Phải chặn đứng "nhất hậu duệ, nhì quan hệ"

Sự kiện: Thời sự

Muốn loại bỏ được tình trạng “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ rồi thứ tư mới đến trí tuệ”, phải công tâm, dân chủ.

Việc hàng loạt họ hàng của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, ông Triệu Tài Vinh, nắm giữ những chức vụ chủ chốt trong bộ máy tỉnh này đã gây nhiều phản ứng của dư luận. Tình trạng “cả họ làm quan” lại một lần nữa được cảnh báo. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Công Ngữ, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, xoay quanh vấn đề này.

Người đứng đầu phải công tâm và dân chủ

Phải chặn đứng "nhất hậu duệ, nhì quan hệ" - 1

. Phóng viên: Thưa ông, mới đây, khi dư luận xôn xao về việc nhiều người nhà ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, đang giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền tỉnh này, thì ông Vinh cho hay việc bổ nhiệm vợ con, anh em, người thân đều đúng quy trình. Ông có suy nghĩ gì về quy trình bổ nhiệm cán bộ của chúng ta hiện nay?

+ Ông Đặng Công Ngữ: Trong trường hợp này quy trình có thể đúng nhưng cần xem xét phương pháp tiến hành và thái độ của người đứng đầu cũng như tập thể lãnh đạo, cấp ủy có thật sự dân chủ và trách nhiệm khi bổ nhiệm những người đó không.

. Vấn đề ở đây là việc bổ nhiệm có thể đã “đúng quy trình” nhưng kiểu quá nhiều người thân thích cùng làm quan trong một chính quyền như thế rất gây phản cảm. Có ý kiến cho rằng quy trình hiện nay tập trung nhiều quyền vào người đứng đầu, thưa ông?

+ Đúng là như thế. Trong quy trình hiện nay việc đề xuất, họp bàn trong tập thể lãnh đạo, xin ý kiến cấp ủy, ký quyết định bổ nhiệm hoặc đề xuất lên cấp trên bổ nhiệm (theo phân cấp) hoặc chủ trì khâu lấy phiếu tín nhiệm cũng đều do lãnh đạo đơn vị thực hiện. Nói chung, người thủ trưởng tham gia vào tất cả khâu. Nếu như anh không dân chủ, không công tâm thì sẽ dễ dẫn đến sự lệch lạc, hình thức.

Mặt khác, ngay từ khâu đầu tiên là việc nhận xét, đánh giá là điểm yếu nhất trong công tác cán bộ hiện nay. Vì nó chưa là công cụ khách quan, tiêu chí còn chung chung, dễ lẫn lộn giữa hiện tượng và bản chất, người đứng đầu thiên vị không khó. Đó là chưa nói đến còn tình trạng yêu nên tốt, ghét nên xấu; đánh giá sức khỏe cán bộ qua tuổi tác, đánh giá năng lực qua các mối quan hệ, qua bằng cấp; đánh giá phẩm chất qua lý lịch, thậm chí một số nơi còn đặt thêm tiêu chuẩn để loại trừ người khác…

Phải chặn đứng "nhất hậu duệ, nhì quan hệ" - 2

Ông Triệu Tài Vinh, Bí thư tỉnh ủy Hà Giang có rất nhiều người thân trong  gia đình nắm giữ các vị trí  quan trọng của chính quyền tỉnh này. Ảnh : DQ

Nên bổ sung việc tiến cử của người có uy tín trong xã hội

. Theo ông, phải làm sao cho cái quy trình hiện nay không trở thành “tấm bùa” cho tình trạng “một người làm quan to, cả họ làm quan nhỏ”?

+ Như tôi đã đề cập, muốn làm công tác bổ nhiệm cán bộ thật sự tốt thì phải chú trọng đến tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn phải rõ ràng, cụ thể, không chung chung, dàn trải như hiện nay mà cần tập trung vào năng lực, đạo đức, thái độ đối với công việc đối với đối tượng phục vụ của người muốn bổ nhiệm.

Phải đánh giá được cán bộ một cách công tâm, khách quan, khoa học; phải lấy kết quả, hiệu quả công tác của người cán bộ đó làm cơ sở xem xét bổ nhiệm cũng như phải có uy tín xã hội.

Phải loại trừ cho được các yếu tố chủ quan, chỉ đạo thiên vị hoặc nặng về thực hiện chính sách của người đứng đầu.

Nếu làm được như vậy thì sẽ tránh được cục bộ, thân quen trong việc bổ nhiệm, loại bỏ được tình trạng “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ rồi thứ tư mới đến trí tuệ”. Khi đã làm đúng thì trong những trường hợp nếu rơi vào người nhà thì dư luận chắc chắn cũng ủng hộ, đồng tình.

. Từng có nhiều kinh nghiệm trong công tác cán bộ của Đảng cũng như chính quyền, ông nghĩ nên có một hướng đi nào khác?

+ Làm công tác cán bộ không phải chỉ là tạo sân chơi công bằng vì ở đây còn thẩm thấu được năng lực tiềm tàng, hướng phát triển, cách xử lý các tình huống của cán bộ... Bởi vậy phải có cái nhìn toàn diện về cán bộ. Nhiều nơi người ta có hình thức tiến cử của những người có trách nhiệm và uy tín xã hội cao, thi tuyển chọn người tài đức hoặc bằng hình thức tranh cử... Nếu bổ sung những cách làm này thì chúng ta có thể huy động được nhiều người đạt yêu cầu cả trong tổ chức và ngoài xã hội.

. Xin cám ơn ông.

Hãy để người thân của mình tự khẳng định

. Phóng viên: Ông từng làm các vị trí phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, ông đã từng thấy khó khi không sử dụng quyền lực mình đang có cho người thân không?

+ Ông Đặng Công Ngữ: Mỗi người có một sự lựa chọn con đường đi của mình. Con tôi, em tôi đã trưởng thành và cũng nhận thức mình phải làm gì, đương nhiên ai cũng muốn người thân của mình được thuận lợi hơn trong công việc và cá nhân tôi cũng vậy. Nhưng tôi nghĩ tốt hơn là mình để họ tự khẳng định chính họ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo LÊ PHI (Pháp luật TP.HCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN