Phố ông Đồ: Mua – bán chữ là chuyện thường

Nhà nghiên cứu Văn hóa Dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, cách nhìn định kiến sẽ làm lu mờ đi sự tốt đẹp của phố ông đồ.

"Chợ" thư pháp

Khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) là nơi các ông đồ “tập kết” cho chữ dịp tết đến, xuân về. Nhiều năm nay, người ta quen miệng gọi “phố ông đồ”.

Tại đây, bên cạnh các ông đồ già mặc áo the, đội khăn xếp, còn có các “anh đồ trẻ” đang là sinh viên. Không những vậy, "phố ông đồ" còn cả những bà đồ xinh đẹp múa bút cho chữ... Phố ông đồ nhờ vậy mà sôi nổi, trẻ trung hơn. Thông thường, ông đồ già thường viết thư pháp chữ Hán, còn “anh đồ trẻ” viết thư pháp chữ quốc ngữ hiện đại.

Nhà nghiên cứu Văn hóa Dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - Giảng viên Khoa Văn học - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, trước 1995, ở Hà Nội hầu như chỉ còn 4 người thường cho chữ vào dịp Tết.

Sau năm 1995, không gian Văn Miếu phát triển dần dần thành nơi giao lưu, triển lãm và hình thành "chợ" thư pháp. Tên "Phố ông đồ" xuất hiện trong ngôn ngữ dân gian. Đây là thuần phong mĩ tục truyền thống được tái lập và phát triển.

Phố ông Đồ: Mua – bán chữ là chuyện thường - 1

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết Nguyên Đán là "phố ông đồ" trên vỉa hè quanh Văn miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) lại tấp nập người cho chữ, người đến xin chữ.

Tuy vậy, sự xuất hiện của “chợ” thư pháp kéo theo sự thay đổi của tục xin chữ, ông đồ cũng “mềm dẻo” đáp ứng đời sống xã hội mới. Chẳng hạn như, ngày nay, thay vì đến nhà thầy đồ, chỉ cần đến phố ông đồ, chọn một trong số các ki ốt trong “phố ông đồ” để xin chữ. Không chỉ cho được chữ Nho, các thầy đồ sẵn sàng cho chữ quốc ngữ (viết theo lối thư pháp), thậm chí nhờ viết sớ đi chùa...

Đáng chú ý ông đồ Lê Quang Thảng (Hà Nội) chia sẻ, phần đông người xin chữ hiện nay, coi việc chơi thư pháp cho vui, nay thích thì chơi, mai không thích thì bỏ. Có vị khách cậy có tiền đến trả giá mua chữ về nhà treo cho oai mà không có cái tâm.

Các nhà nghiên cứu văn hóa cũng cho rằng, trước đây, người dân rất quan tâm đến hình thể của con chữ và nội dung của câu chữ. Hiện nay, người xin chữ chủ yếu để cầu may mắn, ít khi thưởng thức về mặt thư pháp.

Khảo sát của PV, mỗi lần cho chữ, khách hàng trả cho ông đồ tối thiểu từ 100 – 200 nghìn đồng. Nếu muốn bức thư pháp có khung, giấy đẹp, giá tiền cao hơn.

“Dăm bảy chục cũng đáng”

Nhiều ý  kiến cho rằng, đôi khi việc cho chữ hiện nay bị thương mại hóa, làm mai một ý nghĩa cao quý và thiêng liêng vốn có. Mối quan hệ ông đồ và người xin chữ nhiều khi biến thành người bán – kẻ mua. Tục “xin chữ, cho chữ” dù tiếp nối như một di sản phong tục văn hóa xưa, bây giờ đã như một dịch vụ hàng hóa đặc biệt.

Phố ông Đồ: Mua – bán chữ là chuyện thường - 2

Do không có tên trong danh sách ngồi trong hồ Văn (phố ông đồ), "dị nhân" Văn Thùy (quê Hưng Yên) ngồi vỉa hè. Ông bỏ chạy khi lực lượng an ninh tuần tra vỉa hè.

Nhà nghiên cứu Văn hóa Dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng,  sự đảo lộn giá trị diễn ra khắp nơi, không trừ một môi trường nào. Ông cũng thừa nhận có yếu tố thương mại trong tục xin chữ – cho chữ ngày nay, nhưng chỉ là “một bộ phận không lớn”.

Ông nói: “Cách nhìn đánh đồng mọi chuyện, định kiến sẽ làm lu mờ đi sự tốt đẹp của họ”.

“Biết quý con chữ là thắng lợi rồi. Không xin chữ họ thì chúng ta sẽ mua tranh tàu về treo vậy. Thế thôi!”.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, ông đồ ngày xưa thì tối thiểu là một cơi giầu, hơn thì cân nếp, con gà, chục cá thu, gói chè tàu, cặp bánh chưng, hộp mứt sen... Tùy tâm và tùy hoàn cảnh - "làm thầy nuôi vợ, làm thợ nuôi miệng".

“Ngày nay kinh tế phát triển, có dăm bảy chục một bức chữ đẹp thì cũng đáng thôi, cũng tùy tâm. Con chữ mà đắt có khi đáng giá hơn chai rượu đắt mua để biếu tặng”, ông nói.

Nói về thấy đồ trẻ cho chữ ở phố ông đồ, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng: “Sự mới mẻ của họ khẳng định một thế hệ mới đầy năng lực bứt phá, sáng tạo. Điều đó đáng mừng cho học thuật đương đại. Chữ của họ rất đáng trân trọng và đem lại nhiều may mắn”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN