Nhất thiết phải xây khách sạn cạnh Hồ Gươm?

Sự kiện: Tin Hà Nội

Có ý kiến cho rằng, xây khách sạn cạnh Hồ Gươm (Hà Nội) không được cao quá 3 tầng, có người lại lo ngại việc xây khách sạn sẽ phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng đến giao thông đô thị quanh khu vực.

Nhất thiết phải xây khách sạn cạnh Hồ Gươm? - 1

Vị trí dự kiến xây khách sạn

Chuẩn bị để khởi công vào tháng 9

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch Nguyễn Thế Hùng triển khai thực hiện kết luận của thường trực Thành ủy về quy hoạch kiến trúc dự án đầu tư xây dựng công trình khách sạn tại số 22-32 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. Kết luận này đồng ý chủ trương theo đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND TP về quy hoạch kiến trúc dự án đầu tư xây dựng công trình khách sạn tại địa chỉ nói trên.

Theo văn bản của Văn phòng UBND TP Hà Nội, các Sở Quy hoạch - Kiến trúc, KH&ĐT, Xây dựng, Tài chính, VH-TT, UBND quận Hoàn Kiếm có trách nhiệm tạo điều kiện giúp nhà đầu tư (Công ty Cổ phần Intimex Việt Nam) thực hiện hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và kế hoạch khởi công xây dựng công trình trong tháng 9.

Trao đổi với Báo Giao thông về vấn đề này, TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, trước đây, gần vị trí định xây khách sạn cũng đã có một khách sạn nhỏ. Vì vậy, nếu có thêm một khách sạn tại đây cũng không ảnh hưởng gì về mặt không gian, cảnh quan. Theo ông Liêm, vị trí hiện tại của nơi định xây khách sạn là Siêu thị Intimex, nhưng có lẽ do đường hẹp, giao thông không thuận tiện nên việc kinh doanh không được tốt nên chủ đầu tư nghĩ đến việc chuyển đổi sang xây dựng khách sạn.

“Việc xây khách sạn ở đây có thể chấp nhận nhưng cần lưu ý vài điểm. Thứ nhất, cần giữ nguyên 2 tầng như siêu thị hiện tại, có thể xây lên 3 tầng như một số nhà xung quanh nhưng cao hơn thì không được vì nó sẽ phá vỡ sự hài hoà của cảnh quan chung, làm cho Hồ Gươm nhìn nhỏ đi, khoảng cách đến hồ có vẻ hẹp hơn. Vấn đề cần lưu ý nhất là làm sao để việc xây dựng khách sạn không ảnh hưởng đến giao thông của khu vực, vì đây là đoạn đường khá hẹp, trong khi nếu xây khách sạn lượng phương tiện tập trung có thể rất lớn”, ông Liêm nhấn mạnh.

Xây công trình kỷ niệm thay vì khách sạn?

Liên quan đến dự án nói trên, KTS Nguyễn Trực Luyện, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP cũng lưu ý: “Thứ nhất, vấn đề ra vào của các phương tiện đón khách. Rất khó để bố trí được nơi đỗ xe cho xe đưa đón, trong khi khách sạn là nơi có lượng xe đưa đón khách rất nhiều. Thứ hai, tại khu vực Hồ Gươm, kiến trúc không thể làm kéo dài được nên phải có thiết kế ngắn, vừa phải cho phù hợp với nhịp điệu kiến trúc của khu vực xung quanh Hồ Gươm. Thứ ba, chi tiết kiến trúc phải hài hòa để bắt nhịp được với kiến trúc của khu vực. Về độ cao, xung quanh hồ các công trình kiến trúc đều không cao nên cũng phải thiết kế cho có sự tương đồng”.

Trong khi đó, ĐBQH Bùi Thị An (Đoàn Hà Nội) lại cho rằng, khu đất 22- 32 Lê Thái Tổ với vị trí nhìn thẳng ra Hồ Gươm được coi là khu “đất vàng”, thể hiện nét riêng của Hà Nội. “Theo tôi, không nên xây khách sạn ở đó, mà nên giữ lại một nét của Hà Nội cổ kính. Hà Nội không thiếu đất đến mức phải xây một khách sạn trên một diện tích không lớn lắm. Nếu thật sự chỗ đó sau khi xây khách sạn mà làm cho kinh tế Hà Nội tăng trưởng vượt bậc thì có thể xem xét.

Còn không, tôi đề xuất lãnh đạo Hà Nội xem xét, cân nhắc lại quyết định này, vì ai cũng mong muốn dân số được phân bổ đều, không nên quá tập trung ở khu vực nội đô. Nếu lấy số đất đó xây dựng một công trình kỷ niệm về Hà Nội có khi lại hay hơn là xây khách sạn”, bà An nêu quan điểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Vũ ([Tên nguồn])
Tin Hà Nội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN