Phạt “đinh tặc” nửa tỉ: Khó khả thi!
Giới chuyên môn cho rằng hành vi vi phạm của “đinh tặc” là rất nguy hiểm, cần nghiêm trị nhưng việc định mức xử phạt lên đến 500 triệu đồng là không thực tế
Dự kiến tại kỳ họp diễn ra vào tháng 10, Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến dự thảo Bộ Luật Hình sự (BLHS - sửa đổi). Trong 20 hành vi mới bổ sung vào dự thảo lần này, đáng chú ý nhất là hành vi cố ý rải vật sắc nhọn (“đinh tặc”) trên đường bộ với mức phạt tiền 500 triệu đồng.
Phải nghiêm trị
Cách đây không lâu, 2 thanh niên đi xe máy hướng từ Đồng Nai về TP HCM, khi đến đoạn thuộc xã Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương thì bất ngờ thủng bánh sau khiến xe ngã, cả hai té xuống đường. Cùng lúc, xe tải trờ tới cán ngang làm 1 người chết tại chỗ và 1 người bị thương nặng.
Thời gian qua, đã có rất nhiều tai nạn đau lòng xảy ra do hành vi rải đinh trên đường vì mục đích kiếm thu nhập bất chính của một số đối tượng. Việc nghiêm trị loại tội phạm này là cần thiết, được các tầng lớp nhân dân đồng tình.
Đó cũng là lý do mà tại điều 270 dự thảo BLHS (sửa đổi) bổ sung thêm hành vi phạm tội này với mức phạt tiền tối đa 500 triệu đồng. Theo ban soạn thảo, hành vi cố ý đặt, rải vật sắc, nhọn trên đường bộ cũng là hành vi cản trở giao thông nhưng mức độ nguy hiểm cao hơn những hành vi khác. Nó còn thể hiện ý thức chủ quan của người phạm tội vì mục đích kinh tế mà bất chấp sự an toàn của người khác, có hành vi hết sức nguy hiểm gây cản trở giao thông, tạo ra nguy cơ gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe và tài sản của những người tham gia giao thông. Do đó, cần quy định thành tội danh riêng để xử lý nghiêm khắc hơn.
Cũng theo ban soạn thảo, hiện nay, việc xử lý “đinh tặc” áp dụng theo điều 203 của BLHS năm 1999. Vướng mắc ở bộ luật này đó là phải chờ hậu quả xảy ra mới xử lý nên không bảo đảm răn đe, ngăn chặn loại tội phạm đang có chiều hướng gia tăng này.
Một nạn nhân của “đinh tặc” bức xúc về việc xe bị cán đinh khi đang lưu thông Ảnh: NHƯ PHÚ
Cân nhắc phạt tiền
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Chánh, hiện nay, hành vi rải đinh trên đường bộ chỉ có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 5, điều 11 nghị định 171/2013/NĐ-CP (từ 5-7 triệu đồng). Còn nếu gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tài sản của người khác thì bị xử lý hình sự tội cản trở giao thông theo điều 203 BLHS năm 1999 (tối đa 10 năm tù).
Vấn đề là mục đích của người rải đinh không phải muốn cản trở giao thông mà là muốn kiếm tiền, lợi ích vật chất từ hành vi này nên việc định tội danh theo điều 203 cũng chưa thật chính xác. Vì lý do này, trong một số vụ việc cụ thể, cơ quan chức năng xử lý theo hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác thì chính xác hơn. Dù vậy, theo điều 143 BLHS năm 1999, các yếu tố cấu thành tội này là phải gây thiệt hại từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng; gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này. Chiếu theo quy định này, việc xử lý “đinh tặc” cũng rất khó khăn bởi giá trị một chiếc vỏ, ruột xe chỉ vài chục ngàn đồng.
Giới chuyên môn cho rằng việc xây dựng điều khoản riêng để xử lý hành vi “đinh tặc” theo điều 270 dự thảo BLHS (sửa đổi) là hợp lý, gỡ vướng cho các quy định cũ. Dù vậy, cần phải xem xét lại mức hình phạt tiền. “Phần lớn những người vi phạm nhận thức về pháp luật chưa cao, điều kiện kinh tế khó khăn. Việc làm của họ chủ yếu là để kiếm thêm thu nhập cho bản thân dựa trên những thiệt hại tài sản của người khác. Mức phạt tiền quá cao có thể khó thi hành trong thực tiễn với loại tội này” - luật sư Chánh nói
Quy định mức phạt theo dự thảo mới Theo điều 270 dự thảo BLHS (sửa đổi), người nào cố ý đặt, rải đinh hoặc vật sắc, nhọn trên đường bộ thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: Phạm tội từ 2 lần trở lên; trên các tuyến đường cao tốc; trên các đoạn đường đèo, dốc hoặc các đoạn đường nguy hiểm khác; làm chết người hoặc gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm: Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng. |
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM: Không khả thi, khó thi hành Việc hình sự hóa tội “Cố ý đặt, rải vật sắc, nhọn trên đường bộ” như điều 270 dự thảo BLHS (sửa đổi) là cần thiết để cơ quan chức năng áp dụng pháp luật chính xác, dễ dàng hơn. Về cơ bản, các hình phạt theo dự thảo tương đối phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi nhưng riêng về mức phạt tiền thì cần xem xét lại. Bởi lẽ, những người phạm tội này mặc dù họ cố ý về hành vi nhưng vô ý về hậu quả. Bản thân “đinh tặc” là người có thu nhập thấp, thiếu hiểu biết dẫn đến làm liều để kiếm lời từ việc sửa chữa phương tiện. Ngoài bị phạt tiền, “đinh tặc” còn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị hại. Mức phạt tiền theo dự thảo dù bảo đảm tính răn đe nhưng rõ ràng là không khả thi, khó thi hành án trên thực tế. Thạc sĩ Ngô Thế Tiến, nguyên thẩm phán TAND TP HCM: Có nên cá thể hóa án hình sự? Theo pháp luật hiện hành, “đinh tặc” chỉ bị xử lý hình sự khi có hậu quả xảy ra. Quy định như vậy không đủ để ngăn cản, răn đe. Do đó, việc dự thảo BLHS (sửa đối) định danh tội phạm đối với hành vi rải đinh trên đường là phù hợp với thực tiễn. Mức xử phạt hành chính hay hình sự phạt bằng tiền là căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm. Cho nên việc “đinh tặc” còn phải chịu trách nhiệm bằng hình phạt tiền tương ứng với hành vi của mình gây ra theo quy định của pháp luật là cần thiết. Vấn đề đặt ra là thực hiện như thế nào, khả năng nộp phạt của “đinh tặc” ra sao... thuộc về thi hành án dân sự. Không thể vì thế mà đặt vấn đề cá thể hóa thi hành án của “đinh tặc” khi quy định mức phạt bằng tiền trong BLHS được. Thạc sĩ Vũ Thị Thúy, Giảng viên Khoa Luật Hình sự Trường ĐH Luật TP HCM: Nên điều chỉnh mức phạt tiền Tôi tán thành quy định trong dự thảo về loại hình phạt và mức hình phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù và hình phạt bổ sung đối với hành vi phạm tội này. Đồng thời tôi cũng tán thành quy định về loại hình phạt tiền như trên. Tuy nhiên, mức phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 500 triệu đồng là chưa hợp lý. Khi nhà làm luật quy định hình phạt tiền đối với một hành vi phạm tội, nguyên tắc cơ bản phải tính đến là tính khả thi và phải căn cứ vào tình trạng tài sản của người phạm tội. Đối với “đinh tặc”, ai cũng biết đa phần họ là những người hành nghề sửa xe, thuộc đối tượng nghèo hoặc khó khăn về kinh tế, thu nhập, công việc không ổn định. Hành vi phạm tội của họ nhằm mục đích thu lợi bất chính từ việc sửa xe, thay lốp từ 50.000 đến 100.000 đồng. Vì vậy, mức phạt tiền như trên vượt quá khả năng, tài sản của họ. Nếu một quy định về hình phạt trong BLHS không có tính khả thi thì nó chỉ tồn tại trên giấy, không đạt được mục đích trừng trị, răn đe, giáo dục, cải tạo và phòng ngừa. Theo tôi, nên điều chỉnh mức phạt theo khoản 1 điều 270 dự thảo BLHS (sửa đổi) như sau: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Đối với trường hợp: phạm tội từ 2 lần trở lên; phạm tội trên các tuyến đường cao tốc, đường đèo, dốc hoặc các đoạn đường nguy hiểm; làm chết người hoặc gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 5 năm. Phạm tội thuộc trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, hoặc tái phạm nguy hiểm thì phạt tù từ 5 năm đến 12 năm. Bảo Nghi ghi |