Rớt nước mắt gia đình có 7 người điên

Cả 7 người con trong gia đình đều mắc bệnh tâm thần nặng, sống nương nhờ vào mẹ già ốm yếu. Niềm hy vọng duy nhất trong ngôi nhà ấy là 2 đứa trẻ sáng dạ nhưng đứng trước nguy cơ thất học.

Nghiệp chướng đeo đẳng

Trưa mùa đông, mưa nặng hạt và rét tê tái, một bà cụ gầy yếu, ăn mặc phong phanh, đứng co ro trước cổng chợ Vinh Xuân (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), dõi đôi mắt kèm nhèm nhìn vào chợ. Nhìn một lúc, bà cụ cất giọng run rẩy gọi: “Thành ơi, Á ơi, Thanh ơi…”.

10 phút, rồi 20 phút, những người mà bà gọi tên vẫn không xuất hiện. Mấy cụ bà bán hàng trước cổng chợ bảo: “Mệ đi vào trong chợ tìm xem, ngày ni không thấy mấy đứa đến chợ xin ăn”.

Tôi sẽ không rõ số phận bi đát của bà cụ này nếu không được những người bán hàng trước cổng chợ kể về hoàn cảnh của bà. Bà là Võ Thị Lòng (64 tuổi), có 7 người con thì cả 7 người đều mắc bệnh điên, thường lang thang xin ăn nơi đầu đường xó chợ. Theo bước chân xiêu xó của bà Lòng về ngôi nhà trống hoác nằm sâu trong một ngõ nhỏ ở thôn Xuân Thiên Hạ mới hiểu hết thảm cảnh của gia đình bà.

Sau ngày cưới nhau, cuộc sống của bà Lòng và chồng là ông Phạm Danh thuộc diện cùng cực nhất xã biển Vinh Xuân. Không sống nổi bằng 3 sào ruộng cát bạc màu, vợ chồng bà phải ngược xuôi làm thuê kiếm cái đắp đổi qua ngày. Năm 1968, người con gái đầu lòng Phạm Thị Thuyền của ông bà chào đời khỏe mạnh, xinh xắn, hàng xóm trầm trồ khen ngợi. Những năm tiếp đó, các con Phạm Thị Thu (SN 1970), Phạm Thị Tuyết (SN 1975) cũng được sinh ra, đều xinh như thiên thần.

Sau khi người con gái thứ ba chào đời được khoảng 1 tháng, vợ chồng bà bắt đầu nhận thấy sự bất thường ở 2 người con gái đầu. Thuyền và Thu đang ngoan hiền, nhanh nhẹn bỗng lơ ngơ, suốt ngày cười sặc sụa và không làm chủ được hành vi. Đến tuổi đi học, 2 cô bé vẫn trong tình trạng gặp vật gì cũng lấy bỏ vào miệng, ai nói gì cũng không hiểu. 5 năm sau, khi bệnh của Thuyền và Thu ngày càng nghiêm trọng, vợ chồng bà lại quặn đau khi người con gái thứ ba đang khỏe mạnh, thông minh bỗng cũng có những biểu hiện giống hệt 2 người chị.

Rớt nước mắt gia đình có 7 người điên - 1

Bà Lòng và cháu nội Phạm Thị Huệ may mắn không bị bệnh như bố

Ông bà hoàn toàn suy sụp, tuyệt vọng khi 4 người con chào đời sau đó là Phạm Châu (SN 1977), Phạm Thành (SN 1979), Phạm Á (SN 1983) và Phạm Thanh (SN 1985) lần lượt phát bệnh tâm thần khi gần đến tuổi đi học. 7 người con “điên điên tàng tàng” càng lớn bệnh tình càng nặng nên không thể đến trường như bao trẻ khác. Vậy là cả gia đình bà một chữ bẻ đôi cũng không biết (vì ngày trước ông bà cũng không được đi học do nghèo đói).

Kiệt sức vì con

Tôi đang nghe bà Lòng kể chuyện thì giật bắn người bởi những tiếng động lớn phát ra từ căn bếp xập xệ. Tiếng chén bát vỡ, tiếng soong nồi va đập và tiếng người la hét. “Mấy đứa về rồi đó. Ngày mô cũng rứa, đi lang thang xin ăn khắp nơi rồi tìm về nhà phá phách” - bà Lòng vừa nói vừa hớt hải chạy xuống bếp. Tại căn bếp, Thành, Á và Thanh đang ngồi bệt giữa nền đất cáu bẩn, tay bốc những hạt cơm vương vãi bỏ vào miệng. Quần áo của họ lấm lem bùn đất...

Trong số 7 người con mắc bệnh điên của bà Lòng, 3 người con gái đầu đỡ phá phách hơn nên có lần bà sai đi chăn bò. Sáng 3 chị em dắt bò đi chăn nhưng trưa thì ai nấy đều về tay không. Hỏi bò đâu thì chỉ nhận được những cái lắc đầu ngơ ngác. Thương bà Lòng ngặt nghèo, một số gia đình trong vùng thỉnh thoảng giúp gia đình bà bằng cách thuê 3 người con gái giặt quần áo hoặc lau chùi nhà cửa. Nhưng sau khi được trả tiền công, những người con của bà thường đánh rơi tiền trên đường về lúc nào không biết. “Tụi nó cầm tiền mà nghĩ như cầm tờ giấy lộn nên bạ mô vứt đó”- bà Lòng buồn kể.

Để nuôi những người con điên nổi tiếng ăn khỏe, vợ chồng bà Lòng phải tần tảo làm thuê làm mướn đủ thứ nghề. Lao lực quá sức nên sức khỏe của ông bà nhanh chóng suy kiệt vì bệnh tật. 4 năm trước, ông Danh qua đời vì ốm nặng nhưng không có tiền nhập viện. Từ đó, gánh nặng áo cơm dồn hết lên đôi vai bà Lòng. Sau một thời gian vắt sức làm thuê nuôi con, bà cũng khuỵu xuống vì căn bệnh xương khớp. Sống trong sự hành hạ của những cơn đau nhưng hoàn cảnh cùng cực không cho phép bà nghĩ tới chuyện nằm viện.

Không thể tiếp tục làm thuê, cuộc sống gia đình bà trông chờ hết vào 3 sào ruộng bạc màu, nên luôn trong cảnh bữa đói bữa no. Nhiều năm rồi bà băn khoăn chuyện cả 7 người con đều bị bệnh tâm thần, nhưng chỉ có 3 người được nhận trợ cấp hàng tháng. “Nếu 4 đứa còn lại được trợ cấp thì nhà tui có thêm cái mà đắp đổi, nhưng người ta không giúp thì chịu, tui mù chữ biết đường mô mà hỏi”- bà bộc bạch.

Hy vọng mong manh

Về chuyện tương lai của 2 đứa trẻ, bà Lòng nói bà chỉ có thể nuôi chúng học cho biết cái chữ thôi. Về lâu về dài bà không kham nổi bởi đã sức cùng lực kiệt vì 7 người con điên. Tiếng của bà lẫn vào cơn gió lạnh buốt: “Tui sợ khi mình nhắm mắt không biết lấy ai lo cho 7 người con điên dại. Khi đó cuộc sống gia đình chắc phải trông nhờ vào con Huệ và thằng Được. Tui mong sống được thêm dăm năm nữa, 2 đứa cháu còn quá nhỏ”.

Cách đây hơn 10 năm, anh Phạm Châu sau chuỗi ngày lang thang, quậy phá bỗng được người phụ nữ lỡ thì Nguyễn Thị Ng ở xã bên cạnh “để ý” rồi dẫn về sống chung như vợ chồng. Chuyện này khiến bà Lòng vừa mừng vừa lo. Mừng vì bà hy vọng từ đây một trong những người con điên của mình biết đâu sẽ thay đổi tính nết để làm ăn. Lo vì bà biết chỉ có một dạng phụ nữ “điên điên tàng tàng” mới lấy người đàn ông điên làm chồng. Hàng xóm của bà thì khuyên nên ngăn cản việc này vì có thể dẫn đến hậu quả không hay. Nhưng rồi bà tặc lưỡi “thôi kệ, cứ để chúng sống với nhau, hy vọng ông trời rủ lòng thương”.

Sau một thời gian sống chung với anh Châu, chị Ng sinh được một bé gái đặt tên là Phạm Thị Huệ. Ngày Huệ chào đời cũng là lúc cuộc tình giữa anh Châu và chị Ng “đứt gánh giữa đường”.

Đứa trẻ được mang về cho bà Lòng nuôi dưỡng. Chia tay chị Ng, trong những ngày đi hoang, anh Châu gặp rồi sống chung với chị Huỳnh Thị Ph, một phụ nữ “tàng tàng” ở xã Vinh An. Rồi chị Ph cũng sinh con trước khi đường ai nấy đi. Đứa trẻ tên Phạm Văn Được cũng được mang về giao cho bà Lòng chăm sóc.

Chiều, gió buốt quất liên hồi vào ngôi nhà trống hoác của gia đình bà Lòng. Huệ và Được đi học về, mặt tím tái vì rét. Vừa đặt cặp sách lên chiếc sập gỗ oải mục, 2 đứa trẻ đã nhanh nhảu cầm chổi quét nhà. Nhìn 2 cháu vừa quét nhà vừa run, nước mắt bà Lòng chảy dài. “Thằng Được lớp 2, con Huệ lớp 4. Đói khổ nhưng chúng sáng dạ lắm, học kỳ mô cũng được nhà trường tặng giấy khen. Muốn mua cho chúng bộ quần áo ấm nhưng giờ phải lo gạo ăn qua ngày cái đã” - bà Lòng nghẹn lời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo An Sơn (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN