Điều chưa biết về trung tâm “tra tấn” HS

Khi nghe tin Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp II của thầy Phạm Minh Tuấn (Phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) bị đình chỉ dạy, nhiều phụ huynh nóng ruột, đã kéo đến trung tâm để tìm hiểu sự tình.

Tiến bộ vượt bậc nhờ… đánh?

Chị Ngô Thị Tú Oanh (cán bộ Sở Lao động Thương binh & Xã hội Thái Nguyên) cùng rất nhiều phụ huynh “không hẹn mà gặp” tại nhà thầy Tuấn. Vừa đến nơi, chị đã vội hỏi han tình hình qua các phụ huynh khác và kể: “Hôm qua, nghe thông báo là trung tâm nghỉ, tôi hỏi con tôi có biết lý do tại sao không? Nó bảo hình như trung tâm sửa chữa. Nhưng đến tối đọc báo tôi mới ngỡ ngàng. Sốt ruột quá, tôi gọi cho thầy Tuấn 5 lần mà không được. Hôm nay tôi phải đến tận nơi để xem tình hình thế nào.

Chị Oanh kể, con gái chị vừa học hết lớp 7 sắp lên lớp 8. Học lực không kém nhưng rất ương và lười. Có lần cháu bị viết bản kiểm điểm còn giả chữ ký bố mẹ. Chị rất sốc khi biết điều đó nhưng không biết phải xử lý con thế nào. Cuối cùng phải nhờ thầy Tuấn gọi điện nói chuyện. Con chị chưa từng bị đánh tại trung tâm nhưng nhìn các bạn bị phạt, cháu cũng tự ý thức được phải cố gắng để luôn trên điểm 5 (mức tối thiểu để không bị phạt).

Điều chưa biết về trung tâm “tra tấn” HS - 1

Phụ huynh Ngô Xuân Trường (tổ 1, TT Chùa Hang) lo lắng khi trung tâm đóng cửa

Cùng chung tâm trạng với chị Oanh, chị Đỗ Hải Yến (tổ 14, phường Túc Duyên) vội vã thêm vào: “Có phải học sinh nào thầy cũng đánh đâu, như tôi đề nghị 3, 4 lần thầy mới đánh con tôi đấy. Nhưng sau những lần bị phạt đó thì con tôi tiến bộ lên rất nhiều. Hồi cấp 1, năm nào cháu cũng là học sinh trung bình. Từ hồi lên lớp 6, tôi cho cháu học ở đây thì 2 năm liền sau đó đều đạt học sinh giỏi”.

Không chỉ riêng chị Yến, nhiều phụ huynh khác cũng ủng hộ cách dạy tại Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp II. Một phụ huynh cho biết: “Ở đây cái chính là thầy rèn ý thức. Trước con tôi hư lắm, mẹ nói câu nào là cãi lại, nhưng từ hồi học thầy, mẹ mắng gì cũng im lặng nghe lời, không cãi lại”.

Theo các phụ huynh, mục đích quan trọng nhất cho con học ở đây là để biết thực lực của con và rèn tính thành thật cho con cái.

Chị Vũ Thị Minh (Phường Hoàng Văn Thụ) sốt ruột vì con bị nghỉ 2 buổi học: “Giờ nghỉ học thế này có chết dở không, chúng tôi biết gửi con vào đâu. Con tôi đấy, trước cứ tưởng học khá, điểm toán toàn trên 7. Đưa vào đây kiểm tra mới biết chỉ được tầm 2, 3 điểm. Nó thú nhận trước toàn quay cóp của bạn chứ kiến thức bị rỗng. Sau 2 năm học tại đây, các thầy cô ở trường đều công nhận cháu tiến bộ vượt bậc. Giờ toàn đứng đầu lớp, điểm từ 9,4 trở lên”.

Bạn Lê Thị Tuyết Mai – Sinh viên Đại học Hà Nội, từng là học trò tại trung tâm của thầy Phạm Minh Tuấn cho biết: “Mặc dù cách dạy tại trung tâm này tuy có hơi nghiêm khắc nhưng tôi thấy các thầy ở đây rất tâm huyết với nghề, luôn lấy chất lượng làm đầu. Có sợ thì mới học, mà có học thì sẽ không bị phạt, không bị đánh. Cho đến giờ khi đã là sinh viên đại học, tôi vẫn thầm biết ơn các thầy cô ở đây. Những bài giảng của thầy giúp chúng tôi thành người”.

“Vừa đấm vừa xoa”

Trong khi đó, khi trung tâm bị đình chỉ dạy học, ông Phạm Minh Tuấn, chủ trung tâm… cảm thấy rất mệt mỏi và căng thẳng. Nói về chuyện học sinh bị “tra tấn” ở trung tâm của mình, ông Tuấn khẳng định: “Chúng tôi không bao giờ tự ý đánh học sinh nếu không có sự đồng ý của phụ huynh”. Ông Tuấn cho biết, mọi quy định đã được nêu rõ ngay từ khi phụ huynh đăng ký cho con theo học.

Về việc học tập, trước mỗi buổi học, các em đều phải làm bài kiểm tra ngắn để kiểm tra kiến thức ngày hôm trước. Em nào đạt (từ 5 điểm trở lên) sẽ được về theo giờ quy định. Em nào chưa đạt, sẽ ở lại để thầy cô giảng thêm đến khi hiểu và làm được bài thì thôi. Ông Tuấn còn nói, học sinh có thể ở lại thầy kèm thêm 3, 4 tiếng cho rõ vấn đề và mức học phí không hề khác so với những bạn về sớm. Em nào đói, ở lại ăn cơm với nhà thầy. Đặc biệt, buổi học hôm sau phải có chữ ký và xác nhận của phụ huynh vào kết quả bài kiểm tra.

Ông Tuấn đã áp dụng phương pháp này cách đây nhiều năm và được phụ huynh, học sinh rất ủng hộ. “Sao bị đánh mà nhiều người vẫn gửi gắm con học?”- PV hỏi.

Ông Tuấn cho biết: “Đó là vì họ tin tưởng. Tôi luôn đặt kết quả là ưu tiên số 1. Sau khi vào đây, học sinh đảm bảo được kiến thức cơ bản và thi vào được các trường cấp 3 tên tuổi. Kể cả ý thức, học sinh cũng thay đổi, không có chuyện ngang bướng hay bỏ học, nói dối bố mẹ".

Điều chưa biết về trung tâm “tra tấn” HS - 2

Thầy Phạm Minh Tuấn mệt mỏi và căng thăng sau 1 ngày trung tâm bị đình chỉ

Để được học tại đây, học sinh phải trải qua bài kiểm tra phân loại trình độ. Nếu học lực yếu, phải học số thời gian lớn hơn các bạn khác. Ông Tuấn cũng thừa nhận roi vọt không phải là phương pháp dạy học sinh nhưng nó đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, nó chỉ hướng đến một số đối tượng nhất định như học sinh lười học, ương ngạnh cần phải rèn vào khuôn khổ. Bởi chính bản thân ông cũng nên người nhờ có những thầy cô nghiêm khắc.

Vậy tại sao cha mẹ không tự đánh để rèn con mà phải “nhờ” đến thầy? Nhiều phụ huynh có mặt ở trung tâm đồng tình cho rằng thầy có phương pháp sư phạm riêng. Tức là “vừa đấm vừa xoa”. Thầy có thể đánh đau nhưng sau đó thầy lại chia sẻ và giảng giải các vấn đề cho học sinh rất nhẹ nhàng, tình cảm. Vì thế học sinh “ngấm” lâu hơn. Trong khi bố mẹ thường vừa đánh con vừa… quát.

Chị Đỗ Thị Loan (tổ 31, phường Phan Đình Phùng) kể: “Thầy đánh xong, nhưng nói cho nó hiểu. Đi học mà không hiểu gì thì lãng phí tiền của bố mẹ, tốt nhất không nên học nữa. Dù thầy đánh đau nhưng quan tâm đến học sinh. Cháu nào bị ốm thầy đưa về tận nhà. Thầy còn mua sẵn hàng trăm chiếc áo mưa, chẳng may có hôm mưa bất chợt, thầy phát cho các cháu”.

Chính vì vậy theo nhiều phụ huynh, cho con học ở đây 1, 2 tuần là thấy tác phong con thay đổi, nghiêm túc và có ý thức hơn rất nhiều.

Điều chưa biết về trung tâm “tra tấn” HS - 3

Phòng học tại Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp II của thầy Phạm Minh Tuấn

Băn khoăn bên tình bên lý

Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp II do Phạm Minh Tuấn làm chủ đã bị đình chỉ hoạt động. Chia sẻ với PV, ông Tuấn vẫn thiết tha: “Đây là bài học xương máu mà tôi không thể quên được. Nếu được dạy học trở lại, tôi sẽ rút kinh nghiệm và tìm phương pháp mới phù hợp với những quy định của Bộ GD&ĐT”.

Chị Oanh làm ở Sở Lao động Thương binh & Xã hội Thái Nguyên nên hiểu rõ về luật. Chị thừa nhận rằng: “Nếu dựa trên luật thì việc này sai, ngay cả việc mình là bố mẹ đánh con cũng vi phạm đến quyền trẻ em rồi. Vậy giờ giáo dục con nói nhẹ không được thì biết xử lý thế nào?”.

Khẳng định thêm điều này, chị dẫn chứng: “Phương pháp này xưa được các cụ dạy con cái suốt, mà rất nhiều thế hệ đã thành đạt. Con trẻ ở cái tuổi dở dở ương ương rất khó bảo, không cho vào khuôn thì dễ hỏng lắm”.

Cũng nhiều phụ huynh khác thừa nhận việc đánh con hay đánh học trò là pháp luật không cho phép. Nhưng việc này giống như “bên tình bên lý, bên nào nặng hơn”- Phụ huynh Nguyễn Mai Hoà (phường Hoàng Văn Thụ) giãi bày. 

Cũng có học sinh từng học ở trung tâm không chịu được “nhiệt” nên phải nghỉ. Chị Vũ Thị Quyên (Phường Quang Vinh) cho biết, con gái chị học ở đây một thời gian có tiến bộ, nhưng cháu nói áp lực bài vở thế, không thể theo được.  Khi chưa hoàn thành bài tập, cháu cảm thấy lo lắng, sợ bị phạt mỗi khi đến lớp. Có lúc phải nghỉ học chính để ở nhà làm bài tập học thêm.

Hay anh Phan Văn Bổn (công tác tại Điện lực thành phố Thái Nguyên) chia sẻ: Con anh học ở trung tâm từ lớp 6 đến lớp 9. “Ban đầu nó rất hư nhưng thời gian học ở đây thì khá hơn. Sau đó hết cấp 2, trung tâm không mở lớp nữa, cháu lại nghe theo chúng bạn bỏ học. Tóm lại phương pháp nào cũng cần có ý thức tự giác của con người”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trà My ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN