Nhật tìm cách gia nhập liên doanh tên lửa NATO

Được Mỹ ủng hộ, việc Nhật gia nhập liên doanh phát triển tên lửa SeaSparrow của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ cho phép Tokyo lần đầu tiếp cận một dự án quốc phòng đa quốc gia.

Nhật tìm cách gia nhập liên doanh tên lửa NATO - 1

Kế hoạch gia nhập SeaSparrow của Nhật Bản phù hợp với chủ trương tăng cường sức mạnh quân sự của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe.

Reuters dẫn các nguồn tin Mỹ và Hải quân Nhật Bản cho hay, hồi tháng 5, các quan chức Hải quân Nhật đã tới dự cuộc họp của NATO ở LaHaye để tìm hiểu về SeaSparrow - liên doanh phát triển tên lửa bao gồm 12 thành viên của NATO cùng giám sát việc phát triển và chia sẻ chi phí của tên lửa SeaSparrow - loại vũ khí tân tiến gắn trên tàu được thiết kế để tiêu diệt các tên lửa chống hạm bay sát mặt nước và các máy bay tấn công.

Tên lửa SeaSparrow do các hãng chế tạo vũ khí của Mỹ là Raytheon và General Dynamics sản xuất.  SeaSparrow do 4 quốc gia bao gồm Mỹ thành lập vào năm 1968 và đang dự kiến phát triển một phiên bản nâng cấp của SeaSparrow trong những năm tới.

Theo Reuters, kế hoạch gia nhập SeaSparrow đang được thảo luận ở Toyko và động thái này phù hợp với chủ trương tăng cường sức mạnh an ninh của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe. Theo đó, chính quyền Abe đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí đã được duy trì nhiều thập niên.

Một phát ngôn viên Hải quân Nhật Bản cho hay qua email: “Hải quân Mỹ đang cung cấp những thông tin liên quan tới dự án SeaSparrow cho Tokyo. Với mục tiêu cải thiện hiệu quả mua sắm các tên lửa đất đối không hoạt động trên tàu, chúng tôi đang thu thập thông tin để đưa ra lựa chọn cần thiết”.

Việc Nhật Bản gia nhập liên doanh này sẽ làm tăng chi phí của dự án song Washington vẫn bày tỏ sự ủng hộ đồng minh ruột ở châu Á vì nhận thấy Tokyo sẽ đóng vai trò đầu tàu trong các quan hệ đối tác công nghệ quân sự đa quốc gia của Mỹ ở châu Á. Vai trò của Nhật càng trở nên quan trọng hơn trong trong bối cảnh  Trung Quốc ra sức hiện đại hóa quân đội và ngày càng trở nên quyết đoán hơn trong các yêu sách của họ, đe dọa an ninh nhiều nước trong khu vực.

"Chúng tôi cho rằng, kế hoạch này sẽ cho phép Nhật đặt nền móng đầu tiên cho chương trình xuất khẩu quốc phòng của nước này trong tương lai. Chúng tôi hoan nghênh loại quan hệ hợp tác an ninh này của Nhật Bản trong khu vực", Reuters dẫn nguồn tin Mỹ.

Hiện Hải quân Mỹ và NATO hiện đều từ chối bình luận chính thức về việc Nhật Bản có tham gia liên doanh sản xuất tên lửa của NATO hay không.
 
Nhật Bản là một trong những quốc gia có nghành công nghiệp quân sự tiên tiến nhất trên thế giới. Tuy nhiên, các tập đoàn như Mitsubishi Heavy Industries lâu nay vẫn chỉ có thể chế tạo và sản xuất  vũ khí cho duy nhất Lực lượng Tự vệ Nhật Bản vì lệnh cấm xuất khẩu vũ khí.

Tuy nhiên, hồi tháng 6, Thủ tướng Abe đã nhất trí với Tổng thống Philippines Benigno Aquino về một thỏa thuận song phương liên quan đến hoạt động trao đổi phần cứng cũng như công nghệ quân sự. Trước đó một tháng, ông Abe đã đồng ý bắt đầu đàm phán với Malaysia về việc chuyển giao công nghệ và các thiết bị quốc phòng.

Trong khi đó, Úc đang cân nhắc để Nhật Bản đóng các tàu ngầm thế hệ tiếp theo của nước này. Động thái này được Mỹ công khai khuyến khích bởi nó giúp mối quan hệ giữa hai đồng minh thân cận nhất của Washington ở châu Á trở nên khăng khít hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN