm ơn, đánh giá rất cao sự vào cuộc của báo chí; sự vào cuộc của báo chí có thông tin ban đầu hết sức quan trọng để công an vào cuộc.

Bộ GTVT trả lời về BOT Cai Lậy

. Bộ GTVT nêu quan điểm đặt thêm tuyến BOT trên đường tránh Cai Lậy. Phương án này đã phải phương án tối ưu chưa? Bộ có lường trước được tình huống lập thêm trạm phụ thì các tài xế sẽ lại dùng tiền lẻ qua trạm gây ách tắc hay không?

+Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: Liên quan đến tuyến tránh BOT Cai Lậy thì vừa rồi ở họp báo cũng đã trả lời. Gần đây họp báo Bộ đã có trả lời. Hiện tại Bộ GTVT vẫn đang thực hiện thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp thường trực Chính phủ tháng 4/2018, trên cơ sở báo cáo của Bộ GTVT về các phương án phân tích, đánh giá, lấy ý kiến của Bộ, ngành, so sánh để chọn phương án phù hợp nhất để áp dụng.

Từ tháng 4 đến nay chúng tôi đã làm việc rất nhiều các cơ quan liên quan, đặc biệt một số lần làm việc với thường vụ Tiền Giang, lãnh đạo UBND Tiền Giang và các Bộ ngành như Bộ Công an và các Bộ ngành khác theo chỉ đạo của Chính phủ để so sánh, đánh giá tác động của việc này.

Sách giáo khoa, chợ Long Biên làm nóng cuộc họp báo Chính phủ - 4

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông

Chúng đã giải thích nhiều lần, huy động BOT là 1 hình thức thu hút vốn đầu tư, việc làm tuyến tránh Cai Lậy trên cơ sở là đường 1 đi qua khu vực đó mở rộng không hiệu quả nên phải làm cả 2 phương án gồm làm tuyến tránh và tăng cường hệ thống thoát nước, mặt đường của mặt đường cũ, nên phải thu phí để hoàn vốn. Việc này đã được Đoàn giám sát của Uỷ ban TVQH tổng kết năm 2016, đánh giá, xác định nó không trái pháp luật, đặc biệt theo Nghị định 108, vẫn có thể thu hút các nguồn vốn nâng cấp, cải tạo các tuyến đường.

Việc nhà đầu tư bỏ tiền ra đầu tư thì phải thu phí hoàn vốn. Chúng ta cũng đưa ra phương án Nhà nước có thể mua lại phần này nhưng chúng tôi so sánh rồi, Nhà nước không có tiền mà kêu gọi vốn và họ đã đầu tư thì nguyên tắc phải thu hồi vốn để hoàn vốn, còn thu như thế nào thì phải đánh giá tác động và phải chọn phương án phù hợp nhất trong điều kiện đó.

Chúng tôi đang so sánh 2 phương án là giữ nguyên trạm hiện hữu, giảm mức giá thu và thứ hai là đặt 2 trạm ở 2 tuyến, 1 tuyến ở đường 1 cũ và 1 tuyến trên tuyến tránh và thu cho phần nào hoàn vốn rồi thì dỡ trạm đó. Sau khi làm việc với Tiền Giang thì Tiền Giang cũng đề xuất phương án chia 2 trạm để đảm bảo công bằng hơn, và thu đúng để hoàn trả lại nguồn đầu tư. Chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện phương án để so sánh, tiếp tục đánh giá tác động, tiếp tục làm việc với các cơ quan, các Bộ ngành để quyết định phương án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đến việc ùn tắc, mất trật tự tại trạm BOT thì theo chỉ đạo của Thủ tướng, không chỉ riêng trạm Cai Lậy mà với tất cả các trạm thu phí đều phải đảm bảo trật tự an ninh trong khu vực đó, làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn giao thông, đảm bảo trật tự.

Nghi vấn “bảo kê” ở chợ Long Biên: Tạm đình chỉ “sếp” phụ trách đội bốc xếp

Phó Ban quản lý chợ Long Biên phụ trách bốc xếp đã bị tạm đình chỉ công tác sau khi báo chí phản ánh nghi vấn thu tiền...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo ĐỨC MINH - TRỌNG PHÚ ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN