Phô diễn cơ thể là nhu cầu rất con người

GS. Ngô Đức Thịnh cho rằng, thuần phong mỹ tục là một khái niệm mơ hồ. Tà áo dài Việt Nam hay dải yếm ngày xưa cũng là sự phô diễn cơ thể.

Xung quanh chuyện các cô gái tung ảnh khêu gợi của chính mình lên mạng Facebook, có người cho rằng, đây là hành vi đáng lên án, pháp luật phải xử lý. Nhưng có người cho rằng rất khó xử lý vì hành vi đó chưa đến mức vi phạm pháp luật. 

GS. TS. Ngô Đức Thịnh (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam) lại cho rằng, đó là một nhu cầu rất con người. Nhu cầu đó tạo ra nét đẹp cho cuộc sống, dù đôi khi có người đi quá giới hạn gây phản cảm.

Mỗi người có cách thể hiện riêng

Theo nhà văn hóa này: “Đây là một phạm trù thuộc cá nhân con người. Không nên cứng nhắc đưa vấn đề pháp lý giải quyết hiện tượng này!”

GS. Thịnh phân tích: Phô diễn hình ảnh cơ thể là một nhu cầu có thật của con người. Mỗi con người đều có mong muốn thể hiện mình. Đó cũng như một dạng văn hóa tự thân. Thời kỳ nào, con người cũng có nhu cầu này.

Có nhiều cách thể hiện bản thân khác nhau. Có người thích thể hiện bằng trí tuệ, bằng sức mạnh, bằng quyền lực. Nhưng có người muốn được thể hiện bằng hình ảnh cơ thể của mình.

Ở Việt Nam, con người luôn bị bó buộc, đè nén theo khuôn phép bởi quan điểm phong kiến, kể cả sau phong kiến suốt thời gian dài. Đến thời mở cửa, con người được giải tỏa. Đó cũng là sự giải phóng cá nhân con người.

Sự phô diễn cơ thể cũng phụ thuộc mức độ phát triển xã hội. Cách đây mấy chục năm, bối cảnh xã hội khác bây giờ. Lúc đó chưa hình thành một nhu cầu rõ rệt. Nhưng người ta vẫn có ý thức về điều này.

Ông Thịnh nêu ví dụ: Rất nhiều cô gái trước đây cũng có nhu cầu chụp ảnh nude. Nhưng họ thể hiện kín đáo hơn. Khi được hỏi, các cô gái đó cho rằng muốn lưu giữ lại chút kỷ niệm, hình ảnh về nét đẹp cơ thể của mình ở thời kỳ còn trẻ. Tất nhiên, những hình ảnh này không mấy người nhìn thấy.

Phô diễn cơ thể là nhu cầu rất con người - 1

Tà áo dài Việt Nam hay dải yếm ngày xưa cũng là sự phô diễn cơ thể. (Ảnh: Hồng Phú)

Ngày nay, xã hội cởi mở, khoa học công nghệ phát triển hơn, các cô gái có điều kiện mạnh dạn hơn, suy nghĩ thoáng hơn. Họ không ngần ngại để người khác nhìn thấy cơ thể mình. Cách thể hiện của các cô gái thiên về sự hở hang. Trong sự hở hang đó, có thứ là nét đẹp. Đôi khi có người đi quá giới hạn, gây phản cảm.

Nhưng theo GS. Thịnh, giới hạn đó ở đâu, cách thể hiện như thế nào được coi là nhu cầu, mức nào là văn hóa, mức nào vượt quá giới hạn? Điều đó rất khó xác định.

Áo dài, yếm cũng là sự phô bày

GS. Ngô Đức Thịnh rất khó để cho rằng, các cô gái đưa ảnh khêu gợi lên Facebook là đồi trụy. Nếu lấy “tiêu chí đồi trụy” là hở đồ lót - hình ảnh phụ nữ mặc đồ lót bây giờ đã quá quen thuộc.

Ông Thịnh nêu: Lấy tiêu chí “đồi trụy” là “trái với thuần phong mỹ tục”, vậy thế nào là “thuần phong mỹ tục”?

Ông Thịnh ví dụ: Chiếc yếm là một nét “thuần phong mỹ tục”. Ngày xưa, người phụ nữ mặc yếm, toàn bộ phần lưng đều hở, bầu ngực nổi hằn lên. Đó cũng là sự úp mở, rất khêu gợi.

Theo ông Thịnh, thuần phong mỹ tục là khái niệm rất mơ hồ. Chưa kể, thuần phong mỹ tục cũng phải biến đổi. Mỗi thời kỳ, xã hội sẽ quan niệm khác nhau. Sự phô diễn cơ thể cũng giống như một thứ nghệ thuật của cuộc sống. Rất nhiều thứ trong cuộc sống khó biết là đúng hay sai.

Nhà văn hóa này nêu tiếp ví dụ: Tà áo dài là nét đẹp văn hóa truyền thống của con gái Việt Nam. Tà áo dài có một điều rất đặc biệt. Nó kín nhưng cũng là hở.

Áo dài gần như che hết toàn bộ cơ thể của người phụ nữ nhưng thực ra cũng không che cái gì cả. Những cái đẹp nhất, hấp dẫn nhất trên cơ thể phụ nữ đều không bị che đi. Những đường cong của con gái luôn nổi lên rất rõ dưới tà áo dài. Đó chính là tính nghệ thuật của tà áo dài. Kín đáo mà vẫn thể hiện được cái đẹp.

Ông Thịnh kết luận, có những người con gái đẹp muốn phô cơ thể ra. Và chắc chắn cũng rất nhiều người có nhu cầu chiêm ngưỡng, thưởng thức.

“Ở lứa tuổi nào, dù già hay trẻ đều muốn được thưởng thức cái đẹp. Đó cũng là một trong những thứ hấp dẫn cuộc đời, để con người ta thấy đáng sống. Một nhu cầu rất con người, rất nhân văn.” – Nhà văn hóa Ngô Đức Thịnh nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN