Nhiều án khó thi hành do tòa tuyên chưa chuẩn

Đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, có những bản án tuyên không chuẩn xác, không hợp lý khiến việc thi hành rất khó khăn.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) kiêm Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp ngày 3/11 khi Quốc hội thảo luận về Luật thi hành án dân sự sửa đổi.

Nhiều án khó thi hành do tòa tuyên chưa chuẩn - 1

Đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, có những bản án tuyên không chuẩn xác, không hợp lý khiến việc thi hành rất khó khăn

Thưa ông, mới đây một đại biểu ở TP. HCM phát biểu ý kiến nói có 200 vụ án dân sự tuyên không rõ, nên khó thi hành. Trường hợp này phải xử lý thế nào?

Số lượng án phải thi hành tại TP. HCM cao nhất nước, gây ra quá tải. Bên cạnh đó luật hiện hành đang có nhiều bất cập. Ngoài ra, có những bản án tuyên không chuẩn xác, không hợp lý khiến việc thi hành rất khó khăn.

Nói trách nhiệm của việc thi hành án đối với bản án thì cũng phải nhắc đến trách nhiệm của tòa án. Bản thân bản án phải có tính khả thi ở mức độ cao và đòi hỏi thẩm phán phải điều tra xác minh khi ra bản án.

Hoặc yêu cầu luật sư, bên nguyên, bên bị phải cung cấp các tin tức thông tin, chứng cứ cần thiết, để khi ra bản án được đúng đắn, đảm bảo tính khả thi nhất định, không tạo ra mâu thuẫn để rồi cuối cùng không giải quyết được.

Thưa ông, tình trạng án tuyên không rõ ràng đến mức khó thi hành án có phổ biến không?

Con số thì tôi không nắm được hết, nhưng hàng năm Chính phủ đều có báo cáo chung, có nói bộ phận nhỏ án không thi hành được do bản án. Số lượng không nhiều nhưng ý nghĩa của nó đáng quan tâm, vì đã là bản án thì không được để cho người ta đổ thừa, chỉ ra rằng anh tuyên như thế thì làm sao tôi thi hành được.

Nguyên nhân ở đây có một phần do pháp luật dân sự mà Bộ luật Dân sự đang sửa đổi. Nhưng có bản án không thi hành được do nội dung tuyên như thế không thi hành được.

Những trường hợp như vậy không thể xử lý lúc thi hành án được mà phải xử lý ngay từ lúc tuyên án. Hay anh tuyên là tòa án cho rằng miếng đất này thuộc về anh X, nhưng khi anh này cầm bản án đi để thực hiện và đăng ký quyền sử dụng đất lại gặp muôn vàn khó khăn.

Trong những bản án đó phải nghiên cứu thêm một bước, và phải có yêu cầu một số cơ quan có trách nhiệm phải có trách nhiệm thi hành án. Ví dụ miếng đất đó kết luận quyền sử dụng đất thuộc về người ta thì phải yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm thi hành thì người ta mới đi đăng ký quyền sử dụng đất được.

Thực tế có không ít những bản án kéo dài, hoặc tuyên không rõ ràng dẫn đến khó thực hiện. Theo ông thực trạng trên này do đâu và nó có thể gây ra hệ lụy gì?

Thực tế có những vụ án kéo dài 5 – 7 năm mới có được phán quyết của cơ quan xét xử cao nhất, mà đôi khi phải kháng nghị giám đốc thẩm tới năm lần bảy lượt. Sau đó phải đến vài ba năm, có khi hàng chục năm nữa bản án cũng không được thi hành.

Cũng từ đó dẫn đến hiện tượng người ta đi tìm đến những lực lượng khác, công ty đòi nợ thuê, xã hội đen xử lý bằng những cách khác ngoài pháp luật, thậm chí trái với quy định pháp luật.

Do vậy, việc sửa đổi luật thi hành án phải theo hướng như vậy. Ngoài ra luật đã sửa đổi rồi thì việc tổ chức thi hành hết sức quan trọng.

Do đó chúng tôi đã đề nghị tòa án khi ban hành bản án phải làm sao có trách nhiệm cho đến khi bản án được thi hành xong, chứ công lý không thể ban bố xong rồi chấm dứt. Công lý có được thực thi trong cuộc sống hay không, tòa án lại không quan tâm và không có quyền gì nữa cả là không nên.

Vậy tới đây những bản án tuyên không rõ ràng, hoặc tuyên gây thiệt hại cho đương sự thì người ta có quyền khiếu nại không và khiếu nại ở đâu?

Việc này hiện đã làm rồi, ví dụ yêu cầu tòa án giải thích, nhưng có những cái khó vì giải thích không phải sửa lại bản án. Những gì thuộc quá khứ thì mình cố gắng tối đa, cơ quan thi hành án và tòa án phải có trách nhiệm phối hợp với nhau để tháo gỡ cho người dân trong thi hành bản án.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Yến (ghi) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN