Phí đường với xe bus: Bốc túi nọ bỏ túi kia

Thông tư hướng dẫn 197 của Bộ Tài chính về thu phí và sử dụng phí bảo trì đường bộ quy định, xe buýt vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ, mặc dù đây là loại hình vận tải công cộng đang được khuyến khích phát triển và vẫn đang nhận sự trợ giá từ ngân sách Nhà nước.

Đóng phí bảo trì rồi nhận trợ giá

Theo ông Nguyễn Trọng Thông, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco), tại Thông tư 197 quy định, xe buýt không được miễn giảm phí sử dụng đường bộ. “Cái gì theo quy định thì doanh nghiệp Nhà nước vẫn phải chấp hành, không được ưu tiên thì vẫn phải đóng phí,” ông Thông bày tỏ.

Trước đây, xe buýt chưa bao giờ phải nộp phí bởi loại hình giao thông công cộng này thường hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành và không đi qua các trạm thu phí. Việc phải nộp phí sẽ khiến chi phí của xe buýt tăng lên đáng kể, ảnh hưởng trực tiếp tới giá vé. Do vậy, xe buýt phải nộp “thuế” đường không khác gì việc xoay chuyển nguồn vốn ngân sách của Nhà nước, bởi hiện nay loại hình phương tiện này vẫn đang được Nhà nước trợ giá.

Lý giải về điều này, ông Thông cho rằng, xe buýt nếu nộp phí vào quỹ bảo trì đường bộ, sau đó quỹ của ngân sách thành phố lại chi ra để trợ giá thì chẳng khác nào quay đi quay lại nguồn vốn. Đề cập đến số lượng xe buýt phải đóng phí sử dụng đường bộ có thể sẽ tạo “gánh nặng” cho Transerco, ông Thông nhìn nhận, Transerco hiện nay có hơn 1.500 xe buýt với nhiều loại đầu phương tiện khác nhau. Do vậy, số tiền đóng nếu tính thấp nhất 1 triệu đồng/xe thì mỗi năm cũng nộp hàng chục tỷ đồng. “Tới đây, xe đến hạn đăng kiểm mà vẫn phải nộp phí bảo trì đường bộ theo quy định thì đây sẽ là một khoản tương đối lớn”, ông Thông cho biết.

Phí đường với xe bus: Bốc túi nọ bỏ túi kia - 1

Xe buýt vẫn nhận trợ giá từ ngân sách

Sao không miễn cho đỡ quay vòng?

Liên quan đến giá vé xe buýt có thay đổi khi chi phí đầu vào tăng lên, cụ thể là phải đóng phí bảo trì đường bộ, ông Thông cho hay, nếu có thay đổi giá vé thì cũng phải tính toán sao cho phù hợp, đỡ gánh nặng ngân sách, đồng thời phù hợp với túi tiền của hành khách, bởi phần đông người đi xe buýt vẫn là công nhân, viên chức, lao động thu nhập thấp, sinh viên và học sinh. “Đằng nào Nhà nước vẫn phải hỗ trợ giá. Giá vé có tăng hay không phụ thuộc vào việc trợ giá của ngân sách thành phố. Nếu thay đổi giá vé, bởi thực hiện theo hệ thống chính sách về thuế, phí thì phải làm sao cho phù hợp để đỡ gánh nặng ngân sách, tạo môi trường hoạt động thuận tiện cho xe buýt,” ông Thông nhấn mạnh.

Còn theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, xe buýt hiện nay có hai loại là trợ giá và không trợ giá (tuyến buýt kế cận đi các tỉnh, thành). Vì thế, Nhà nước phải tiến hành thu phí xe buýt bởi nếu không thu các tuyến trợ giá thì các tuyến kế cận sẽ có ý kiến. Đối với các tuyến xe buýt có trợ giá, ông Liên cũng đồng tình quan điểm, nếu loại hình này nộp phí sử dụng đường bộ thì cũng chỉ là nguồn vốn ngân sách được xoay vòng. “Giá vé xe buýt của tuyến trợ giá sẽ không tăng bởi Nhà nước sẽ thu xếp vốn bù vào để trợ giá. Quỹ bảo trì đường bộ là ngân sách, nguồn thu của quỹ bảo trì đường bộ sẽ được gửi 35% về cho các địa phương. Trợ giá xe buýt cũng là ngân sách địa phương nên về bản chất chỉ là một,” ông Liên chia sẻ.

Tuy nhiên, đối với các tuyến buýt kế cận, khi phải đóng phí bảo trì đường bộ, họ được quyền tăng giá vé, cân đối đầu ra - đầu vào để tránh thua lỗ. Còn, với loại hình xe buýt được trợ giá hiện nay, việc tăng giảm giá vé không thể tùy tiện theo cơ chế thị trường. Bởi vậy, việc thu phí bảo trì đường bộ với loại hình xe buýt trợ giá chẳng khác nào bốc túi nọ, bỏ túi kia. Thậm chí, theo phân tích của một chuyên gia giao thông, nên miễn “thuế” đường với loại hình này, vì thực chất vẫn là tiền ngân sách Nhà nước, do đó, miễn được khâu nào, giảm được thủ tục nào bớt phiền hà khâu đó, có khi còn tránh được thất thoát.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngân Tuyền (An ninh Thủ đô)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN