Reuters: “Nhiều lính Nga ra quân vì sợ tham chiến ở Ukraine”
Reuters cho rằng nhiều người lính Nga đã xin xuất ngũ trong thời gian gần đây vì sợ bị điều đến tham chiến ở Ukraine hoặc bị đối xử tệ sau khi chiến đấu ở đây.
Putin có kế gì để đối phó với lính Mỹ ở Ukraine?
Ngày 11.5, hãng tin Reuters dẫn lời nhiều cựu binh sĩ Nga cho hay nhiều quân nhân của nước này đã xin ra quân vì lo sợ bị đưa đến tham chiến ở Ukraine, nơi cuộc xung đột đẫm máu đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người.
Từ trước tới nay, Mỹ và NATO đã trưng ra nhiều bằng chứng chứng tỏ sự hiện diện của Nga ở miền đông Ukraine, chẳng hạn như các loại xe tăng, vũ khí hiện đại chỉ Nga mới có, lời khai của những người Ukraine được cho là bị “lính dù Nga” bắt giữ..., tuy nhiên Nga đều phủ nhận những cáo buộc này của phương Tây.
Người phát ngôn của Điện Kremlin khẳng định rằng bất cứ người Nga nào chiến đấu ở miền đông Ukraine đều là những “tình nguyện viên” tự nguyện đến giúp đỡ phe ly khai chống lại quân đội chính phủ Ukraine.
Câu chuyện của người trong cuộc?
Phóng viên của hãng tin Reuters đã gặp gỡ và trò chuyện với 5 cựu binh sĩ Nga vừa mới giải ngũ gần đây, trong đó có 2 người xin ra quân vì không muốn chiến đấu ở Ukraine.
Một trong số 5 cựu binh đó nói với Reuters rằng anh ta được đưa tới tham gia một đợt tập trận ở miền nam nước Nga vào hồi năm ngoái, nhưng cuối cùng lại được điều động tiến vào Ukraine trong một đoàn xe thiết giáp.
Người lính từng phục vụ trong sư đoàn tăng tinh nhuệ Kantemirovskaya của Nga này cho biết: “Sau khi vượt qua biên giới, một trung tá nói rằng chúng tôi sẽ bị tống giam nếu không thực hiện mệnh lệnh. Tuy nhiên một số binh sĩ đã từ chối chiến đấu ở đó”.
Người lính này đã cung cấp cho phóng viên Reuters danh tính của mình, nhưng xin được phát ngôn giấu tên vì sợ gặp rắc rối sau này.
Anh ta kể về 2 người đồng đội không chịu chấp hành mệnh lệnh chiến đấu của chỉ huy: “Họ bị đưa đi đâu đó. Viên trung tá nói với chúng tôi rằng họ đã bị điều tra, tuy nhiên trong thực tế, khi chúng tôi gọi điện cho họ sau này, họ đã về nhà. Họ chỉ đơn giản là xin ra quân”.
Những người lính trò chuyện với Reuters nói rằng có nhiều lính Nga rất sợ bị điều đến Ukraine, nhưng nhiều người vẫn phải đến đó và tỏ ra bất mãn với cách mà họ bị đối xử sau khi trở về.
Reuters dẫn lời một cựu lính xe tăng ở Moscow nói rằng anh không hề tình nguyện tới Ukraine. “Không, để làm gì cơ chứ? Đó không phải là cuộc chiến của chúng tôi. Nếu binh lính chúng tôi đàng hoàng chiến đấu ở đó thì lại là chuyện khác”.
Người lính này cho biết kíp xe tăng T-72B3 của anh đã được điều tới Ukraine vào mùa hè năm ngoái và trở về Nga vào hồi tháng Chín, khi các vòng đàm phán hòa bình đầu tiên diễn ra. Anh nói: “Khi trở về Nga, người ta nói rằng chúng tôi sẽ được hưởng phụ cấp, tiền thưởng và huân chương. Thế nhưng chẳng có gì cả, và 14 người chúng tôi đã quyết định xin ra quân”.
Ra quân vì sợ phải tham chiến ở Ukraine?
Tên của 9 binh sĩ thuộc sư đoàn tăng Kantemirovskaya xin ra quân đợt này đã được đề cập trong những lá thư giữa ông Viktor Miskovets, trưởng phòng quân lực Quân khu Tây của Nga với ông Valentina Melnikova, người điều hành Ủy ban Liên minh Mẹ Chiến sĩ ở Moscow.
Trong những lá thư này, các nhân viên Ủy ban Liên minh Mẹ Chiến sĩ đã yêu cầu ông Miskovets chấp nhận đơn xin ra quân của các binh sĩ trên, điều mà quân đội Nga không muốn thực hiện, tuy nhiên những lá thư này không đề cập đến quá trình phục vụ ở Ukraine.
Theo thư phản hồi của ông Miskovets, những binh sĩ này được ra quân vào ngày 12.12 năm ngoái. Reuters đã liên lạc với 3 binh sĩ có tên trong danh sách này, và họ đều xác nhận rằng mình đã ra quân trong thời gian gần đây nhưng từ chối thảo luận về vấn đề Ukraine.
Một người lính khác trong khi trò chuyện với Reuters nói rằng anh phục vụ trong một đơn vị tên lửa Grad, và vào mùa hè năm 2014, đơn vị anh được điều đến vị trí ở Rostov, cách biên giới Ukraine chỉ khoảng 2 km.
Các binh sĩ trong đơn vị được thông báo là sẽ tham gia một cuộc diễn tập, nhưng họ phải sẵn sàng cho tình huống chiến đấu thực sự. “Chúng tôi đến đó mà không hề mang phù hiệu. Chúng tôi phải gỡ bỏ tất cả cầu vai, quân hiệu, và người ta nói rằng chúng tôi không cần chúng trong điều kiện tác chiến”, người lính này cho biết.
Đến đầu tháng 9, đơn vị tên lửa của anh ta được lệnh bắn vào các mục tiêu “cách đó khoảng 17 km” mà không được thông báo rõ đó là mục tiêu gì. Người lính này nói: “Tôi chỉ hy vọng rằng chúng tôi không nhắm vào bất cứ người nào, hay ít nhất là tôi đã trượt mục tiêu”.
Đến tháng Một vừa rồi, trong khi đang nghỉ phép, người lính này được gọi khẩn cấp về đơn vị và bị điều động tới khu vực biên giới với Ukraine. Vì lo sợ bị điều tới tham chiến ở Ukraine, anh ta và 4 đồng đội đã quyết định xin ra quân, và họ được trút bỏ quân phục vào tháng Ba vừa qua, sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết.