Phu vàng xứ Quảng: Đổ máu nơi hầm sâu

Dù biết “đi dễ khó về” nhưng những phu vàng nghèo khổ tứ xứ vẫn đổ về Quảng Nam - vùng đất nhiều mỏ vàng nhưng đầy hiểm nguy, máu và nước mắt. Và, không biết bao nhiêu phu vàng đã bỏ mạng nơi những hầm vàng sâu hun hút đến cả trăm mét…

Đổ máu, mất mạng vì vàng

Năm nào tại xứ vàng Quảng Nam cũng xảy ra chuyện sập hầm vàng trái phép lẫn có phép, hậu quả luôn là những cái chết tức tưởi của phu vàng nghèo khổ, chuyên “bám hầm vàng mưu sinh”. Máu cũng đã đổ nhiều trên các bãi khai thác vàng ở đất Quảng Nam khi các tay “anh chị” trong giới “vàng tặc” giải quyết mâu thuẫn tranh giành lãnh địa, bãi khai thác vàng bằng hung khí hoặc mìn tự tạo.

Mới đây nhất, ngày 8/4, 3 phu vàng chết ngạt dưới hầm vàng sâu hơn 100m ở khe 39 xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn, một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng khai thác vàng trái phép đang diễn ra công khai tại đây như thách thức chính quyền sở tại. Cả chủ bãi tên Tiến cùng 3 nạn nhân đều quê ở Thái Nguyên. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, ông chủ hầm vàng này đã bí mật đưa các phu vàng ra khỏi bãi, thuê xe ô tô chở về quê an táng.

Theo quan sát của phóng viên, quanh khu vực vừa xảy ra vụ tai nạn của các phu vàng, có đến 30 hầm vàng đào sâu trong lòng đất với kết cấu hết sức thô sơ. Nguy cơ sập hầm hoặc phu vàng chết ngạt có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Phu vàng xứ Quảng: Đổ máu nơi hầm sâu - 1

Chủ bãi vàng dựng lều, đào hầm, khai thác rầm rộ, lẽ nào chính quyền địa phương không hay biết?

Huyện Phước Sơn của Quảng Nam nằm trên trục đường Hồ Chí Minh, được giới làm vàng gọi là “thiên đường vàng”. Tại đây, vào thập niên 80 và 90 thế kỷ trước, đã nổi tiếng về vàng sa khoáng và quặng vàng nằm sâu trong lòng đất. Tại “thiên đường vàng” này, các “ông trùm” từ Bắc vào đứng bãi trái phép tại các đồi núi, rừng sâu để khoanh vùng chiếm giữ “tăm” thăm dò. Nếu “tăm” không có vàng hoặc lượng vàng thấp không đủ chi phí sẽ bỏ tìm nơi khác “tăm” tiếp. Cứ thế rừng núi bị băm nát để tìm vàng. Các “ông trùm”, chủ bãi và phu vàng chủ yếu là người các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hòa Bình… kéo vào.

Quy luật được các “ông trùm” áp dụng trả tiền công cho phu vàng làm thuê là không trả theo ngày mà thanh toán lắt nhắt, hòng để giữ chân và điều khiển những phu vàng do mình thuê. Khi xảy ra sự cố sập hầm hoặc tranh giành bãi gây chết người và bị thương, các ông chủ sẽ xử lý nhanh gọn là khiêng nạn nhân ra ngoài bìa rừng nơi vắng vẻ, thuê xe ô tô chở thẳng về quê và bồi thường một khoản tiền cho gia đình nạn nhân là xong chuyện.

Phu vàng xứ Quảng: Đổ máu nơi hầm sâu - 2

Hiện trường núi Nước Vin sập đè chết 13 phu vàng và làm 7 người bị thương

Phu vàng xứ Quảng: Đổ máu nơi hầm sâu - 3

Để chỉ đạo công tác tìm kiếm nạn nhân tại vụ sập hầm vàng làm chết 13 người ở Nước Vin, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải phải vượt sông, đồi núi đến hiện trường.

Những phu vàng nghèo khổ đã trót theo các chủ bãi, “ông trùm” vào đây chỉ còn đường chui xuống những hầm vàng tối tăm, sâu hun hút để đào tìm vàng. Bất luận sự phản kháng nào của phu với với chủ bãi đều bị “xử” theo “luật rừng”.

Cho đến bây giờ, giới làm vàng không quên vụ phu vàng Quảng Văn Du (SN 1993, quê Nghệ An) làm công nhân cho Công ty Phước Minh, sau khi cùng 5 công nhân khoan đá đánh mìn tại mỏ xong, Du đã ôm thuốc nổ để “tự sát” ngay tại bãi vàng ở xã Phước Thành, huyện Phước Sơn gây rúng động dư luận, vào ngày 30/7/2011. Hậu quả, nạn nhân chết phanh thây. 4 phu vàng khác bị thương.

Phu vàng xứ Quảng: Đổ máu nơi hầm sâu - 4

Một hầm lò vàng trái phép ngang nhiên tồn tại, kéo theo đó là bao nhiêu hécta rừng bị đốn hạ để lấy gỗ làm hầm

Địa phương bất lực với “vàng tặc” (!?)

Trước tình hình diễn biến phức tạp tại các hầm lò, các bãi khai thác vàng trái phép, năm 2011, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh đã chỉ đạo quyết liệt giải quyết nạn “vàng tặc” bằng cách dùng thuốc nổ phá sập các hầm lò cũ.

Tuy nhiên, xem ra giải pháp quyết liệt này vẫn không làm giới làm vàng sợ sệt. Đó là vào ngày 17/6/2011, tại bãi vàng ở khe nước Voi của xã Tà Bhing, huyện Nam Giang xảy ra vụ sập hầm vàng kinh hoàng chôn vùi 6 phu vàng dưới lòng đất sâu. Cả 6 nạn nhân đều quê ở Bắc Giang.

Phu vàng xứ Quảng: Đổ máu nơi hầm sâu - 5

Đoàn kiểm tra rút đi, “vàng tặc” lại hoành hành

Thực tế đang tồn tại lâu nay ở xứ vàng Quảng Nam là, lãnh đạo chính quyền cao nhất nơi đây luôn tuyên bố sẽ xử lý nghiêm, kỷ luật nghiêm cán bộ, lãnh đạo cấp xã, huyện hoặc tỉnh bảo kê cho “vàng tặc”. Thế nhưng cho đến nay vẫn chưa có cán bộ nào bị phát hiện bao che, bảo kê cho “vàng tặc” bị kỷ luật.

Điều đáng nói là hầu như các đợt truy quét của lực lượng chức năng tỉnh chuẩn bị triển khai đều được “vàng tặc” biết trước để rút lui, tránh xa. Còn những đợt truy quét được giữ bí mật tuyệt đối cũng chỉ hiệu quả là tiêu hủy các lán trại, máy nổ, dây diện, bếp nấu ăn… Vì vậy, nạn “vàng tặc” ở Quảng Nam vẫn hoành hành và mỗi năm lại cướp đi nhiều sinh mạng của những phu vàng nghèo khổ…

Những thảm nạn ở xứ vàng Quảng Nam:

- Năm 2005, 2 phu vàng bị chết ngạt trong một hầm vàng cũ bỏ sót lại ở mỏ vàng Bồng Miêu xã Tam Lãnh.
- Năm 2007, sập hầm vàng ở xã Phước Kim, huyện Phước Sơn làm chết 4 phu vàng chết.
- Năm 2008, vụ sập núi Thánh Giá ở xã Tam Lãnh làm chết 6 phu vàng.
- Năm 2009, vụ sập hầm vàng kinh hoàng ở núi Nước Vin ở huyện Bắc Trà My làm chết 13 phu vàng và 7 phu vàng khác bị thương.
- Năm 2010, sập hầm vàng ở xã Phước Đức, huyện Phước Sơn làm chết 1 phu vàng và 1 phu vàng khác bị thương.
- Năm 2011, sập hầm vàng ở Bồng Miêu làm chết 1 phu vàng và 3 phu vàng khác bị thương…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huy Hoàng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN