Những cụ già… trẻ trung tuổi 100 ở Bình Chánh

Sự kiện: Thời sự

Bình Chánh là huyện có số lượng các cụ già trăm tuổi nhiều nhất TP.HCM. Mặc dù ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng các cụ vẫn sống vui, sống khỏe, giữ được tinh thần trẻ trung hiếm có.

Đang nằm nghỉ trong nhà, nghe có khách tới thăm, cụ bà Huỳnh Thị Phu (100 tuổi, xã Quy Đức) liền dậy rửa mặt, chống gậy ra tiếp khách với vẻ mặt hết sức tươi vui. Con gái cụ, bà Phạm Thị Huỳnh Hoa (62 tuổi), khoe: “Nghe nói bữa nay có mấy anh chị vô chơi thăm nhà, từ sáng sớm má đã biểu đưa đồ đẹp cho má bận, rồi còn tập hát nữa đặng khách vô hát cho khách nghe. Má tui tuy lớn tuổi vậy chớ tới giờ vẫn còn… điệu lắm”.

Mê áo đẹp, thích chụp ảnh

Cụ Phu bị lãng một bên tai, khi ông Đặng Ngọc Thao, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Quy Đức, khen cụ hôm nay mặc áo đẹp quá, cụ nghiêng đầu lắng nghe rất chăm chú rồi trả lời: “Áo gấm này hôm làm mừng thọ tui mặc rồi, cũng đẹp”. Thấy vậy, bà Hoa phải ghé sát tai mẹ “phiên dịch” lại: “Mấy chú khen má bữa nay mặc áo đẹp”. Có vẻ như đã nghe rõ, những nếp nhăn trên gương mặt cụ Phu giãn ra: “Ờ, vậy hả. Má tưởng mấy chú hỏi má mặc áo gấm chưa”.

Bà Hoa kể cụ Phu mới đón sinh nhật tuổi 100 dịp Tết 2017 vừa rồi. Khi nhận được vải gấm do Chủ tịch nước tặng cụ vui lắm, giục con cháu mau mau may áo mới để cụ mặc… chụp ảnh khoe với mọi người. Nhiều người mua vải màu nâu, màu đen biếu cụ may áo, cụ vui vẻ nhận nhưng không quên dặn: “Bữa sau nếu có mua thì mua cho ngoại vải màu sáng may áo cho đẹp nha. Mấy màu này ngó sao… già quá”. Cụ vẫn tự vệ sinh cá nhân, nhất định không phiền con cháu, quần áo đứt thun, hở nút cụ cũng tự tay sửa lại.

Những cụ già… trẻ trung tuổi 100 ở Bình Chánh - 1

Được tặng quà, cụ Phu vui lắm, nổi hứng hát say sưa. Ảnh: H.M

Trò chuyện một lúc, cụ Phu gợi ý: “Thôi giờ ngoại hát nha. Hồi xưa ngoại hát hay lắm”. Thấy tôi cầm điện thoại quay lại, cụ ngừng hát, đòi chiêu thêm ngụm trà cho ngọt giọng: “Tiễn vật còn đây, mai tùng đâu mất/ Bạn ngọc xa rồi, gia thất ai coi/ Bông phù dung sớm nở tối tàn/ Mai tùng lan chiếc bóng, cảm thương nàng bơ vơ…”. Bài thơ cả trăm câu nhưng cụ thuộc làu làu. Hát ngâm xong, cụ hỏi: “Bây thấy hay không? Ngoại hát tiếp nha”.

Hát xong, cụ Phu quay qua ôn chuyện ngày xưa. Ngày còn trẻ cụ dệt chiếu nuôi sáu người con, làm lụng nhiều đến nỗi những ngón tay trở nên cong vẹo. Cuộc sống vất vả nhưng lúc nào cụ cũng lạc quan, các con cụ nhờ đó cũng học được tinh thần vui sống trong mọi hoàn cảnh. Bà Hoa tâm sự: “Má tui chịu cực giỏi lắm nhưng dù cực cỡ nào má vẫn thích ăn mặc chỉn chu, tươm tất. Quần áo có nếp nhăn là không chịu mặc đâu. Ở nhà miết, buồn nên khi thấy con cháu trồng rau, má cũng chống gậy ra vườn biểu: “Má giả bộ làm ruộng, bây chụp cho má một tấm ảnh thiệt đẹp nha””.

Tình già trẻ mãi

Ở xã Tân Nhựt, rất nhiều người biết đến “cặp đôi” cụ ông Nguyễn Văn Lý (95 tuổi) và cụ bà Nguyễn Thị Huê (85 tuổi). Chúng tôi đến thăm các cụ đúng lúc cụ Lý ra ao cho cá ăn, cụ Huê tất tả theo sau phụ chồng và canh chừng không cho cụ ông mua… vé số. Cụ Lý nhìn vợ, phân trần: “Tui có định mua đâu, mấy cô bán vé số đi qua hay vô mời. Tuổi già có người trò chuyện thấy vui nên tui mua ủng hộ, vậy mà bả nhằn quá”. Con cháu hai cụ đứng gần đó bật cười.

Cụ Huê dù đã mắc nhiều bệnh tuổi già nhưng vẫn luôn chăm chỉ sớm tối chăm sóc chồng con. Sáng nào cũng vậy, cứ đúng 5 giờ là cụ dậy nấu nước pha sữa, nấu cơm canh để sẵn đó. Vườn nhà rộng, nhiều cây trái nên cụ Lý thường ra vườn chăm cây, ngó coi tàu dừa nào khô thì kéo về chặt ra cho cụ bà nhóm bếp. Ông Nguyễn Thanh Trong, con trai thứ ba của hai cụ, cho biết: “Hễ thấy ba làm nặng là tôi khuyên nhủ nhưng cứ khuất mặt con cái là ba lại ra vườn kiếm chuyện để làm”. Nghe vậy, cụ bà bênh chồng ngay: “Ba bây hay làm quen rồi, không cho làm ổng bệnh đó. Ổng chỉ lấy củi cho má chớ có gì đâu”.

Những cụ già… trẻ trung tuổi 100 ở Bình Chánh - 2

Vợ chồng cụ Nguyễn Văn Lý và cụ Nguyễn Thị Huê vẫn luôn chăm sóc nhau sau hơn 70 năm làm chồng vợ. Ảnh: HM

Lát sau, cụ Huê xuống bếp gầy bếp củi nấu nước, cụ Lý đi theo giúp sắp củi. Bà cầm tay ông, mân mê những ngón tay thô ráp cong vẹo, các khớp ngón tay đã biến dạng, trìu mến: “Nhà đông con, ổng làm vất vả, cày cuốc dữ quá tay bị vẹo luôn, không đeo được nhẫn”.

Các con của hai cụ cho biết hai cụ sống lâu trường thọ có lẽ bởi luôn yêu thương nhau. Có một dạo ông Trong đón cha lên nhà mình chơi nhưng đến ngày thứ hai thì cụ Lý đã bần thần nhớ nhà nên lững thững một mình đi về làm con cháu một phen hốt hoảng. “Cũng từ đó con cháu không nỡ để ông xa bà quá lâu vì vắng ông, bà không chịu ăn cơm; vắng bà, ông lại buồn đâm bệnh” - ông Trong nói.

Khi con cháu kêu chụp bức ảnh lưu niệm, rất tự nhiên hai cụ ngồi sát lại bên nhau, nắm tay thật chặt không chút ngại ngần. Cụ Lý cười hiền, nói hơn 70 năm làm chồng vợ, hai người chưa một lần to tiếng với nhau.

Nghỉ ngơi đúng cách mới sống lâu

Cụ bà Huỳnh Thị Kim (95 tuổi, xã Bình Hưng) nói: “Tôi chỉ lâu lâu quên một chút chứ không có bị lẫn. Nhiều người già rồi bệnh, rồi lẫn là tại vì họ cứ nghĩ nghỉ ngơi là không làm gì hết. Hồi trẻ tôi làm việc cực lắm, sinh nở nhiều lần nhưng biết cách chăm sóc bản thân. Về già thì mình làm ít chứ đừng ngồi không, trí óc cũng phải hoạt động mới không bị lẫn. Con cháu cho tiền để tôi tự đi mua đồ. Tôi tự mua được nha”.

Con gái cụ Kim kể: “Con cháu hay biếu bà tiền, rồi để bà tính toán mua cái này mua cái kia. Hằng tháng Nhà nước có phụ cấp người già, má còn nhớ ngày nào ra lãnh lương mà”. Nghe con gái “kể xấu”, cụ bà cười móm mém, mắt lấp lánh niềm vui.

Cụ ông Võ Văn Tròn (87 tuổi, xã Tân Thới Tây) vừa gượng dậy sau cú sốc mất vợ cách đây hai tuần. Ông vẫn tập thể dục, trồng rau, chăm cây. Ông tâm sự: “Tôi thương bả lắm nhưng tôi ráng làm cho xong công chuyện của mình là hoàn thành cuốn sách nhật ký để lại cho con cháu về truyền thống cách mạng của gia đình. Đó là những câu chuyện đời người mà tôi đã sống và trải nghiệm”.

__________________________

Bình Chánh có 3.680 cụ có tuổi thọ từ 80 tuổi trở lên, trong số đó có 21 cụ tuổi thọ từ 100 tuổi trở lên.

Tôi nghĩ huyện Bình Chánh có nhiều cụ cao tuổi sống khỏe, sống lâu có lẽ bởi trước kia đây là vùng đất ruộng, người dân chủ yếu làm nông. Các cụ đã quen lao động với ruộng vườn nên có sức khỏe tốt, không khí lại trong lành, rất phù hợp với người già.

Điều quan trọng nữa là gia đình những cụ trường thọ đều rất đầm ấm, con cháu hiếu thảo, ngoan ngoãn... Tuổi già cần tinh thần thoải mái, vui vẻ mới sống lâu được.

Ông VÕ VĂN THU, Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Bình Chánh

Sở thích lạ lùng của cụ bà Việt Nam sống lâu nhất thế giới

Sống qua 3 thế kỉ, cụ bà Nguyễn Thị Trù được Liên minh Kỷ lục Thế giới công nhận là cụ bà cao tuổi nhất thế giới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Minh (Pháp Luật TPHCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN