Nơi người 90 tuổi vẫn cuốc đất, trèo cây

Sự kiện: Thời sự Quảng Nam

Cụ bà Ngô Thị Nhung (86 tuổi) nở nụ cười hiền hậu, đưa cho chúng tôi những chùm chôm chôm vừa hái. Rồi theo tay chỉ của cụ, chúng tôi ngước lên, bất ngờ thấy trên ngọn cây cao tít là một… cụ ông đã 90 tuổi!

Nơi người 90 tuổi vẫn cuốc đất, trèo cây - 1

Ðã 90 tuổi, cụ Nguyễn Ngoạn vẫn hàng ngày trèo cây hái trái. Ảnh: Hoài Văn.

Làng Đại Bình (xã Quế Trung, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) nổi tiếng với nhiều cái nhất ở miền Trung: thanh bình nhất, nhiều trái cây nhất, nhiều người sống thọ nhất. Làng có 345 hộ, có 195 thành viên Hội người cao tuổi. Trong đó, hơn 90 người trên 80 tuổi, 3 người hơn 100 tuổi.

Nơi người 90 tuổi vẫn cuốc đất, trèo cây - 2

Làng Ðại Bình. Ảnh: Hoài Văn.

Cụ ông trên... ngọn cây

Ngôi làng nhỏ nằm bên dòng sông Thu Bồn, xanh ngắt, yên bình. Đường làng sạch sẽ, hai bên là những hàng chè tàu được cắt tỉa cẩn thận, cạnh đó là những vườn cây trái lúc lỉu quả. Cụ bà Ngô Thị Nhung (86 tuổi) nở nụ cười hiền hậu, đưa cho chúng tôi những chùm chôm chôm vừa hái. Rồi theo tay chỉ của cụ, chúng tôi ngước lên, bất ngờ thấy trên ngọn cây cao tít là một… cụ ông! Cụ là Nguyễn Ngoạn, 90 tuổi, chồng cụ Nhung. Hỏi sao không nhờ con cái hái giúp, cụ cười, “Con cái đi làm ăn xa. Lâu ni toàn tui trèo hái xuống cho bả (bà ấy) bán. Mình thấy mình còn khỏe, còn làm được. Ngó thế chứ tay chân còn vững lắm, còn làm được chứ chưa phải phiền nhiều đến con cháu” - cụ ông Nguyễn Ngoạn cười hiền khô nói với xuống.

Con cái đều đã lập gia đình và lo chuyện làm ăn, hai cụ lấy chuyện chăm cây làm vui. Ngôi nhà nhỏ nhưng chung quanh nhà là vườn cây trái trĩu quả. Khu vườn này cả hai ông bà gây dựng, vun vén từ thời trẻ, rồi gắn bó cả đời người. Mùa nào trái đấy, cụ ông leo cây hái còn cụ bà ngồi bán phía trước nhà. “Thong thả cũng đủ nuôi sống hai ông bà, tiền quà bánh cho cháu. Lộc từ đất. Xưa cũng nhờ vườn cây ăn trái này và mấy sào ruộng, đậu, bắp mà con cái lớn khôn cả” - cụ Nhung kể.

Cụ ông Trần Nhựt năm nay bước sang tuổi “bách niên”. Cụ nói cách đây 2 năm vẫn còn ra ruộng làm cỏ, cuốc đất. Người làng ai cũng ngưỡng mộ sức làm của ông. Làm lụng vất vả từ bé, đôi chân trở nên chai sần đến nỗi gai rừng cũng sợ. “Đi đâu ổng cũng đi chân đất, riết thành chai. Chân dẫm lên gai mà cũng không biết nữa” - cụ bà Lê Thị Đường, vợ cụ Nhựt cười. Cụ Đường năm nay cũng tròn 90 tuổi. Ngoài mái tóc bạc, da có chút nhăn nheo nhưng đi đứng còn nhanh nhẹn, đôi mắt tinh anh, và đặc biệt khuôn mặt luôn tươi cười khi chuyện trò với khách.

Cụ kể, hai vợ chồng có tất cả 9 người con nhưng đã mất 2. Nên duyên lúc còn tay trắng, vợ chồng bảo nhau chăm chỉ làm việc thế rồi 7 người con cũng lớn khôn, dần dựng vợ gả chồng. Gia đình cụ Nhựt có 5 thế hệ. Riêng cháu gọi cụ Nhựt bằng cố có 22 cháu, có cháu gọi bằng cụ tổ. “Các cụ nói con đàn cháu đống cũng là phúc trong nhà. Mỗi bận gia đình có việc gì con cháu tụ tập hết lại là đông vui lắm, quây quần bên ông, bên bà, có khi tui còn chẳng nhớ hết tên tụi nhỏ” - bà Đường chia sẻ. Con cháu đều đã lớn, nhưng phần đa lập nghiệp xa. Người con gái thứ 4 - bà Trần Thị Bốn (68 tuổi), tóc cũng bạc có nhà ở gần nên thường chạy qua chăm.

Nơi người 90 tuổi vẫn cuốc đất, trèo cây - 3

Nụ cười tươi của cụ bà Lê Thị Ðường 90 tuổi.

Thấy ông bà sống lâu với con cháu ai cũng vui mừng. Sợ bệnh người già, con cháu phải thuyết phục mãi hai ông bà mới chịu nghỉ làm nhưng vẫn chăm vườn cây trái trong vườn đặng cho con cháu có quà, dư thì bán. Hai cụ lúc nào cũng khuyên con, nhắc cháu phải biết chăm chỉ làm lụng, chăm làm mới nên người”- cụ Bốn nói.

Sống thọ nhờ lao động

Ông Nguyễn Đình Bá - Trưởng thôn Đại Bình, cho biết làng có 345 hộ, với 1.400 nhân khẩu. Cả thôn có 195 thành viên Hội người cao tuổi; có 90 người trên 80 tuổi, 3 người trên 100 tuổi là cụ Đỗ Thị Nghiêm (105 tuổi), cụ ông Phạm Lời (104 tuổi) và bà Phạm Thị Sum (101 tuổi). Đặc biệt, những người ở độ tuổi trên 80, đầu tóc bạc phơ vẫn lao động cuốc đất, lội ruộng.

Trưa, cụ ông Ngô Bốn vừa từ ruộng về. Cụ Bốn năm nay 86 tuổi, nhưng thường ngày ít thấy cụ ngồi không. Hết gánh phân bỏ ruộng, làm cỏ, thu hoạch ngoài đồng lại cắt tỉa, chăm sóc vườn cây trái trong vườn. “Ngồi không bức bối khó chịu lắm. Cứ phải lao động người mới khỏe, mới vui lên được” - cụ cười khà.

Nói rồi cụ nhanh chân ra cây trụ trước nhà, hái liền 2 quả đãi khách. Đây là loại trái cây thuộc dòng bưởi, thanh trà, nhưng hương vị khác hẳn, là đặc sản riêng có của Đại Bình. Thứ trái đặc biệt, vỏ màu xanh có lông tơ, ruột màu hồng. Bổ ra từng múi mọng nước, ngọt lịm. “Đây, cứ ăn đồ sạch không thuốc trừ sâu, đi làm về mệt nhưng ăn vào là thấy người khỏe liền hà” - vừa nói ông vừa dúi vào tay khách những múi trụ vừa tự tay bổ.

Nơi người 90 tuổi vẫn cuốc đất, trèo cây - 4

86 tuổi, nhưng cụ Ngô Bốn vẫn khỏe mạnh trồng cây, cuốc đất. Ảnh: Hoài Văn.

“Bốn mùa tươi quả ngọt lành”  

Ấy là câu chữ của nhà thơ Tường Linh, khi ông viết về quê hương. “Đại Bình quê ngoại đẹp như tranh/Qua bốn mùa tươi quả ngọt lành/Trước bãi lững lờ dòng nước biếc/Sau đồng hùng vĩ rặng non xanh”.

Với địa thế tuyệt đẹp, phía trước làng là dòng sông Thu Bồn thơ mộng, lưng tựa vào dãy trường sơn, lại thêm đặc sản bốn mùa cây trái được ví như miệt vườn xứ Quảng. Nhiều thi sỹ “phải lòng” khi đến đây. Thi sĩ Bùi Giáng quê dưới Duy Xuyên, nhưng từ thời chống Pháp đã cùng gia đình lên đây sơ tán. Cũng tại vùng núi non này, Bùi thi sĩ đã từng “lùa bò vào đồi sim trái chín/Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim/Anh nhìn lên trời xanh đỏ chín/Anh ngó bốn bề cây lá gió rung rinh”.

Theo trưởng thôn Nguyễn Đình Bá, người làng Đại Bình được hưởng lộc từ đất. Khí hậu, thổ nhưỡng ở đây đều rất tốt, phù hợp với nhiều loại trái cây. Từ chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, bơ, quýt... khi được trồng ở đây đều cho trái ngon. Và hiện nay, thu nhập chính của người dân trong làng cũng từ những vườn cây ăn trái.

Theo vị trưởng làng, thì  cụ tổ của nghề trồng cây ăn trái là ông Huỳnh Châu, một người con trong làng nhưng sau đó đi vào Nam làm ăn, ông trở về mang theo 3 cây sầu riêng về đây trồng. Chỉ vài năm sau, những cây sầu riêng này trĩu quả, vị ngọt không kém sầu riêng chính gốc. Từ đó, dân làng lấy hạt giống từ vườn nhà ông Châu để gieo trồng, người ta đem giống bơ, chôm chôm, măng cụt...về trồng cũng trĩu quả...khai lập nên vườn trái cây Nam bộ trên đất Đại Bình hơn 40 năm nay. Riêng loại trụ lông trở thành đặc sản của làng.

Điều đặc biệt nữa là trái cây trồng trong vườn của người dân trong làng nên tuyệt đối không sử dụng đến thuốc trừ sâu, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Nên kể cả ngoài thị trường giá trái cây bấp bênh nhưng khách tìm về tận đây mua với giá cao và không hề ép giá.

Nơi người 90 tuổi vẫn cuốc đất, trèo cây - 5

Cảnh yên bình ở làng trường thọ. Ảnh: Hoài Văn.

Năm 2013 UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt kinh phí lập quy hoạch xây dựng Làng du lịch sinh thái Đại Bình với tổng mức kinh phí gần 1,8 tỷ đồng nhằm phát huy thế mạnh để khai thác. Ngoài ra, phát triển loại hình du lịch sinh thái kết hợp tìm hiểu bản sắc làng quê Việt; góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống làng quê; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương. Bên cạnh đó bảo vệ tài nguyên môi trường và phát triển du lịch bền vững; gắn kết các khu vực du lịch văn hóa - lịch sử Hội An, Duy Xuyên.

Từ sau khi làng Đại Bình được công nhận là Làng du lịch sinh thái, du khách khắp nơi kéo về. Trưa hè oi ả, bạn trẻ từ Huế, Đà Nẵng...đổ về để được tản bộ dưới tán cây và thưởng thức trái cây hái tại vườn. “Điều du khách rất thích ở đây là ngoài khí hậu mát mẻ, trong lành, cây trái sạch tại vườn thì làng rất yên tĩnh và không có trộm. Xe máy cứ để ngoài đường đến mai ra vẫn còn y chỗ đấy” - ông Bá nói.

Sắp tới, địa phương sẽ đầu tư kinh phí xây bãi đỗ xe ở đầu làng, chỉ lưu thông xe đạp hạn chế tiếng động cơ gây ồn ào trong làng, đồng thời, xây dựng đề án Làng nông nghiệp hữu cơ.

“Ðiều du khách rất thích ở đây là ngoài khí hậu mát mẻ, trong lành, cây trái sạch tại vườn thì làng rất yên tĩnh và không có trộm. Xe máy cứ để ngoài đường đến mai ra vẫn còn y chỗ đấy”.

Trưởng thôn Nguyễn Ðình Bá 

Bom đạn “né” làng

Ông Nguyễn Tám, Phó Chủ tịch UBND xã Quế Trung: Trước đây, để đến làng Ðại Bình thì phải lụy đò nhưng sau đó được đầu tư xây cầu, làm đường nên nay đã đi lại thuận lợi. Ðại Bình có nhiều điều đặc biệt, từ thổ nhưỡng, khí hậu cho đến phong tục tập quán, văn hóa và cả con người chăm chỉ làm lụng. Ðại Bình vốn là một làng thuần nông nhưng luôn đi đầu nhiều mặt.

Một điều lạ nữa là thời chiến tranh, trong khi những ngôi làng khác bị bom đạn tàn phá nặng nề nhưng riêng Ðại Bình lại không bị bom đạn tàn phá, con em ra chiến trường đều trở về lành lặn. Trong làng không xảy ra đánh nhau, trộm cắp. Do đó, sau năm 1975, người dân đã đổi tên Ðại Bường sang Ðại Bình, ý nói rằng đây là một ngồi làng bình an vô sự.

Trong thời bình, làng luôn đi đầu, là làng điểm của các phong trào toàn dân đoàn kết văn hóa (năm 1998); làm đường giao thông nông thôn (năm 2001), năm 2017 Ðại Bình cũng được chọn xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu.

Bất ngờ với “bí quyết” sống thọ của 4 anh em ruột ở Hải Dương

Là anh em ruột sinh ra từ thế kỷ trước, nhưng chưa bao giờ 5 anh em nhà cụ Thướng thuộc dòng họ Nguyễn Văn to tiếng, mâu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HOÀI VĂN ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN