Những lá phiếu của cử tri “đặc biệt”
Không thể bỏ phiếu ở đúng nơi cư trú song tại các điểm trong bệnh viện, trại tạm giam, trại cai nghiện… các cử tri “đặc biệt” đều thể hiện trách nhiệm của mình trên từng lá phiếu theo cách rất “đặc biệt”.
Cụ Nguyễn Thị Nga (SN 1937, Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội) bị thoái hóa khớp bỏ phiếu tại Hòm phiếu di động khoa Cơ xương khớp, BV Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: T.G
Những lá phiếu ghi trên giường bệnh
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, lãnh đạo các bệnh viện trong cả nước đã phối hợp chặt chẽ với Hội đồng bầu cử ở các địa phương đảm bảo cho người bệnh thực hiện quyền công dân, được bỏ phiếu trong ngày bầu cử theo quy định của pháp luật.
TS Nguyễn Văn Hùng, Trưởng khoa Cơ xương khớp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Bệnh viện đã lập danh sách 8 bệnh nhân đủ điều kiện bầu cử phải ở lại viện ngày 22/5. Cả 8 bệnh nhân đều bầu cử tại chỗ do bị bệnh liên quan đến hệ vận động, rất khó khăn trong việc đi lại. Bệnh viện đã phối hợp với các cán bộ bầu cử địa phương mang hòm phiếu di động đến tận giường bệnh của các bệnh nhân để họ được tự tay bỏ phiếu, thực hiện quyền công dân. Cụ bà Mai Thị Chính, 77 tuổi, ở Trần Khát Chân (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai bày tỏ: “Tôi rất cảm động vì được bầu cử tại bệnh viện. Khi được bệnh viện thông báo, tôi đã đăng ký bầu cử ngay, mong rằng những người được bầu sẽ hết lòng vì nhân dân”.
Còn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (thuộc Tổ bầu cử số 1 phường Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội), danh sách bệnh nhân đang điều trị và đăng ký đi bầu tại bệnh viện là 189 cử tri. GS.TS Trần Bình Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: "Bệnh viện luôn chuẩn bị sẵn sàng để góp phần thực hiện quyền công dân của người bệnh, vừa đảm bảo công tác khám, chữa bệnh. Những ngày qua, bệnh viện cũng nhận được các công văn hướng dẫn chuẩn bị công tác bầu cử của quận Hoàn Kiếm. Chúng tôi đã giao các bộ phận chức năng thực hiện như các phòng Tổ chức cán bộ, Công tác xã hội, Kế hoạch tổng hợp... để vừa thực hiện công tác chuyên môn vừa phối hợp với tổ bầu cử của phường”.
Đúng 10h sáng 22/5, hòm phiếu lưu động đã được chuyển tới các khoa, phòng của BV Việt Đức để các cử tri là bệnh nhân thực hiện quyền công dân của mình. Cũng theo GS.TS Trần Bình Giang, hầu hết các cán bộ y, bác sĩ ở đây cũng đã thực hiện quyền công dân của mình tại nơi cư trú.
Ông Lê Thế Hùng, Tổ trưởng Tổ bầu cử số 1 phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, tại Tổ bầu cử có 4 điểm bầu cử tại 4 bệnh viện (Việt Đức, K, Phụ sản, Răng- Hàm- Mặt). Tổ bầu cử đã mang hòm phiếu di động đến 4 bệnh viện trên để những người bệnh được thực hiện quyền công dân của mình.
Anh Hồ Mạnh Hùng (TP Vinh, Nghệ An) bày tỏ sự vui sướng và hạnh phúc khi được thực hiện quyền công dân ngay trên giường bệnh. “Tôi cảm ơn lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức và tổ bầu cử phường Hàng Bông đã tạo điều kiện cho tôi được bỏ phiếu lựa chọn những người xứng đáng để phục vụ người dân”, anh chia sẻ.
Đến cuối ngày 22/5, công tác bầu cử lưu động tại bệnh viện trong cả nước đã hoàn tất với sự hứng khởi của cử tri là bệnh nhân và niềm vui của cán bộ trong tổ bầu cử cũng như lãnh đạo, bác sỹ của bệnh viện theo đúng tinh thần “ngày bầu cử là ngày hội của toàn dân”.
Buổi bầu cử “đặc biệt”
Cán bộ Trại tạm giam số 1 (Hà Nội) và các can phạm trước giờ bầu cử . (Ảnh CA cung cấp)
Cũng trong ngày 22/5, hàng ngàn cử tri tại các trại tạm giam, trung tâm cai nghiện cả nước tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Đúng 7h sáng, tại Trại tạm giam số 1 (Hà Nội) có 3.405 cử tri tham gia bầu cử, trong đó cán bộ chiến sĩ là 521, số người bị tạm giữ, tạm giam là 2884. Ngoài các cán bộ của Ủy ban bầu cử phường Xuân Phương, Trại cũng bố trí cán bộ theo sát, đảm bảo tuyệt đối an toàn, tránh tình huống xấu xảy ra.
Buồn vui lẫn lộn là cảm xúc của hầu hết các cử tri là can phạm đang bị tạm giam, tạm giữ tham gia bầu cử. “Buồn vì mình không được bỏ phiếu bầu tại chính nơi mình đang cư trú, nhưng vui vì nhờ chính sách đầy tính nhân văn của Nhà nước, dù ở đây, chúng tôi vẫn được coi là những công dân”, nữ can phạm Trần Thị Thu chia sẻ.
Tại trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An, 727 người đang bị tạm giữ, tạm giam tại Trại giam Công an tỉnh Nghệ An phấn khởi đi bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Đại tá Trần Sỹ Phàng, Giám thị trại giam Công an tỉnh Nghệ An cho biết, sau khi có danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Nghệ An, tổ bầu cử số 5 đã photocoppy và dán tại các phòng tạm giam, tạm giữ để cử tri có thể nghiên cứu, lựa chọn người mà mình sẽ bỏ phiếu bầu.
Đại tá Phàng cũng cho hay: “Để đảm bảo an ninh cho việc bầu cử cũng như công tác quản lý các bị can, tổ bầu cử số 5 đã chuẩn bị 4 thùng phiếu. Trong đó có một thùng phiếu phục vụ cho việc bầu cử tập trung, 3 thùng phiếu di động được thành viên tổ bầu cử đưa vào tận buồng tạm giam để cử tri bỏ phiếu”.
Tại Quảng Ninh, khu vực bỏ phiếu bầu cử số 6 phường Hà Trung, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (trại tạm giam tỉnh Quảng Ninh), hơn 600 cử tri là người bị tạm giam, tạm giữ đã tham gia bỏ phiếu bầu cử.
Đáng chú ý, tại Hải Phòng, 500 cử tri là học viên tham gia cai nghiện tại Trung tâm GD-LĐXH Gia Minh thuộc huyện Thủy Nguyên, đã tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Học viên Nguyễn Quang Huy (30 tuổi, ở quận Lê Chân, TP Hải Phòng) lần đầu tiên tham gia bầu cử bày tỏ mong muốn ứng cử viên trúng cử sẽ có thêm những chính sách giúp các học viên lao động xã hội sớm tái hòa nhập cộng đồng và có việc làm, không bị kỳ thị của xã hội để có thể xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đây là lần đầu tiên theo quy định mới của Luật Bầu cử, những học viên cai nghiện, các can phạm là những người bị tạm giam, tạm giữ, những người chưa có bản án của TAND các cấp vẫn còn quyền công dân và được quyền bầu cử.