Quản lý thuốc bệnh viện: Hở ở... y đức
Từ vụ việc cấp thuốc hết hạn tại Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP HCM, ngành y tế cần chấn chỉnh công tác quản lý thuốc trong bệnh viện nhằm tránh hậu họa cho bệnh nhân
Cơ quan công an đang khẩn trương điều tra vụ việc sử dụng thuốc hết hạn để điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP HCM. Từ vụ việc có dấu hiệu sai phạm động trời này, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh quy trình quản lý thuốc trong các bệnh viện hiện nay.
Khó có cửa cho thuốc hết hạn
Quy trình quản lý thuốc trong bệnh viện hiện nay được quy định rất chặt chẽ, được cụ thể hóa trong Luật Dược năm 2005, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, cùng với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Theo pháp luật hiện hành, trách nhiệm quản lý thuốc trong bệnh viện được giao cho khoa dược của bệnh viện. Tại điều 2, Thông tư số 22/2011/TT-BYT ngày 10-6-2011 của Bộ Y tế quy định khoa dược có chức năng quản lý và tham mưu cho giám đốc bệnh viện về toàn bộ công tác dược trong bệnh viện nhằm bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng và tư vấn, giám sát việc thực hiện sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.
Còn tại điều 3 của thông tư này quy định 14 nhiệm vụ của khoa dược. Trong đó có việc lập kế hoạch, cung ứng thuốc bảo đảm đủ số lượng, chất lượng cho nhu cầu điều trị và thử nghiệm lâm sàng; quản lý, theo dõi việc nhập thuốc, cấp phát thuốc cho nhu cầu điều trị và các nhu cầu đột xuất khác khi có yêu cầu; bảo quản thuốc theo đúng nguyên tắc "Thực hành tốt bảo quản thuốc. Về quy trình cấp phát thuốc, điều 15 Thông tư số 22 quy tất cả các loại thuốc, hóa chất phải được kiểm nhập trước khi nhập kho. Trước khi cấp phát thuốc, khoa dược phải kiểm tra tên thuốc, nồng độ (hàm lượng), dạng bào chế, liều dùng, đường dùng, khoảng cách dùng thuốc trên đơn thuốc với thuốc sẽ giao; kiểm tra nhãn thuốc, chất lượng thuốc, số lượng thuốc… Việc cấp phát thuốc theo nguyên tắc thuốc nhập trước xuất trước, thuốc có hạn dùng ngắn hơn xuất trước; chỉ được cấp phát các thuốc còn hạn sử dụng và đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Một dược sĩ cho biết thực tế quản lý, cấp phát thuốc hiện nay tại các bệnh viện, cơ sở y tế theo quy trình rất nghiêm ngặt. Riêng với việc kiểm soát hạn sử dụng của thuốc, nhân viên được giao nhiệm vụ cấp phát thuốc phải thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng, từ khâu nhập, lưu trữ, cấp phát. Tại kho cấp phát thuốc nội trú trong bệnh viện, nhân viên cấp phát và điều dưỡng nhận thuốc đối chiếu kỹ thuốc cấp phát/nhận, trong đó phải thường xuyên kiểm tra hạn dùng từ khâu nhập, lưu trữ, cấp phát. Còn tại khoa lâm sàng, điều dưỡng thường xuyên kiểm tra hạn dùng thuốc trong tủ trực. Khi sử dụng, phát thuốc cho người bệnh luôn kiểm tra lại thuốc, trong đó có hạn sử dụng.
Riêng về việc xử lý đối với thuốc đã hết hạn sử dụng, tại khoa dược các bệnh viện, thuốc này phải đặt để một chỗ riêng biệt, sau đó bệnh viện thành lập hội đồng hủy thuốc để triển khai. Theo quy định, thời gian để hủy thuốc là mỗi năm thực hiện 1 lần và lượng thuốc hết hạn sử dụng phải hủy thường là không quá nhiều.
Giới chuyên môn cho rằng với quy trình quản thuốc rất chặt chẽ như vậy, khó có thể để xảy ra việc trên hệ thống phần mềm quản lý thuốc của Bệnh viện Truyền máu và Huyết học "lọt sổ 2 lọ thuốc Antithymocyte Globuline (Thymogam 250 mg) hết hạn từ tháng 1-2020 nhưng lại có hạn sử dụng đến tháng 11-2021. Đây là vấn đề mấu chốt, có dấu hiệu lợi dụng kẽ hở trong quản lý để vi phạm mà cơ quan điều tra đang làm rõ.
Tại các quầy thuốc hay nơi nhận thuốc bệnh viện, người bệnh, người nhà người bệnh có quyền yêu cầu kiểm tra lại thuốc mình nhận, trong đó có hạn sử dụng của thuốc Ảnh: Nguyễn Thạnh
Hiểm họa khôn lường
Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng việc sử dụng thuốc quá hạn sử dụng không chỉ làm giảm hiệu quả chất lượng điều trị mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh.
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), khi thuốc hết hạn, nó có thể bị thay đổi thành phần hóa học, tạo ra các hợp chất độc hại, có thể khiến người tiêu dùng gặp phải các tác dụng phụ ngoài ý muốn. Một số thuốc hết hạn có nguy cơ phát triển vi khuẩn, các loại kháng sinh có thể cho tác dụng dưới mức cần thiết, dẫn đến nguy cơ làm cho căn bệnh nghiêm trọng hơn và nguy cơ kháng kháng sinh.
TS-DS Huỳnh Hiền Trung, Phó Chủ tịch Hội Dược sĩ bệnh viện TP HCM kiêm Trưởng Khoa Dược Bệnh viện Gia An 115 TP HCM, cho rằng tùy từng loại thuốc sẽ có mức độ nguy hại khác nhau khi sử dụng phải thuốc hết hạn. Trước hết là người bệnh không khỏi bệnh và khiến bệnh nặng hơn, làm mất thời gian vàng để điều trị bệnh khi bệnh đang còn nhẹ, thậm chí làm bệnh nhân tử vong nếu là các thuốc đặc trị.
Đáng chú ý, thuốc hết hạn có thể kém hiệu quả hoặc rủi ro do thay đổi thành phần hóa học hoặc giảm hiệu quả. Một số loại thuốc hết hạn có nguy cơ phát triển vi khuẩn và kháng sinh dưới mức hiệu lực có thể không điều trị nhiễm trùng, dẫn đến các bệnh nghiêm trọng hơn và đề kháng kháng sinh. Đa số các thuốc, khi hết hạn thì không hề thay đổi hình dáng so với lúc ban đầu nhưng thành phần hóa học đã biến đổi mà mắt thường không nhận biết được. Đây cũng là lý do khiến nhiều người nghĩ rằng thuốc hết hạn vẫn có thể sử dụng được mà không gây tác hại gì lớn.
Cũng theo TS-DS Huỳnh Hiền Trung, về nguyên tắc, người bệnh, thân nhân có thể yêu cầu được xem hạn sử dụng thuốc, loại thuốc trước khi nhân viên điều dưỡng thực hiện y lệnh của bác sĩ trong quá trình người bệnh nằm điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, hầu như tâm lý người bệnh ít ai yêu cầu vấn đề này vì gây mất thời gian.
Trong vụ việc xảy ra ở Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP HCM, may mắn là thân nhân người bệnh phát hiện thuốc hết hạn. Trên thực tế, không phải người bệnh, thân nhân bệnh nhân nào cũng phát hiện thuốc hết hạn như vậy, nhất là việc sử dụng thuốc đều theo y lệnh của bác sĩ. Họ luôn phải đối mặt với những rủi ro khi sử dụng thuốc quá hạn sử dụng, thuốc kém chất lượng. Nói như PGS-TS Trương Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Dược sĩ bệnh viện TP HCM: "Thuốc dỏm không chỉ tác hại lớn đến sức khỏe như phản ứng dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng, dễ kháng thuốc… mà còn gây vô hiệu hóa các giải pháp điều trị khiến người bệnh dễ tử vong".
Chính vì thế, giới y khoa cho rằng với sự cố nghiêm trọng vừa xảy ra tại Bệnh viên Truyền máu và Huyết học TP HCM, ngành y tế cần chấn chỉnh công tác quản lý, cấp phát thuốc trong bệnh viện, tránh những sự cố, sai phạm nghiêm trọng có thể xảy ra, nhất là sai phạm về y đức gây tổn hại đến người bệnh.
Có thể khởi tố hình sự Luật gia Nguyễn Văn Thanh cho biết việc xử lý các hành vi vi phạm về cấp phát thuốc, bán thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc thuốc hết hạn sử dụng được áp dụng theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, tại điều 40, Nghị định 176, cá nhân, tổ chức có hành vi bán thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc thuốc đã hết hạn sử dụng bị xử phạt từ 40-50 triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở bán thuốc quá hạn sử dụng sẽ bị buộc hoàn trả toàn bộ số tiền thu được từ hành vi bán thuốc hết hạn và buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc đó. "Nếu việc sử dụng thuốc quá hạn, kém chất lượng gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (ví dụ: dẫn đến chết người) thì cơ quan công an có thể vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc. Cơ quan pháp luật sẽ khởi tố vụ án nếu đủ căn cứ kết tội, những cá nhân trách nhiệm chính trong vụ việc có thể bị khởi tố hình sự" - luật gia Thanh nhấn mạnh. Bên cạnh đó, khi phát hiện cơ sở kinh doanh, cơ sở y tế sử dụng thuốc hết hạn sử dụng hay kém chất lượng, người dùng cần nhanh chóng thông báo đến lực lượng quản lý thị trường tại địa phương để bảo đảm sức khỏe và quyền lợi của bản thân. D.Lâm ghi |
Nguồn: [Link nguồn]
Đối với các loại thuốc đặc trị nếu bị quá hạn sử dụng sẽ rất nguy hiểm vì sẽ sinh ra một số chất không có lợi,...